Doanh nghiệp nhiệt điện đối mặt thách thức do đội giá nhiên liệu

nhiệt điện Việt nAM
11:01 - 31/05/2022
Nhóm các doanh nghiệp nhiệt điện đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới. Nguồn: EVN.
Nhóm các doanh nghiệp nhiệt điện đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới. Nguồn: EVN.
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp nhiệt điện trong nước vẫn tăng mạnh trong quý I, tuy nhiên, giới phân tích cho rằng doanh nghiệp nhiệt điện sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới do giá than và khí đốt tăng mạnh.

Trong quý I/2022, theo giá tham chiếu của giá khí Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PVGAS - mã chứng khoán: GAS), giá than Newcastle và giá dầu FO Singapore cung cấp cho các nhà máy điện trong nước lần lượt tăng 187% và 49% so với cùng kỳ năm trước.

CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam dự báo giá khí tăng có thể làm tổn hại đến biên lợi nhuận gộp của các công ty điện khí trong quý II/2022. Bên cạnh đó, do sự thiếu hụt nguồn cung than cùng với đà tăng của giá than thế giới do căng thẳng chính trị, KIS Việt Nam dự báo các công ty điện than sẽ đối mặt khó khăn trong quý II/2022, với tỷ suất lợi nhuận gộp của các công ty này có thể sẽ giảm.

Tuy vậy, giá bán điện tăng mạnh cũng bù đắp phần nào cho tác động tiêu cực từ việc tăng giá nhiên liệu, khi tỷ suất lợi nhuận gộp của các công ty nhiệt điện mở rộng 3,7% so với cùng kỳ năm trước và 4,1% so với quý liền trước.

Trong nhóm nhiệt điện, Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (mã chứng khoán: PGV) là công ty có doanh thu lớn nhất với doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý I/2022 lần lượt tăng 19,3% và 6,8% so với cùng kỳ năm 2021. Nhờ danh mục đa dạng, doanh nghiệp có thể tăng huy động từ Nhà máy điện khí Phú Mỹ và thủy điện Buôn Kuốp trong lúc các nhà máy điện than của công ty đang vận hành dưới công suất.

Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (mã chứng khoán: POW) và công ty con Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (mã chứng khoán: NT2) là những doanh nghiệp nổi trội trong quý I năm nay khi lợi nhuận sau thuế tăng mạnh, lần lượt là 41,8% và 39,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy vậy, doanh thu của Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP giảm nhẹ 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái khi nhà máy điện than Vũng Áng 1 (thường đóng góp hơn 50% doanh thu của doanh nghiệp) hoạt động kém hiệu quả trong quý I/2022 do thiếu than.

Trong nhóm điện than, CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (mã chứng khoán: HND) có doanh thu quý I tăng trưởng tích cực, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ cải thiện giá bán và sản lượng khi sản lượng tăng 265 triệu kWh. Trong đó, sản lượng hợp đồng với EVN tăng 121 triệu kWh so với cùng kỳ năm ngoái.

CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (mã chứng khoán: QTP) và Tổng công ty Điện lực TKV - CTCP (mã chứng khoán: DTK) cũng có doanh thu khả quan trong quý I khi lần lượt tăng 44,9% và 10,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngược lại, trong quý I, doanh thu của CTCP Nhiệt điện Phả Lại (mã chứng khoán: PPC) giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái khi sản lượng sụt giảm 6,7% do sự cố kỹ thuật tại tổ máy S6 vẫn chưa được khắc phục.

CTCP Chứng khoán Dầu khí (mã chứng khoán: PSI) cho rằng, nhiệt điện đối mặt với nhiều thách thức khi giá dầu thế giới tăng mạnh kéo theo đó là giá khí cung cấp cho các nhà máy.

Theo PSI, nếu tình hình địa chính trị vẫn căng thẳng, đà tăng của giá dầu sẽ không dừng lại khiến giá khí bán cho các nhà máy điện cũng tăng, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp điện khí có thể tiếp tục bị tác động tiêu cực.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhiệt điện than cũng gặp khó tương tự khi nguồn cung nhiên liệu eo hẹp, giá bán tăng cao.

Tin liên quan

Đọc tiếp