Dịch COVID-19 đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên mức cao nhất từ đầu năm

CHÍNH SÁCH Việt nAM
17:52 - 29/09/2021
Dịch COVID-19 đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên mức cao nhất từ đầu năm
0:00 / 0:00
0:00
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình lao động, việc làm của cả nước. Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước 9 tháng năm 2021 là 2,67%, cao nhất kể từ đầu năm.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2021 của Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/09, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình lao động, việc làm của cả nước. Lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm mạnh so với quý trước. So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng cao nhất kể từ quý I/2020.

Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước 9 tháng năm 2021 là 2,67%.

Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước 9 tháng năm 2021 là 2,67%.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước trong quý III/2021 ước tính là 49,2 triệu người, giảm 1,9 triệu người so với quý trước và giảm 2,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 50,4 triệu người, giảm 0,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Lực lượng lao động trong độ tuổi của cả nước quý III/2021 ước tính là 43,2 triệu người, giảm 1,9 triệu người so với quý trước và giảm 3 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, lực lượng lao động trong độ tuổi của cả nước là 44,5 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước 9 tháng năm 2021 là 2,67%, trong đó khu vực thành thị là 3,58%; khu vực nông thôn là 2,15%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ước tính 9 tháng năm 2021 là 2,91%, trong đó khu vực thành thị là 3,78%; khu vực nông thôn là 2,39%.

Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên (từ 15-24 tuổi) 9 tháng năm 2021 ước tính là 7,85%, trong đó khu vực thành thị là 10,62%; khu vực nông thôn là 6,54%. Tính chung 9 tháng năm nay, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động ước tính là 3,04%, trong đó khu vực thành thị là 3,0%; khu vực nông thôn là 3,07%.

Trong 9 tháng năm nay, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống dân cư và phát triển kinh tế, đặc biệt tại một số địa phương phía Nam. Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết số 68 và Nghị quyết số 86 của Chính phủ, Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm công tác an sinh xã hội và đời sống của người dân.

Tính đến ngày 21/09, tổng kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương đã hỗ trợ là gần 13,8 nghìn tỷ đồng cho gần 17,6 triệu đối tượng, trong đó có 11,4 nghìn tỷ đồng được chi cho 23 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh; xuất cấp 136.349,6 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho hơn 2,4 triệu hộ gia đình với gần 9,1 triệu nhân khẩu gặp khó khăn do dịch trên địa bàn 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Riêng TP.HCM đã chi trên 5.446 tỷ đồng (chiếm 40% toàn quốc) hỗ trợ trên 4,8 triệu đối tượng (chiếm 27,3% toàn quốc) và trao 1,8 triệu túi an sinh xã hội cho người dân.

Công tác an sinh xã hội định kỳ và công tác giảm nghèo bền vững tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo và triển khai thực hiện trên cả nước. Trong 9 tháng năm 2021, tổng trị giá tiền và quà hỗ trợ cho các đối tượng là 10.434,1 tỷ đồng, hơn 29,3 triệu thẻ bảo hiểm xã hội/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng./.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.