Doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần thay đổi để giữ được lợi thế cạnh tranh

Dệt May Việt nAM
16:08 - 17/11/2021
Ông Võ Mạnh Hùng và ông Vũ Đức Giang tại cuộc họp báo
Ông Võ Mạnh Hùng và ông Vũ Đức Giang tại cuộc họp báo
0:00 / 0:00
0:00
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Hiệp hội Bông Mỹ (CCI) vừa phối hợp tổ chức họp báo giới thiệu về Ngày hội ngành Bông - Cotton Day 2021 với chủ đề “Sự bền vững và minh bạch quý vị có thể tin tưởng”

CCI sẽ phối hợp với VITAS tổ chức chương trình Cotton Day Vietnam 2021 trên nền tảng trực tuyến vào ngày 1/12/2021. Hội thảo sẽ cung cấp thông tin về các xu hướng phát triển chính của ngành trong thời gian tới cũng như các giải pháp thiết yếu cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam để thích nghi với nhu cầu thị trường trong giai đoạn hậu COVID-19.

Cotton Day là sự kiện thường niên nhằm cung cấp thông tin thị trường mới nhất và những nhận định của các chuyên gia hàng đầu thế giới về ngành dệt may, do Hiệp hội Bông Mỹ (CCI) tổ chức tại nhiều quốc gia Châu Á từ những năm đầu thập niên 90 và đã được tổ chức thành công tại Việt Nam trong bốn năm vừa qua.

Ông Võ Mạnh Hùng, Đại diện CCI phát biểu tại buổi họp báo
Ông Võ Mạnh Hùng, Đại diện CCI phát biểu tại buổi họp báo

Bên cạnh việc cập nhật các xu hướng và giải pháp từ những diễn giả hàng đầu thế giới trong ngành bông, Cotton Day Vietnam 2021 được kỳ vọng sẽ là một diễn đàn kết nối giao thương có giá trị cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực dệt may.

Chia sẻ về sự kiện Cotton Day 2021, ông Võ Mạnh Hùng, Trưởng Đại diện Hiệp hội Bông Mỹ tại Việt Nam cho biết: ngành dệt may và thời trang thế giới đang có những chuyển biến mạnh mẽ hướng đến việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Các nhãn hàng ngày càng chú trọng đến các nguyên liệu vừa mang tính thời trang, vừa thân thiện môi trường.

Theo ông Hùng, bông là nguyên liệu tốt cho môi trường nhưng chỉ là khi được trồng theo quy trình dùng ít tài nguyên như đất, nước, phân bón, thuốc trừ sâu. Bông Mỹ được sản xuất theo tiêu chuẩn minh bạch và có thể lượng hóa theo chương trình Trust Protocol là giải pháp giúp các nhãn hàng và chuỗi cung ứng thực hiện mục tiêu bền vững đã đặt ra.

Ông Hùng cho biết, các doanh nghiệp thế giới dự kiến đến năm 2025, tất cả chuyển qua sử dụng bông bền vững. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không theo kịp thì sẽ mất lợi thế cạnh tranh.

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS phát biểu tại họp báo

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS phát biểu tại họp báo

Cập nhật nhanh tình hình chung của ngành dệt may Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2021, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS cho biết, Tp. HCM và các tỉnh phía Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 kéo dài. Đến nay, sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, người lao động đã quay trở lại làm việc ở các nhà máy với tỷ lệ 92 - 93%.

Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may trong 10 tháng qua của Việt Nam đạt khoảng 32 tỷ USD, tăng trưởng 10,8% so với cùng kỳ năm 2020. Ước tính cả năm 2021, Việt Nam sẽ xuất khẩu được 37,92 tỷ USD, tăng trưởng 8,1% so với năm 2020.

Đặc biệt, xuất khẩu vải và xơ sợi đạt kim ngạch lớn nhất từ trước đến nay. Trong đó, xuất khẩu xơ sợi 10 tháng ước đạt gần 4,5 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt khoảng 5,3 tỷ USD đến cuối năm 2021, tăng trưởng 42%; xuất khẩu vải các loại ước đạt 2 tỷ USD và dự kiến đến cuối năm sẽ đạt 2,4 tỷ USD.

Năm 2022, ngành dệt may dự kiến kim ngạch xuất khẩu 43 tỷ USD. Để đạt mục tiêu này, ông Giang nêu các giải pháp: doanh nghiệp phải bắt kịp xu hướng tiêu dùng, tập trung vào các thị trường quan trọng như Mỹ, thị trường khối CPTPP và EVFTA.

Theo ông Giang, để tiếp tục tận dụng lợi thế từ các thị trường này, việc sử dụng bông và nguyên liệu đầu vào minh bạch phải tiếp tục được đẩy mạnh. Đó là trách nhiệm của các nhà sản xuất đối với người tiêu dùng, với nhãn hàng, với môi trường … Điều này không chỉ giải quyết mục tiêu xuất khẩu mà còn là nền tảng để thực hiện chương trình xanh hóa và phát triển bền vững của ngành dệt may.

Tin liên quan

Đọc tiếp