Doanh nghiệp mòn mỏi chờ ngày mở cửa du lịch vì lực đã cạn

DU LỊCH Việt nAM
19:48 - 27/01/2022
Doanh nghiệp mòn mỏi chờ ngày mở cửa du lịch vì lực đã cạn
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện các hãng hàng không và tập đoàn du lịch lớn nhất Việt Nam cùng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa có kiến nghị khẩn gửi đến Thủ tướng Chính phủ về việc công bố ngay thời điểm mở cửa du lịch trở lại.

Khẩn thiết đề xuất công bố ngay trong tháng 2 thời điểm mở cửa du lịch

Trong kiến nghị khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 26/1, đại diện các hãng hàng không cùng một số tập đoàn du lịch lớn nhất Việt Nam bao gồm Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo, Pacific Airlines, Hải Âu Aviation, Vietravel, Saigontourist, TMG, Sun Group, BIM và Ban IV đã cùng ký tên vào văn bản đề xuất công bố “Thời điểm mở cửa hoàn toàn cho du lịch quốc tế tới Việt Nam” ngay trong đầu tháng 2. Từ đó hướng tới mốc thực tế để mở cửa hoàn toàn, có thể là 31/3 hay 30/4/2022.

Hiện nay, sau 2 tháng thí điểm mở cửa du lịch có điều kiện tại một số địa phương, Việt Nam mới chỉ đón được 8.500 lượt khách du lịch quốc tế. “Cần có sự điều chỉnh nhanh chóng về quy định, chính sách đối với quá trình này để tương thích với bối cảnh mới, đồng thời để các địa phương, doanh nghiệp có thể chủ động chuẩn bị năng lực, lập kế hoạch, tái cấu trúc kịp thời các quy trình nội bộ, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá”, kiến nghị nêu rõ.

Việc công bố thời điểm mở cửa sớm sẽ tạo cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp khoảng thời gian cần thiết để chuẩn bị nguồn lực tài chính, cải tổ quy trình, chuẩn bị nhân lực, tiến hành xúc tiến quảng bá ... trước khi đón khách quốc tế trở lại. Bản thân du khách cũng cần thời gian tiếp cận thông tin, cân nhắc ra quyết định.

Cùng ngày 26/1, Ban IV cũng có đề xuất riêng gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về thời điểm mở cửa du lịch quốc tế tại Việt Nam. Trong đó nhấn mạnh đề xuất tương tự về việc công bố “thời điểm mở cửa hoàn toàn cho du lịch quốc tế tới Việt Nam” ngay đầu tháng 2.

Trong văn bản trình lên Thủ tướng Chính phủ, Ban IV nêu rõ tỷ lệ phủ vaccine nằm trong top 10 thế giới và kinh nghiệm chuyển từ trạng thái phòng chống dịch trên toàn quốc sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh đang tạo nên một bối cảnh đặc biệt thuận lợi cho các quyết sách có tính “đột phá” của Chính phủ, bao hàm trong đó việc xem xét mở cửa sớm du lịch quốc tế.

Xem xét bối cảnh quốc tế hiện nay, một số nước là thị trường du lịch có yếu tố “cạnh tranh” với Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản…vẫn đang thực hiện Zero-COVID hoặc duy trì các quy định nhập cảnh ngặt nghèo. Do đó, việc mở cửa du lịch quốc tế ngay thời điểm này sẽ là một quyết sách chiến lược để tận dụng “thời điểm vàng” nhằm giúp ngành du lịch Việt Nam “cất cánh”.

Ngoài ra, việc mở cửa du lịch quốc tế ngay từ đầu năm 2022 sẽ góp phần rất lớn để khơi thông dòng đầu tư quốc tế và các giao dịch thương mại – xuất nhập khẩu với Việt Nam. Nhất là trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm thị trường Việt Nam nhưng còn gặp khó khăn do chưa có cơ chế để đi lại thuận lợi, đề xuất của Ban IV nhận định.

"Việc mở cửa du lịch quốc tế ngay thời điểm này sẽ là một quyết sách chiến lược để tận dụng “thời điểm vàng” nhằm giúp ngành du lịch Việt Nam “cất cánh”, theo Ban IV.

"Cơ hội duy nhất để cứu sống doanh nghiệp"

Hiện một số quốc gia lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore đều đã mở cửa du lịch trở lại. Trong đó, Campuchia hiện là quốc gia mở nhất trong khối ASEAN về vấn đề nhập cảnh. Quốc gia này tuyên bố mở cửa hoàn toàn cho khách du lịch đã tiêm phòng đủ 2 liều vaccine mà không cần kiểm dịch. Du khách chỉ cần xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính tối đa 72 giờ trước khi khởi hành, xét nghiệm RTK âm tính khi nhập cảnh.

Trong một cuộc họp tuần trước, giới chức Thái Lan đồng thuận mở cửa hoàn toàn không cần kiểm dịch với mọi du khách đã được tiêm chủng vaccine. Trong thời gian tới, du khách đến Thái Lan có thể chỉ cần xét nghiệm PCR 2 lần vào ngày nhập cảnh và ngày thứ 5 sau khi nhập cảnh.

Trong bối cảnh toàn cầu thúc đẩy mở cửa như vậy, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định với Mekong Asean: “Phải mở càng nhanh càng tốt. Khi các quốc gia trên toàn cầu tăng tốc để khôi phục, tại sao ta lại cứ đắn đo, đi chậm làm gì?".

Trong khi đó, nền tảng để mở cửa đã có vì theo Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Thanh Long, tính đến ngày 26/1, nhóm từ 18 tuổi trở lên có tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 đạt gần 100%, mũi 2 đạt 95,7% và mũi 3 đạt 22,3%. Nhóm trẻ em từ 12 đến 17 tuổi có tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 95,2% và mũi 2 đạt 86%. Việt Nam hiện nằm trong nhóm 6 quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine hàng đầu thế giới.

Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa xuân trong tháng 2/2022 với tiêu chí “thần tốc, thần tốc hơn nữa” để tạo cơ sở vững vàng hơn cho mở cửa an toàn. Như vậy, đến hết tháng 2 tới, có thể tự tin rằng Việt Nam hoàn toàn có nền tảng vững vàng để mở cửa du lịch với độ phủ vaccine trong nước thuộc top đầu thế giới.

Tỷ lệ dân số đã tiêm 2 mũi vaccine tại Việt Nam hiện vượt mục tiêu 70% (Nguồn: Bộ Y tế)

Tỷ lệ dân số đã tiêm 2 mũi vaccine tại Việt Nam hiện vượt mục tiêu 70% (Nguồn: Bộ Y tế)

Thư kiến nghị của khối doanh nghiệp cũng nêu rất rõ: “Mặc dù đã hết sức nỗ lực, cố gắng để vượt qua từng giai đoạn khốc liệt của dịch bệnh nhưng ở thời điểm này, sau 2 năm gần như “đóng băng” hoạt động, lực của các doanh nghiệp cũng đã hoàn toàn cạn kiệt. Quyết định mở cửa du lịch quốc tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chính là cơ hội duy nhất để “cứu sống” các doanh nghiệp, “cứu sống” 2,5 triệu lao động trực tiếp trong ngành và hàng triệu lao động gián tiếp khác”.

Mở cửa hoàn toàn để thúc đẩy phục hồi ngành du lịch mới là hỗ trợ trực tiếp và hiệu quả nhất với doanh nghiệp, chứ không phải bất cứ chương trình phục hồi, gói kích thích trăm nghìn tỷ nào khác.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.