Dịch COVID-19 tác động ra sao đến hiệu quả tài chính của DNNN niêm yết?

DOANH NGHIỆP Việt nAM
18:49 - 18/11/2021
Dịch COVID-19 tác động ra sao đến hiệu quả tài chính của DNNN niêm yết?
0:00 / 0:00
0:00
World Bank đánh giá đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nhất định đến khả năng tạo dòng tiền trong tương lai và nguồn tài chính cho đầu tư và phát triển của các DNNN nói chung và DNNN niêm yết hoạt động trong lĩnh vực phi tài chính.

Theo tổng hợp của World Bank dựa trên số liệu từ Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam có khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc hàng lớn nhất trên thế giới với trên 2.200 doanh nghiệp trực thuộc các bộ, ngành trung ương, đóng góp trên 25% tổng quy mô GDP quốc gia và 30% thu ngân sách của Chính phủ, tạo ra khoảng 1 triệu việc làm cho nền kinh tế.

World Bank nhận định, do đó hiệu quả hoạt động của DNNN, khả năng chống chịu các cú sốc như đại dịch COVID-19 của khu vực này có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế cũng như tài chính công của quốc gia.

World Bank gần đây đã công bố Báo cáo về hiệu quả hoạt động của DNNN và tác động của dịch bệnh đến các DNNN niêm yết, đặc biệt là nhóm DNNN niêm yết hoạt động trong lĩnh vực phi tài chính. Báo cáo nhằm đánh giá rủi ro cũng như cung cấp thông tin bổ trợ cần thiết cho chiến lược cơ cấu lại DNNN của Chính phủ nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động và khả năng chống chịu của khu vực này nhất là trong bối cảnh hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các DNNN chững lại do bối cảnh đại dịch COVID-19.

Năm 2020, thất thu thuế 6.895 tỷ đồng từ các DNNN niêm yết nhóm phi tài chính

Đánh giá sơ bộ của World Bank về tác động của dịch COVID-19 với kết quả hoạt động, kinh doanh của các DNNN niêm yết trong lĩnh vực phi tài chính được phản ánh qua 4 khía cạnh: tác động tài khóa, khả năng sinh lời, tính thanh khoản, nợ và nợ phải trả.

Tác động tài khóa với các DNNN niêm yết nhóm phi tài chính là khá lớn, kéo dài và thông qua các kênh khác nhau, nghiên cứu của World Bank cho thấy.

Cụ thể, thất thu thuế của nhóm này ước lên đến 6.895 tỷ đồng riêng trong năm 2020 do lợi nhuận của DNNN giảm mạnh (-54%) dẫn đến giảm thuế TNDN và thuế GTGT so với năm 2019. Cổ tức thu từ các DNNN cũng dự kiến giảm.

Không những nguồn thu từ khu vực DNNN niêm yết trong lĩnh vực phi tài chính giảm, ước tính chi tiêu Chính phủ cho nhóm này sẽ tăng để hỗ trợ cho những DNNN gặp khó khăn, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch và giải trí. Chẳng hạn, vào tháng 11/2020, Quốc hội đã phê duyệt hỗ trợ tài chính đặc biệt cho Việt Nam Airlines ở mức 12 ngàn tỷ đồng, trong đó bao gồm 8 ngàn tỷ đồng dưới hình thức bơm thêm vốn và 4 ngàn tỷ đồng dưới hình thức cho vay ưu đãi.

Khả năng sinh lời của nhóm các DNNN niêm yết trong lĩnh vực phi tài chính cũng bị ảnh hưởng nặng nề với mức giảm khoảng 50%, tương đương 36 ngàn tỷ đồng riêng trong năm 2020 (so với lợi nhuận trong năm 2019). Nguyên nhân chính đến từ cú sốc kép giữa cung và cầu.

Khả năng sinh lời giảm sâu ảnh hưởng mạnh mẽ đến thu nhập (lợi nhuận trước lãi vay và thuế giảm 32%), đầu tư và tăng trưởng trong tương lai của doanh nghiệp. Tác động còn lan tỏa đến chủ sở hữu Nhà nước thông qua nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp và cổ tức bị giảm.

Mức độ tác động được đánh giá không đồng đều giữa các ngành, trong đó ngành du lịch và dịch vụ giải trí bị ảnh hưởng nặng nề nhất (lợi nhuận giảm 428%), tiếp theo là ngành dầu khí, trong khi các doanh nghiệp viễn thông lại hưởng lợi lớn (lợi nhuận tăng 300%).

Về tính thanh khoản, trong năm 2020, thanh khoản của các DNNN niêm yết nhóm phi tài chính xấu đi nhanh chóng nhưng được khôi phục vào cuối năm. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của DNNN giảm 129% trong quý I/2020 trước khi khôi phục vào cuối năm nhờ các biện pháp thắt chặt chi phí doanh nghiệp và các hỗ trợ tài chính của Chính phủ. Ngoài một số DNNN trong lĩnh vực du lịch và giải trí chứng kiến dòng thanh khoản âm, nhìn chung không có hiện tượng khủng hoảng về thanh khoản do dự trữ và tài sản ngắn hạn của các DNNN lớn hơn nợ ngắn hạn phải trả.

Dù vậy, World Bank đánh giá khủng hoảng đại dịch đã ảnh hưởng nhất định đến khả năng tạo dòng tiền trong tương lai và nguồn tài chính cho đầu tư và phát triển.

Rủi ro về nợ và nợ phải trả của các DNNN niêm yết trong lĩnh vực phi tài chính nhìn chung vẫn ở mức thấp với đòn bẩy tài chính ở mức hợp lý và hệ số nợ được cải thiện liên tục, kể cả trong năm 2020. Ngoại lệ duy nhất là ngành du lịch và giải trí bị ảnh hưởng nặng nề với hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu tăng gấp đôi lên 7,8% năm 2020 do tác động trực tiếp từ đại dịch COVID-19.

Theo đánh giá của World Bank, nhìn chung các hệ số về khả năng trả lãi vay và nợ của DNNN nhóm phi tài chính đều giảm đầu năm 2020 nhưng được phục hồi vào cuối năm nhờ các biện pháp hỗ trợ liên quan đến dịch COVID-19 của Ngân hàng Nhà nước.

Về tổng thể, nhóm DNNN niêm yết sử dụng đòn bẩy thấp hơn so với các doanh nghiệp niêm yết nói chung. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của nhóm này đã giảm từ 67% năm 2016 xuống còn 50% năm 2019, so với mức 64% năm 2019 ở các doanh nghiệp niêm yết nói chung. Bất chấp đại dịch COVID-19, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của nhóm DNNN niêm yết trong lĩnh vực phi tài chính tiếp tục được cải thiện trong năm 2020. Do đó, rủi ro căng thẳng nợ và các nghĩa vụ trả nợ tiềm tàng tương ứng đối với Chính phủ chỉ giới hạn ở một số doanh nghiệp.

Tiến trình cổ phần hóa và niêm yết DNNN

Dựa trên kết quả phân tích tác động của đại dịch đến hiệu quả tài chính của 253/278 DNNN niêm yết có báo cáo tài chính hàng quý giai đoạn 2018-2020, World Bank nhận định khu vực DNNN niêm yết đã và đang vượt qua khủng hoảng đại dịch COVID-19 tương đối tốt, ngoại trừ ngành du lịch và giải trí.

Cụ thể, DNNN bị ảnh hưởng nặng nhất trong hai quý đầu năm 2020 nhưng đã chứng tỏ được khả năng chống chịu nhờ có dự trữ gây dựng được trong những năm sinh lời trước đó (78 ngàn tỷ đồng được ghi nhận cho danh mục DNNN niêm yết năm 2019) và do giảm chi phí để giảm nhẹ căng thẳng về dòng tiền, chẳng hạn Tổng Công ty Đường sắt Hà Nội giảm chi phí hoạt động 18%. Các biện pháp hỗ trợ tài chính đa dạng và nhanh chóng của Chính phủ cũng như NHNN cũng góp phần xoa dịu khó khăn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo World Bank, đại dịch COVID-19 chắc chắn để lại những vết sẹo cho doanh nghiệp khi tài sản ngắn hạn bị suy giảm để chống đỡ khủng hoảng thanh khoản và biên lợi nhuận giảm mạnh. Kết hợp với cú sốc cầu kéo dài, tình trạng giảm quy mô hoạt động và tạm dừng đầu tư sẽ làm xói mòn hơn nữa khả năng sinh lời và tiềm năng tăng trưởng của DNNN trong tương lai.

Nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động và khả năng chống chịu của khu vực DNNN nói chung và DNNN trong lĩnh vực phi tài chính nói riêng sau đại dịch COVID-19, World Bank đề xuất 3 khuyến nghị chính sách như sau:

Một là tăng cường khung quản trị doanh nghiệp đối với các DNNN mà Nhà nước sở hữu và có chức năng giám sát chủ động nhằm giảm rủi ro và chi phí tài khóa ngày càng tăng.

Theo đó,World Bank khuyến nghị sửa đổi Luật Đầu tư vốn của Nhà nước nhằm tăng cường chức năng sở hữu và giám sát của Nhà nước cũng như cơ chế quản lý hiệu quả sản xuất kinh doanh, đồng thời tăng cường hệ thống theo dõi hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, chất lượng và tần suất thông tin tài chính DNNN, chẳng hạn thông qua áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS).

Hai là đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa và niêm yết DNNN, tinh giản thủ tục phê duyệt và tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận, đánh giá tình hình tài chính DNNN một cách minh bạch.

Ba là giải quyết những bất cập trong triển khai cải cách DNNN. Chẳng hạn, Bộ Tài chính hiện đang xây dựng một chương trình đào tạo chuyên về kỹ năng lãnh đạo cho các DNNN cũng như tăng cường nguồn nhân lực cho các cơ quan quản lý và giám sát DNNN.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.