Đề xuất xây dựng mô hình logistics gắn với vùng nguyên liệu cho nông nghiệp

logistics NÔNG NGHIỆP
20:15 - 07/09/2022
Bộ NN&PTNT muốn xây dựng các mô hình logistics cộng đồng gắn với vùng nguyên liệu.
Bộ NN&PTNT muốn xây dựng các mô hình logistics cộng đồng gắn với vùng nguyên liệu.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, trong xây dựng logistics cần xác định việc gì có thể làm được luôn, làm ngay trong khả năng của ngành nông nghiệp thì nhanh chóng thực hiện trước, do vậy sẽ ưu tiên giải quyết từ cấp độ vùng nguyên liệu.

Doanh nghiệp sẽ đóng vai trò dẫn dắt

Trong buổi họp bàn về phát triển hệ thống logistics nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ngày 7/9, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chỉ ra các hạn chế theo chuỗi giá trị nông nghiệp của logistics nông sản.

Chi phí logistics đang là một trong những điểm nghẽn của việc gia tăng giá trị nông sản. Hiện nay, chi phí logistics trung bình cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang chiếm tỷ lệ khoảng 20 – 25%, khá cao so với các nước trong khu vực chỉ chiếm khoảng 10 – 15%.

Theo ông Toản, chuỗi cung ứng dịch vụ logistics hầu hết do các doanh nghiệp nhỏ thực hiện đơn lẻ từng khâu nên năng lực lưu thông và cung ứng lạnh hạn chế. Dịch vụ logistics mới chỉ phát triển ở những thành phố lớn, trong khi tại nhiều vùng sản xuất nông nghiệp thì dịch vụ này lại nhỏ lẻ. Trong khi đó, kênh phân phối nông sản qua hệ thống chợ đầu mối, chợ dân sinh chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng.

Từ đó, ông Toản đề xuất mô hình điểm logistics cộng đồng tại nông thôn đặt tại các địa phương gắn với vùng nguyên liệu. Cơ chế đầu tư sẽ có sự tham gia của cả Nhà nước, doanh nghiệp và hợp tác xã.

Dịch vụ cung ứng của mô hình này sẽ được triển khai đầy đủ các chức năng, gồm: Hỗ trợ thông tin giữa nhu cầu và ứng dụng; dịch vụ marketing và thương mại thông qua sàn thương mại điện tử; dịch vụ sơ chế, đóng gói, bảo quản, lưu kho; dịch vụ vận chuyển bốc dỡ hàng hóa; dịch vụ tham quan vùng nguyên liệu; dịch vụ môi giới, tư vấn pháp lý.

Trước đề xuất mô hình điểm logistics cộng đồng, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, khi giải quyết một vấn đề cần tiếp cận từ mọi góc nhìn một cách đồng bộ nhất.

“Logistics gồm phần cứng và hạ tầng, sẽ mất nhiều thời gian để tích hợp trong quy hoạch thương mại và giao thông vận tải. Do vậy, cần xác định việc gì có thể làm được luôn, làm ngay trong khả năng của ngành nông nghiệp thì nhanh chóng thực hiện trước. Doanh nghiệp đã bước đầu làm nhưng còn nhỏ lẻ, cần có chiến lược, cơ chế thông thoáng để tập hợp sức mạnh của họ”, Bộ trưởng Hoan phân tích.

Từ phân tích đó, Bộ trưởng đánh giá, đề xuất xây dựng trung tâm logistics nông nghiệp cộng đồng từ cấp độ vùng nguyên liệu là thích hợp trong bối cảnh hiện tại.

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan

“Cần lưu ý việc quan trọng nhất trong mô hình điểm logistics cấp độ vùng nguyên liệu là đầu tư và vận hành. Phải có sự tham gia của doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt. Khi làm tốt được điều này, các điểm logistics cộng đồng sẽ kéo thị trường tới, từ cơ sở chế biến, thu mua sẽ hình thành theo”.

Bộ trưởng Hoan cũng lưu ý, nếu đầu tư xây dựng logistics mà không hướng dẫn nông dân cách quản trị thị trường sẽ không đủ điều kiện để phát triển tồn tại bền vững.

“Trung tâm logistics vùng nguyên liệu không chỉ đơn giản để bảo quản nông sản lâu hơn mà sẽ hình thành tinh thần liên kết hợp tác sản xuất giữa các bà con và tạo ra không gian chia sẻ, chuyển đổi tri thức cho nông dân”, ông Lê Minh Hoan nói.

Cần gắn xây dựng mô hình với nguồn lực

Đồng quan điểm với Bộ trưởng, Thứ trưởng NN&PTNT Trần Thanh Nam dẫn kinh nghiệm trong mô hình logistics nông nghiệp Thái Lan, chỉ ra, đề án của Thái Lan xác định rõ logistics gắn cho nông sản là gắn với nông dân và hợp tác xã với mục tiêu tăng doanh thu 300% trên năm và giảm chi phí sản xuất.

Việt Nam có thể tham khảo mô hình của Thái Lan để nghĩ tới việc xây dựng chương trình phát triển hệ thống logistics nông sản trong các hợp tác xã nông nghiệp.

Khẳng định chương trình cần gắn với nguồn lực, Thứ trưởng Nam cho biết, năm 2021, Thủ tướng đã ra quyết định đầu tư hạ tầng cho các hợp tác xã, “do đó, chương trình xây dựng logistics cấp độ vùng nguyên liệu có thể gắn với quyết định đó (của Thủ tướng - pv) để có nguồn lực thực hiện. Đây là chương trình của riêng ngành nông nghiệp và trong khả năng có thể thực hiện ngay”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định.

Xây dựng trung tâm logistics gắn với vùng nguyên liệu.

Xây dựng trung tâm logistics gắn với vùng nguyên liệu.

Cũng từ câu chuyện nguồn lực mà Thứ trưởng Nam nhắc đến, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho rằng, chương trình hay đề án mà không gắn với cơ chế, chính sách sẽ thất bại vì không có nguồn thực hiện.

Liên quan đến logistics, ông Việt dẫn chứng, nhiều tổ chức nước ngoài đã hỗ trợ Việt Nam về các dự án logistics nhưng khi dự án rút đi thì đâu lại vào đó. Do đó, khi trình xây dựng chương trình logistics cấp độ vùng nguyên liệu cần đi kèm với kiến nghị chính sách để đảm bảo phát triển lâu dài, bền vững.

Theo định hướng của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ông Việt cho rằng, chính sách cần tập trung vào 2 nội dung cốt lõi là đất đai và tín dụng.

“Quan điểm là sẽ lựa chọn một số hợp tác xã có vùng nguyên liệu tốt để xây dựng thí điểm sau đó nhân rộng. Chính sách Nhà nước hỗ trợ đất đai, tín dụng và thị trường còn doanh nghiệp và hợp tác xã sẽ đầu tư nguồn lực”, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đề xuất.

Mô hình logistics cộng đồng tại nông thôn gắn với vùng nguyên liệu sẽ được xây dựng, gồm: (1) Văn phòng và sàn giao dịch điện tử, (2) kho lạnh hàng nông sản tươi, (3) kho lạnh hàng cô đặc, (4) kho khô, (5) bãi tập kết bốc dỡ container, (6) khu vực sơ chế đóng gói, (7) điểm kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa đầu vào đầu ra, (8) kiot bán lẻ và không gian quảng bá sản phẩm cộng đồng, (9) cây xanh và công trình phụ trợ.

Tin liên quan

Đọc tiếp