Sáng ngày 29/12, tại cụm cảng Cái Cui - Cần Thơ, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (TCSG) cùng Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) tổ chức thành công “Lễ đón chuyến tàu Container Tan Cang Foundation vào cụm cảng Cần Thơ”.
Chuyến tàu container nội địa đầu tiên sau khi kênh Quan Cái Bố được khơi thông.Ảnh: TCSG.
Tuyến vận tải container đường biển kết nối với Cụm cảng Cần Thơ đã được khai thác cùng sự hợp tác giữa Công ty Cổ phần Vận tải biển Tân Cảng (Tan Cang Shipping) và Công ty Vận tải biển VIMC (VIMC shipping).
Chuyến tàu khởi hành tại Cảng Tân Cảng 128 (Hải Phòng) vào ngày 24/12/2022 và đến Cảng Tân Cảng Cái Cui vào ngày 29/12/2022 đã xếp dỡ được 174 teu hàng xuất và nhập.
Kế hoạch năm 2023, TCSG và VIMC mỗi bên sẽ đưa 1 tàu vào khai thác, với tần suất: 2 chuyến/tháng trong giai đoạn đầu và có thể tăng dần để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tuyến hành trình xuất phát từ Hải Phòng - Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Hà Tĩnh (cảng Vũng Áng) - Hải Phòng hoặc Hải Phòng - Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Hải Phòng.
Với việc thiết kế tuyến hành trình linh hoạt ghé cảng Vũng Áng, hàng hoá tại ĐBSCL có thể vận chuyển trực tiếp đi thị trường Hà Tĩnh và Lào, giúp tối ưu chi phí và thời gian cho khách hàng so với phương thức hiện hữu. Tân Cảng Shipping hiện là hãng tàu nội địa duy nhất cung cấp tuyến dịch vụ này.
Việc tái khởi động tuyến dịch vụ này nhằm kết nối hàng hóa miền Tây Nam Bộ - Miền Trung - Miền Bắc, mang đến giải pháp logistics trọn khâu cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước sau khi kênh Quan Chánh Bố được thông luồng. Tuyến logistics này tiết kiệm được thời gian và giảm đến 40% chi phí vận chuyển cho khách hàng xuất nhập khẩu trong khu vực.
Khai thác mở lại tuyến tàu container nội địa Cần Thơ từ Hải Phòng/Hà Tĩnh vào thẳng ĐBSCL/vào cụm cảng Cần Thơ là dấu ấn nổi bật cho kết nối liên vùng, tạo tiền đề cho việc kết nối thẳng ĐBSCL với cụm Cảng nước sâu Cái Mép và các dịch vụ cho các tàu Quốc tế tuyến Nội Á, kết nối hàng hóa từ sân bay Quốc tế Cần Thơ trong tương lai. Đây là động lực thúc đẩy kết nối kinh tế ĐBSCL với cả nước và quốc tế, phát triển trung tâm logistics vùng ĐBSCL.
Mở lại tuyến tàu container nội địa từ Hải Phòng/Hà Tĩnh vào thẳng ĐBSCL. Ảnh: TCSG
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đánh giá cao quyết tâm cũng như trách nhiệm của Tân Cảng Sài Gòn và VIMC, 2 doanh nghiệp lớn của Nhà nước trong việc đồng hành cùng với TP Cần Thơ trong việc khơi thông luồng hàng, phát huy các tiềm năng, lợi thế tự nhiên.
Đồng bằng sông Cửu Long, là vựa nông thủy sản lớn nhất cả nước, có hệ thống đường thủy huyết mạch thông qua kênh Quan Chánh Bố cho tàu tải trọng lớn ra, vào sông Hậu trở thành điểm thu hút thêm các nhà đầu tư phát triển kinh tế cho TP Cần Thơ nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.
Cần Thơ giữ vai trò, vị trí là đô thị cửa ngõ, trung tâm kinh tế của vùng ĐBSCL, đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế. Vì vậy, sau khi Kênh Quan Chánh Bố được thông luồng, việc khai thác mở lại tuyến tàu container nội địa vào cập cụm Cảng Cần Thơ đã tạo ra giải pháp dịch vụ logistics trọn gói, tiết kiệm thời gian và tối ưu chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
Lãnh đạo TP Cần thơ cũng nhấn mạnh việc đẩy nhanh dự án xã hội hóa nạo vét luồng Định An để có 2 tuyến luồng hàng hải cho tàu chạy song song, giải phóng được ách tắc của luồng 1 chiều cho các tàu lớn phải chờ lâu để đi qua.
Kết hợp tất cả nguồn lực sẵn có của hệ sinh thái TCSG và VIMC cùng những lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng kinh tế của vùng ĐBSCL, cụm cảng Cần Thơ (cảng Tân Cảng Cái Cui và cảng Cái Cui) được kỳ vọng phát triển thành "chợ" container và trung tâm Logistics của vùng. Từ đó thu hút các đội tàu trong và ngoài nước phát triển loại hình dịch vụ vận chuyển container trực tiếp đi từ các cảng ĐBSCL, mở ra triển vọng để TP Cần Thơ trở thành địa điểm gom hàng, kết nối chuỗi logistics từ cảng khu vực ĐBSCL đi cụm cảng khu vực Hồ Chí Minh, Cái Mép xuất tàu, hướng tới đi thẳng tuyến quốc tế Nội Á.
Hiện tại TCT Tân Cảng Sài Gòn đã phát triển đồng bộ cả tuyến vận tải container bằng tàu, sà lan, cùng với đường bộ kết nối hàng hóa tại các địa điểm trọng yếu, giúp cho các doanh nghiệp được thuận lợi trong việc lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu; góp phần phát triển kinh tế xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng tại các địa phương.