Điện mặt trời 'ách tắc', doanh nghiệp đề xuất tự sản tự tiêu

Hiện vẫn chưa có cơ chế giá mới cho điện mái nhà sau khi cơ chế khuyến khích hết hiệu lực.
Hiện vẫn chưa có cơ chế giá mới cho điện mái nhà sau khi cơ chế khuyến khích hết hiệu lực.
0:00 / 0:00
0:00
Sau khi tạm ngừng đấu nối điện mặt trời áp mái lên lưới của ngành điện lực, nhiều chủ đầu tư đề nghị cho họ được đấu nối để tự tiêu dùng tại chỗ. Tuy nhiên hướng đi này cũng đang bị vướng do có “khoảng trống” về cơ chế.

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2020 đã chứng kiến sự bứt phá của điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam. Tính đến hết ngày 31/12/2020, hơn 100.000 công trình điện mặt trời mái nhà đã được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 9.300 MWp. Cú hích này là nhờ Quyết định số 11 và số 13/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.

Cụ thể, theo giá mua điện từ dự án điện mặt trời mái nhà theo Quyết định 13/2020 là 8,38 cent một kWh (1.943 đồng/kWh), kéo dài trong 20 năm với các dự án đấu nối, vận hành thương mại trước 31/12/2020. Đây là mức giá cao nhất trong các loại hình đầu tư điện mặt trời (mặt trời mặt đất, nổi).

Tuy nhiên hiện tại, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời hiện đã hết hiệu lực. Ngành điện các tỉnh ngưng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ hệ thống điện mặt trời do người dân và doanh nghiệp lắp đặt sau ngày 31/12/2020. Thực tế, việc phát triển quá nóng của điện mặt trời cũng gây ra hệ luỵ khi hệ thống truyền tải không theo kịp. Chưa kể đến việc xây dựng, vận hành các dự án còn nhiều sai phạm, theo kết luận của Đoàn kiểm tra Bộ Công thương.

Trước tình hình trên, nhiều doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời đang rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, khi điện sản xuất ra không thể hoà lưới; hoặc đã hòa lưới nhưng bị giảm phát do lưới điện quá tải. Vì vậy, nhiều chủ đầu tư và địa phương đề nghị được đấu nối hệ thống điện mặt trời mái nhà để tự tiêu dùng tại chỗ, không phát lên lưới điện của Tổng công ty điện lực, Công ty điện lực.

Cần cơ chế ràng buộc về trách nhiệm tự chịu rủi ro của khách hàng

Trong Tờ trình gửi Hội đồng thành viên EVN về việc “Xử lý, giải quyết các vướng mắc phát sinh về điện mặt trời mái nhà” mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong khi chờ Chính phủ/ Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế mới và hướng dẫn thực hiện của Bộ Công Thương về điện mặt trời mái nhà, ngành điện đã tạm thời không thực hiện thỏa thuận đấu nối các hệ thống này vào lưới điện.

Tuy nhiên, EVN, các tổng công ty điện lực, công ty điện lực liên tục nhận được kiến nghị của một số chủ đầu tư và địa phương đề nghị được đấu nối hệ thống điện mặt trời mái nhà để tự tiêu dùng tại chỗ, không phát điện lên lưới điện.

Điển hình như Công ty TNHH Norsk Solar Việt Nam (được bảo lãnh bởi các nhà đầu tư và quỹ phát triển Chính phủ Na Uy và Phần Lan) kiến nghị tự dùng hệ thống điện mặt trời mái nhà cho các khu công nghiệp, nhà máy, trung tâm thương mại; Công ty TNHH Maruha Chemical Việt Nam thuộc Tập đoàn TORAY Nhật Bản đầu tư điện mặt trời mái nhà tại hệ thống nhà máy của công ty để tự dùng nội bộ; Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại trụ sở làm việc của 8 Sở, ngành và Trung tâm hành chính công tỉnh Tiền Giang...

Nhiều chủ đầu tư, địa phương muốn tự chủ hệ thống điện mái nhà.

Nhiều chủ đầu tư, địa phương muốn tự chủ hệ thống điện mái nhà.

EVN cho rằng do các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt trong phạm vi quản lý của chủ đầu tư, không thuộc phạm vi quản lý của các tổng công ty, công ty điện lực nên việc không chấp thuận để các chủ đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà để tự dùng có thể gây phản ứng tiêu cực. Tuy nhiên, nếu EVN chấp thuận thì có rủi ro do chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng quy định về điều kiện, trình tự thủ tục đấu nối, tiêu chuẩn lắp đặt, yêu cầu kỹ thuật đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà để tự dùng.

Bên cạnh đó, việc không kiểm soát đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà có thể gây khó khăn đến việc lập kế hoạch huy động các nguồn điện hiện hữu khác để đảm bảo cân bằng cung cầu trong vận hành hệ thống điện quốc gia, nhất là tại khu vực miền Trung, miền Nam.

Theo EVN, khi hệ thống điện mặt trời mái nhà của khách hàng bị sự cố, không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng tại chỗ như dự kiến thì cần có cơ chế ràng buộc về trách nhiệm tự chịu rủi ro của khách hàng.

Trước đó, EVN đã có văn bản báo cáo Chính phủ, trong đó có kiến nghị Chính phủ có cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn điện mặt trời mái nhà tại miền Bắc với mục đích tự tiêu thụ cho nhu cầu phụ tải tại chỗ (không phát lên lưới). Tuy nhiên, theo EVN, hiện Chính phủ và Bộ Công Thương vẫn chưa có hướng dẫn.

Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã lập Đoàn kiểm tra việc phát triển các dự án điện mặt trời phát triển từ tháng 7/2019 đến cuối năm 2020 và có kết luận, các nhà đầu tư tập trung ở một số địa phương có cường độ bức xạ cao, số giờ nắng trung bình trong năm lớn trong khi hạ tầng lưới điện chưa đáp ứng yêu cầu về truyền tải.

Phần lớn các nhà đầu tư trong lĩnh vực điện mặt trời mái nhà mới được thành lập hoặc các doanh nghiệp tư nhân chưa có kinh nghiệm về đầu tư. Do đó, quá trình triển khai đầu tư, xây dựng chưa thực hiện tốt các quy định về xây dựng, phòng cháy chữa cháy, đất đai và môi trường.

Ngoài ra, việc phát triển điện mặt trời mái nhà trong thời gian qua không đồng đều ở các địa phương, tập trung nhiều ở những vùng phụ tải thấp, dẫn đến không phù hợp với nhu cầu sử dụng điện, làm mất cân đối trong quá trình điều độ và vận hành hệ thống điện, ảnh hưởng đến độ tin cậy cung cấp điện.

Bài toán của năng lượng mặt trời là phải sử dụng hết

Tại Hội thảo “Phát triển khu công nghiệp sinh thái - Hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0” do Mekong ASEAN tổ chức ngày 17/6, vấn đề điện mặt trời mái nhà cũng được các doanh nghiệp đề cập với mong muốn thúc đẩy môi trường sản xuất xanh.

Ông Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch CTCP Shinec (Chủ đầu tư KCN sinh thái Nam Cầu Kiền) cho biết, đơn vị này đang muốn xây dựng thêm hệ thống năng lượng tái tạo, phủ hết điện mái nhà để sử dụng trong Khu công nghiệp, tiến tới mục tiêu zero carbon. Việc lắp đặt này là tự sản tự tiêu, không đấu nối lên lưới điện quốc gia. Tuy nhiên hiện tại doanh nghiệp chưa thể triển khai vì vướng mắc trong thủ tục, khi chưa có cơ chế, chính sách cụ thể cho loại hình này. Vậy nên ông Điệp mong muốn cơ quan chức năng sớm xem xét để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Anh Minh – Phó Tổng giám đốc Shinec chia sẻ thêm, năng lượng là yếu tố quan trọng hàng đầu trong sản xuất. Các doanh nghiệp đều muốn chủ động điều tiết được vấn đề này để đảm bảo hoạt động. Trong bối cảnh hiện tại, sử dụng năng lượng tái tạo là xu hướng của thế giới và là hướng đi rất bền vững. Và nguồn năng lượng thay thế phù hợp nhất chính là năng lượng mặt trời.

Vì vậy, ông Minh cho rằng vẫn cần có những giải pháp để phát triển năng lượng mặt trời sao cho phù hợp. Chính sách bắt nhịp với sự thích ứng sẽ tạo bước nhảy vượt bậc cho hoạt động kinh doanh sản xuất, đặc biệt là tiến tới xây dựng các khu công nghiệp sinh thái – xu hướng tất yếu trong tương lai.

Ông Nguyễn Anh Minh – Phó Tổng giám đốc Shinec.

Ông Nguyễn Anh Minh – Phó Tổng giám đốc Shinec.

Ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Kinh doanh Năng lượng xanh - Công ty CP Tập đoàn PC1 nhận định, Quyết định số 11 và số 13/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đã tạo cú hích lớn cho lĩnh vực này, giúp nâng cao nhận thức xã hội về năng lượng tái tạo. Tuy nhiên việc phát triển quá nóng của điện mặt trời trong thời gian ngắn lại gây áp lực lên hệ thống truyền tải, dẫn đến việc cơ quan quản lý phải xem xét, chấn chỉnh lại.

Mặc dù vậy, theo ông Hùng, trong Quy hoạch điện VIII, Chính phủ vẫn khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Thực tế, vai trò của nguồn năng lượng xanh ngày càng quan trọng, đặc biệt là sau cam kết COP26. Đây cũng là yếu tố hấp dẫn mà Việt Nam thu hút quan tâm đầu tư từ nước ngoài. Đơn cử như việc Tập đoàn Lego đầu tư hơn 1 tỷ USD xây dựng nhà máy mới tại Bình Dương. Đây là nhà máy trung hoà carbon đầu tiên của Tập đoàn này.

Là đơn vị xây lắp đồng thời có nhiều kinh nghiệm trong vận hành các nhà máy điện, đại diện PC1 cho biết, bài toán đặt ra với năng lượng điện mặt trời là phải sử dụng hết, đồng thời có giải pháp dự trữ để đảm bảo cho nhu cầu sử dụng trong những khoảng thời gian không có mặt trời. Vì vậy, ông Hùng cho rằng mô hình mạng lưới nhỏ sẽ tối ưu hơn. Như các khu công nghiệp có mạng lưới điện riêng sẽ chủ động được nguồn năng lượng, tự phân bổ thừa – thiếu giữa các đơn vị.

Ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Kinh doanh Năng lượng xanh - Công ty CP Tập đoàn PC1.

Ông Nguyễn Việt Hùng - Giám đốc Kinh doanh Năng lượng xanh - Công ty CP Tập đoàn PC1.

“Pin lưu trữ chính là giải pháp để ổn định nguồn năng lượng mặt trời. Tại PC1, chúng tôi cũng đang nghiên cứu sản xuất pin lưu trữ để đảm bảo nguồn năng lượng không bị lãng phí, đảm bảo dòng điện ổn định, xuyên suốt”, ông Hùng cho biết thêm.

Bên cạnh đó, ông Hùng nhấn mạnh, các đơn vị tham gia vận hành điện mặt trời không có kinh nghiệm, hiểu biết sâu về ngành cũng là một trong những nguyên nhân khiến các dự án gặp vướng mắc, sai phạm. Do đó, ông đánh giá việc cơ quan chức năng giám sát, kiểm soát các dự án điện mặt trời là cần thiết, giúp phát triển đúng hướng. Đây cũng là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp chứng minh năng lực của mình bởi tại Việt Nam, tiềm năng năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng mặt trời nói riêng còn rất lớn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.