Doanh nghiệp thu lợi nhiều triệu USD từ phế phẩm mỡ cá tra nhờ đổi mới công nghệ

CÔNG NGHỆ THỦY SẢN
09:36 - 26/03/2022
Xuất khẩu cá tra. Ảnh: Tạp chí Tài Chính
Xuất khẩu cá tra. Ảnh: Tạp chí Tài Chính
0:00 / 0:00
0:00

Mỗi năm các doanh nghiệp và nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tạo ra hàng trăm nghìn tấn phụ phẩm trong quá trình chế biến cá tra. Bằng áp dụng công nghệ mới, Tập đoàn Sao Mai đã thu lợi lớn từ nguồn phụ phẩm này, đặc biệt là mỡ cá.

Ví dụ thực tế về tận dụng giá trị từ mỡ cá của Tập đoàn Sao Mai đã được chia sẻ trong hội thảo về "Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ" tại TP HCM ngày 25/3.

Theo ước tính, mỗi năm, các doanh nghiệp và nông dân Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất được khoảng 1,5 triệu tấn cá tra. Quá trình chế biến cá phát sinh khoảng 800.000 tấn phụ phẩm, trong đó có khoảng 150.000 tấn mỡ cá. Phần mỡ cá này dù không thể “bước” lên các chuyến hàng xuất khẩu, nhưng đó cũng không phải là thứ bỏ đi.

Khoảng 50% số mỡ cá được tinh luyện làm dầu ăn, số còn lại được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc hoặc biodiesel. Trong khi đó, Tập đoàn Sao Mai bắt đầu tham gia vào ngành chế biến cá tra từ năm 2008, với định hướng phát triển sản xuất theo chuỗi, làm chủ tất cả các khâu và tìm kiếm công nghệ, thiết bị nhằm tăng giá trị sản phẩm.

Tại hội thảo, ông Trương Vĩnh Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai cho biết, doanh nghiệp này từng hai lần tham gia chương trình Đổi mới công nghệ Quốc gia vào năm 2018 và 2020.

"Năm 2018, Công ty tham gia chương trình đổi mới công nghệ quốc gia với mô hình hoàn thiện công nghệ, dây chuyền thiết bị để nâng cao chất lượng dầu ăn và sản xuất shortening, margarine từ mỡ cá tra. Năm 2020, công ty tiếp tục tham gia chương trình với mô hình hoàn thiện công nghệ và thiết bị sản xuất bột cá và bột nêm từ phụ phẩm cá tra”, ông chia sẻ thêm.

Theo ông Thành, mỡ cá tra chứa rất nhiều dưỡng chất quý cho con người. Khi áp dụng công nghệ vào khâu sản xuất, từ làm nguyên liệu cho thức ăn gia súc hay dầu biodiesel, mỡ cá tra đã được nâng tầm giá trị khi được tinh luyện thành sản phẩm dầu ăn cao cấp, mang lại giá trị lớn cho doanh nghiệp.

"Ngoài ra, khi tinh luyện mỡ cá tra sẽ thu được hai thành phẩm một dạng lỏng và một ở dạng đặc. Thành phẩm dạng đặc trước kia không có nhiều công dụng, tuy nhiên khi áp dụng công nghệ sẽ được chế thành shortening cung cấp cho công nghiệp chế biến thực phẩm và margarine (bơ). Dầu lỏng thì phân phối ra thị trường dưới dạng dầu ăn thương hiệu Ranee (dùng để chiên xào), dầu dinh dưỡng dành cho trẻ em", ông Thành thông tin.

Các thành phẩm từ mỡ cá tra của công ty Sao Mai. Ảnh: Sao Mai

Các thành phẩm từ mỡ cá tra của công ty Sao Mai. Ảnh: Sao Mai

Bên cạnh đó, tập đoàn cũng áp dụng công nghệ vào sản xuất bột cá tra, công nghệ sản xuất hạt nêm từ phụ phẩm cá tra chứa nhiều đạm vi phân có lợi cho sức khỏe con người.

Nhờ áp dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh, doanh thu của tập đoàn Sao Mai đã tăng tới 1.700 tỷ đồng. Ông Thành cho biết, nếu mỡ cá chỉ sử dụng làm nguyên liệu cho thức ăn gia súc hay dầu biodiesel thì chỉ bán được 20.000 đồng/lít, còn khi làm thành dầu ăn cao cấp thì bán được 50.000 đồng/lít còn shortening xấp xỉ 30.000 đồng/lít.

"Với giá thị trường như trên, sau khi đổi mới công nghệ, giá trị cá tra Việt Nam tăng lên 28%, doanh thu các sản phẩm từ dầu cá tra tăng 2,9 lần (khoảng 800 tỷ đồng), doanh thu sản phẩm bột cá tra tăng 57% (khoảng 1.700 tỷ đồng). Shortening, margarine, bột cá tra đều đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu, chất lượng tương đương và thay thế các sản phẩm hiện nay Việt Nam đang phải nhập khẩu từ Nhật, Hàn Quốc, Đức", Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai phân tích.

Ảnh tác giả

Việc làm chủ, đổi mới công nghệ là nền tảng để chúng tôi nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ông Trương Vĩnh Thành, Phó tổng giám đốc Công ty Sao Mai.

Với công suất của nhà máy tinh luyện mỡ cá tra của Tập đoàn Sao Mai khi áp dụng công nghệ đạt 200 tấn nguyên liệu/ngày, xấp xỉ 60.000 tấn nguyên liệu/năm. Như vậy riêng doanh nghiệp này đã có thể giải quyết 1/3 sản lượng mỡ cá tra của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ việc đầu tư khép kín từ con giống, ao nuôi, đến nhà máy chế biến với công nghệ hiện đại, Tập đoàn Sao Mai đang kiếm doanh thu hàng triệu đô từ phế phẩm cá tra.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Ly (thứ 2 từ phải sang) chủ trì đại hội. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN

ĐHĐCĐ API: Mục tiêu có lãi trở lại

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (HNX: API) được tổ chức ngày 10/5 tại Tòa nhà Grand Plaza, số 117 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.