Đưa nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 hòa lưới điện quốc gia

nhiệt điện Việt nAM
22:25 - 08/05/2022
0:00 / 0:00
0:00
Nhiệt điện Thái Bình 2 có quy mô đầu tư gần 42.000 tỷ đồng bị "đóng băng" trong nhiều năm, nhưng với quyết tâm của Thủ tướng, Chính phủ và Tập đoàn Dầu khí quốc gia, dự án đã thi công trở lại và dự kiến hòa lưới điện quốc gia vào ngày 8/5 hoặc 9/5.

Sáng ngày 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác tới kiểm tra, làm việc tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) làm chủ đầu tư. Đây là dự án "đóng băng" nhiều năm, thuộc một trong 12 dự án yếu kém ngành Công Thương. Nhưng thời gian gần đây, dự án này đã "hồi sinh" mạnh mẽ và chuẩn bị đi vào vận hành, hòa lưới điện quốc gia.

Quyết tâm cao nhất để sớm vận hành dự án

Thời gian gần đây, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc họp, làm việc, chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vấn đề tồn đọng kéo dài trong quá trình triển khai để PVN sớm hoàn thành và đưa dự án vào vận hành.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc nhiệm vụ này. Tính tới đầu tháng 4 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã 4 lần trực tiếp xuống hiện trường nhà máy. Sau nhiều cuộc họp của các cấp lãnh đạo Chính phủ, bộ, ban, ngành và chủ đầu tư là PVN để tháo gỡ cho dự án, dự án đã thi công trở lại.

Theo báo cáo của Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, dự án từng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí cả các vấn đề về pháp luật, mặc dù đã được giải ngân trên 35.000 tỷ đồng nhưng nhiều năm qua không có tiến triển, gần như dừng thi công từ tháng 8/2018.

Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên công nhân lao động nỗ lực thi công vì ngày hòa lưới điện sớm nhất. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên công nhân lao động nỗ lực thi công vì ngày hòa lưới điện sớm nhất. Ảnh: VGP

Dự án đã từng bước được kiểm soát, dần "hồi sinh" và hoàn thành các mốc tiến độ quan trọng. Tiến độ thực tế của dự án tại thời điểm hiện tại đã đạt hơn 93%, giải ngân đạt 84,91% (tương đương 35.491 tỷ đồng/41.799 tỷ đồng tổng mức đầu tư).

Công việc còn lại của dự án là tập trung cho công tác chạy thử, nghiệm thu và hoàn thành hệ thống vận chuyển than.

Ngày 23/2/2022, dự án đã hoàn thành mốc đốt dầu lần đầu Tổ máy số 1. Nhà máy đã thử nghiệm đóng điện ngược bằng chạy dầu vào ngày 6/5 và dự kiến đốt than lần đầu vào ngày 16/6. Dự kiến trong ngày 8/5 hoặc 9/5, dự án sẽ hòa lưới điện bằng dầu tổ máy số 1.

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đang phấn đấu đến 30/11 sẽ vận hành thương mại tổ máy số 1 của nhà máy và vận hành thương mại toàn bộ nhà máy vào 31/12.

Tuy nhiên, các mốc tiến độ tiếp theo của dự án sẽ là thách thức rất lớn đối với chủ đầu tư, tổng thầu, về việc kiểm tra, bảo dưỡng và thay thế các thiết bị đã được lắp đặt nhưng không sử dụng trong thời gian dài.

Không sử dụng thêm ngân sách Nhà nước cho dự án

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ việc nghiên cứu, đầu tư Trung tâm Nhiệt điện tại Thái Bình đã được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng nhiều mặt và đã cơ bản hoàn thành dự án sau 11 năm.

Thủ tướng và đoàn công tác khảo sát thực tế dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Ảnh: VGP

Thủ tướng và đoàn công tác khảo sát thực tế dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Ảnh: VGP

Tại cuộc họp cách đây 7 tháng, PVN đã đề nghị bố trí thêm nguồn vốn Nhà nước để hoàn thành dự án. Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn, Thường trực Chính phủ và các cơ quan quyết định không sử dụng kinh phí Nhà nước mà cơ cấu lại nguồn vốn 41.799 tỷ đồng của dự án. Đồng thời đánh giá sát tình hình để tổ chức lại công việc, bố trí lại nhân sự, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo.

6 bài học rút ra từ việc "hồi sinh" dự án

Thủ tướng nêu rõ một số bài học rút ra từ dự án. Trước hết, phải nắm chắc tình hình thực tế, đánh giá đúng thực trạng công việc để đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp.

Đồng thời, phải có quyết tâm cao, nỗ lực triển khai công việc, hành động quyết liệt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bài bản, thống nhất.

Một bài học khác là về công tác nhân sự, khi việc thay đổi nhân sự Ban Quản lý dự án và nhà thầu một cách phù hợp tình hình đã tạo ra những chuyển biến trong công việc.

Cùng với đó là những bài học về huy động được sự tham gia hăng say với quyết tâm cao của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động; sự phối hợp của các bộ, các ngành, sự vào cuộc của địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan như Tập đoàn Than-Khoáng sản.

Tiếp tục xử lý các dự án chậm tiến độ khác

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục phát huy tối đa những công việc đã làm, những thành quả đã đạt được, các bài học kinh nghiệm. Đồng thời tiếp tục tổ chức thực hiện công việc nhanh, hiệu quả nhất có thể, hạn chế thất thoát tài sản Nhà nước, phòng chống tham nhũng tiêu cực.

Thủ tướng thị sát Trung tâm điều hành Nhà máy, nghe lãnh đạo PVN báo cáo chung về dự án. Ảnh: VGP
Thủ tướng thị sát Trung tâm điều hành Nhà máy, nghe lãnh đạo PVN báo cáo chung về dự án. Ảnh: VGP

Trên cơ sở các bài học kinh nghiệm từ Nhiệt điện Thái Bình 2, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan nghiên cứu, áp dụng để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với dự án Nhiệt điện Long Phú 1 tại Sóc Trăng và một số dự án khác đang chậm tiến độ.

Nhiệt điện Thái Bình 2 được xây dựng tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, có quy mô công suất 1.200 MW, thuộc nhóm lớn nhất khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Với tổng mức đầu tư 41.799 tỷ đồng, đây là một trong những dự án trọng điểm của ngành điện tại Trung tâm Điện lực Thái Bình. Đồng thời là dự án nguồn điện cấp bách thuộc Quy hoạch Điện VII điều chỉnh và sắp tới là Quy hoạch Điện VIII.

Dự án được khởi công từ năm 2011 với hi vọng sẽ góp phần đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện tăng 14% mỗi năm giai đoạn 2014-2015 của quốc gia. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, dự án vẫn chưa thể hoàn thành, do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, xảy ra nhiều vi phạm phải xử lý, kèm theo đó là thời gian dài dự án bị chậm tiến độ và đình trệ (từ năm 2018 đến năm 2021) do dịch Covid-19.

Dự kiến, sau khi hoàn thành đưa vào vận hành, hằng năm Nhà máy sẽ cung cấp trên 7,2 tỷ kWh điện cho lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, và đóng góp 1.000 tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách tỉnh Thái Bình.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.