Ngành thủy sản muốn tận dụng dư địa xuất khẩu phải gỡ được 'thẻ vàng' của châu Âu

THỦY SẢN Việt nAM
16:12 - 23/03/2022
Bình Thuận không chủ trương tăng sản lượng khai thác năm 2022. Ảnh: UBND tỉnh Bình Thuận.
Bình Thuận không chủ trương tăng sản lượng khai thác năm 2022. Ảnh: UBND tỉnh Bình Thuận.
0:00 / 0:00
0:00
Mục tiêu của ngành thủy sản năm 2022 được điều chỉnh theo hướng giảm dần khai thác, tăng nuôi trồng, duy trì ổn định tổng sản lượng và quyết liệt gỡ bỏ thẻ vàng về chống khai thác bất hợp pháp của Ủy ban châu Âu (IUU).

Nhiều dư địa xuất khẩu thủy sản

Tại hội nghị “Giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, tiêu thụ thủy sản năm 2022”, ngày 22/3, ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, tính từ đầu 2022 đến nay, tổng sản lượng hải sản khai thác đạt 566,7 ngàn tấn, tăng 0,1% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, khai thác biển đạt 539,4 nghìn tấn, tăng 0,2%, khai thác nội địa 27,3 nghìn tấn giảm 0,7%.

Tổng giá trị xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm 2022 đạt 1,51 tỷ USD, tăng 51,1% so với cùng kỳ năm 2021, riêng xuất khẩu hải sản đạt 573 triệu USD, chiếm tỷ trọng 38% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản. Các loài hải sản có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh có cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ thủy hải sản bình quân đầu người trên thế giới tăng đang tạo ra tiềm năng tăng trưởng lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng tạo ra động lực tăng trưởng cho toàn ngành.

Báo cáo triển vọng nông nghiệp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) cho biết, tiêu thụ thủy hải sản bình quân đầu người trên thế giới dự kiến là 21,2kg vào năm 2030, tăng từ mức trung bình 20,5kg trong giai đoạn 2018 - 2020.

Tiêu thụ thủy hải sản bình quân đầu người sẽ tăng 3,6% trong giai đoạn 2020 - 2030. Vào năm 2030, nuôi trồng thủy sản dự kiến sẽ cung cấp 57% lượng cá được sử dụng cho con người, so với 53% trong giai đoạn 2018 - 2020.

Với những triển vọng trên, Tổng cục Thủy sản cho biết mục tiêu năm 2022 của ngành về cơ bản sẽ duy trì ổn định tổng sản lượng, triển khai mạnh các giải pháp để tăng giá trị đối với cả sản lượng nuôi và khai thác để tăng giá trị sản xuất đối với sản phẩm thủy sản, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng.

Ảnh tác giả

"Mục tiêu năm 2022, Tổng cục Thủy sản cho biết về cơ bản sẽ duy trì ổn định tổng sản lượng thủy sản, trong đó điều chỉnh theo hướng giảm dần sản lượng hải sản khai thác, đồng thời quyết liệt thực hiện các giải pháp chống IUU".

Ông Nguyễn Văn Trung,
Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản)

Đặc biệt, năm 2022, cũng là năm ngành thủy sản nhấn mạnh phải tiếp tục quyết liệt nhiều giải pháp nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc gỡ thẻ vàng thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC), nhằm tận dụng triệt để dư địa xuất khẩu thủy sản.

Kiểm soát chặt chẽ IUU

Thông tin về tình hình kiểm soát tàu cá chống khai thác IUU tại Thanh Hóa, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trên địa bàn hiện có 1.128 trên 1.135 tàu cá đã kích hoạt thiết bị giám sát hành trình, đạt 99,4%. Trong năm 2021, toàn tỉnh có 1.897 lượt tàu rời cảng, 1.339 lượt tàu cập cảng, thu 1.090 nhật ký khai thác thủy sản, đạt 81,4% số tàu cập cảng.

Lãnh đạo Thanh Hóa khẳng định, các lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại các cửa lạch, trên biển về chấp hành các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU, nhất là quy định về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá trên 15m.

Để công tác triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU đạt hiệu quả, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ NN&PTNT sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt 2 quy hoạch quan trọng của ngành thủy sản.

Trong nỗ lực cùng cả nước rút "thẻ vàng" của EC ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho hay địa phương này không chủ trương tăng sản lượng khai thác hàng năm.

"Vùng biển Bình Thuận có trữ lượng khai thác lớn nhưng từ nhiều năm nay, chúng tôi chủ trương chỉ duy trì sản lượng hàng năm 210 tấn, tránh tình trạng suy kiệt nguồn lợi, quan trọng nhất vẫn là chất lượng và giá trị thủy sản đánh bắt được. Bình Thuận đang tăng cường quản lý tàu cá theo hạn ngạch; đầu tư hậu cần cảng cá và thực hiện quy chế phối hợp với các địa phương để quản lý tàu cá hoạt động ngoại tỉnh”, ông Chiến chia sẻ về định hướng của tỉnh.

Ảnh tác giả

“Sản lượng khai thác cao chưa hẳn đã đáng mừng, phải được quản lý theo hạn mức khai thác ngưỡng an toàn, tránh tận diệt nguồn lợi thủy sản. Các địa phương cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

Theo Tổng cục Thủy sản, tính đến nay vẫn còn 4 tỉnh chưa thực hiện xong việc xác định hạn ngạch khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng theo quy định gồm Quảng Bình, Khánh Hòa, TP HCM và Tiền Giang.

Đây là một trong những tồn tại mà Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng các địa phương cần quyết liệt khắc phục. Theo ông, sản lượng khai thác cao chưa hẳn đã là điều đáng mừng bởi việc khai thác với sản lượng bao nhiêu cần căn cứ theo trữ lượng để đặt hạn mức khai thác nằm trong ngưỡng an toàn, tránh tình trạng tận diệt nguồn lợi thủy sản.

“Đây là điều mà nhiều địa phương hiện nay chưa quán triệt và thực hiện nghiêm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc khắc phục thẻ vàng EC. Việt Nam phải hướng tới việc giảm sản lượng xuống dưới ngưỡng an toàn đồng thời đầu tư công nghệ khai thác, chế biến để tăng giá trị thủy sản khai thác được”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Cả nước có 24/28 tỉnh, thành phố ven biển thực hiện xong việc xác định hạn ngạch khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017. Trong đó, hạn ngạch vùng biển khơi là 31.297 giấy phép; 18.439 giấy phép vùng lộng và 34.929 giấy phép ven bờ.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.