Đến hạn chót, 84 nhà máy điện gió đã kịp vận hành thương mại

NĂNG LƯỢNG Việt nAM
07:56 - 03/11/2021
Điện gió Số 7 Sóc Trăng
Điện gió Số 7 Sóc Trăng
0:00 / 0:00
0:00
Đến cuối tháng 10/2021, đã có tổng số 84 nhà máy điện gió đã kịp công nhận COD và thực hiện hòa lưới điện quốc gia, 4 dự án đã hòa lưới nhưng chưa hoàn thành thử nghiệm và 58 dự án không kịp vận hành.

Theo báo cáo của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) gửi Bộ Công Thương về các nhà máy điện gió được công nhận vận hành thương mại (COD), tổng công suất điện gió được COD là 3,980.265 MW so với tổng công suất PPA đã ký với EVN là 8,171.475 MW (146 nhà máy).

15 dự án được COD một phần nhà máy bao gồm: VPL Bến Tre (Bến Tre), Hambaram (Ninh Thuận), Lạc Hòa – giai đoạn 1 (Sóc Trăng), Tân Phú Đông (Tiền Giang), Ia Le 1 (Gia Lai), Số 5 Thạnh Hải 2 (Bến Tre), Hiệp Thạnh (Trà Vinh), Hướng Linh 7 (Quảng Trị), Chơ Long (Gia Lai), Hòa Đông 2 (Sóc Trăng), Ia Pech (Gia Lai), Thuận Nhiên Phong (Bình Thuận), Bình Đại (Bến Tre), Hưng Hải Gia Lai (Gia Lai), Hướng Hiệp 1 (Quảng Trị).

15 dự án đã được COD một phần. (Nguồn: EVN)

15 dự án đã được COD một phần. (Nguồn: EVN)

69 nhà máy được công nhận COD toàn bộ phân bố tại các địa phương: Dẫn đầu là Quảng Trị với số lượng 17 nhà máy, tiếp theo là Ninh Thuận 11 nhà máy, Bạc Liêu 8, Gia Lai 7, Bình Thuận 7, Trà Vinh 4, Cà Mau 3, Quảng Bình 3, Bình Định 3, Đắk Lắk 2, Bến Tre 2, Sóc Trăng 2.

Nhà máy điện gió có công suất lớn nhất là Ea Nam 400 MW do Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam Đăk Lăk 1, thành viên của Trung Nam Group, làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 16.500 tỷ đồng tại tỉnh Đăk Lăk.

Ngoài ra, có 4 nhà máy tuy đã hòa lưới điện nhưng chưa hoàn thành thử nghiệm để COD là các dự án Nam Bình 1, Tân Tấn Nhật – Đắk Glei, Nhơn Hội – Giai đoạn 2 và Cầu Đất.

2 Nhà máy điện gió Hanbaram và Hòa Thắng 2.2 đã có sự thống nhất giữa chủ đầu tư và EVN về việc bổ sung thêm vào hợp đồng một số điều khoản như cam kết ngừng/giảm công suất nếu xảy hiện tượng quá tải/thừa nguồn trong thời gian công trình chưa đưa vào vận hành; chủ đầu tư sẽ thực hiện theo đúng ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền có ý kiến khác về việc công nhận ngày vận hành thương mại chưa phù hợp) thì sẽ hủy bỏ ngày vận hành thương mại và hoàn trả lại toàn bộ tiền điện cho EVN, bao gồm cả khoản tiền lãi (nếu có).

62 dự án không kịp COD là: Điện gió Khu du lịch Khai Long – Cà Mau Giai đoạn 1, Công Lý Sóc Trăng – Giai đoạn 1, Hòa Thắng 1.2, Phước Thể, Cà Mau 1A, Cà Mau 1B, Cà Mau 1C, Cà Mau 1D, Nexif Energy Bến Tre, Thanh Phong – Giai đoạn 1, Số 3 Sóc Trăng (V2-1), Duyên Hải (V1-4), Số 2 Sóc Trăng, Số 18 Sóc Trăng, Số 5 Thạnh Hải 3, Cầu Đất, Số 7 – Giai đoạn 2, Số 5 – Thạnh Hải 4, Chế biến Tây Nguyên, Phát triển miền núi, Đăk N’Drung 1, Đăk N’Drung 2, Đăk N’Drung 3;

Hòa Thắng 2.2, Tân Tấn Nhật – Đăk Glei, La Pech 2, Song An, Hướng Linh 4, Yang Trung, Hòa Đông, Lạc Hòa, Lạc Hòa 2, Nexif Energy Bến Tre – Giai đoạn 2,3, Tân Ân 1 – Giai đoạn 2021 – 2025, Phong điện 1 – Bình Thuận giai đoạn 2, Viên An, Thạnh Phú, HBRE Hà Tĩnh, TNC Quảng Trị 1, TNC Quảng Trị 2, Thiên Phú, Thiên Phú 2, Lig Hướng Hóa 1, Lig Hướng Hóa 2, Nam Bình 1, Tân Hợp, Bình Đại số 2, Bình Đại số 3, Cư Né 1, Cư Né 2, Krông Búk 1, Krông Búk 2, Asia Đắk Song 1, Xanh Sông Cầu Giai đoạn 1, Tân Ân 1 Giai đoạn 2001 – 2005 (công suất 30MW), Số 19 Bến Tre, Số 20 Bến Tre, Bạc Liêu – Giai đoạn 3, Hải Anh, Sunpro.

Trong số 62 dự án nói trên, có những dự án đến nay vẫn còn vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, có dự án còn chưa có trang thiết bị để thi công... Những dự án này sẽ phải chuyển sang cơ chế đấu thầu giá. Cơ chế này đang được Bộ Công Thương hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ.

Theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 10/09/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, giá ưu đãi cố định (giá FIT) cho điện gió trên biển là 9,8 cents/kWh (tương đương 2.223 đồng) và trên bờ là 8,5 cents/ kWh (khoảng 1.927 đồng).

Giá này chưa gồm thuế giá trị gia tăng (VAT), được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 1/11/2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Tại Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15/01/2019 của Bộ Công Thương về Quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và hợp đồng mua bán điện mẫu cho dự án điện gió, 90 ngày trước ngày vận hành thương mại, bên bán điện có trách nhiệm gửi bên mua điện dự thảo quy trình chạy thử nghiệm thu của nhà máy điện phù hợp với các quy định hiện hành và các tiêu chuẩn công nghệ của nhà máy điện gió để hai bên thống nhất xác định ngày vận hành thương mại và tính toán sản lượng điện chạy thử nghiệm của nhà máy điện.

Tin liên quan

Đọc tiếp