Đường sắt cao tốc đem lại hy vọng tăng trưởng cho Lào

KINH TẾ Lào
22:28 - 28/11/2021
0:00 / 0:00
0:00
Dự án đường sắt cao tốc của Lào sắp đưa vào vận hành trị giá 6 tỉ USD do Trung Quốc hỗ trợ xây dựng và cho vay vốn được kì vọng sẽ giúp thu hút nhiều nhà đầu tư, đẩy mạnh du lịch và tạo động lực phát triển kinh tế cho Lào.

Đoàn tàu hiện đại trong tuyến đường sắt cao tốc của Lào được Trung Quốc bàn giao từ tháng trước. Hệ thống này sẽ chính thức được vận hành vào tuần sau, sau 5 năm khởi công xây dựng. Chịu trách nhiệm cho dự án là một công ty liên doanh Lào – Trung, xây tuyến đường sắt kéo dài từ Bắc đến Nam nước Lào, đi qua 75 đường hầm chiếm đến một nửa quãng đường, bắt đầu từ biên giới với Trung Quốc và kết thúc tại biên giới với Thái Lan.

Pathoumphone Phetsavong, Phó giám đốc điều hành của một công ty kỹ thuật có trụ sở tại Vientiane chia sẻ, nơi đầu tiên anh muốn đến chính là Luang Prabang. Nếu đi bằng xe bus từ thủ đô đến di sản thế giới nổi tiếng này có thể sẽ tốn đến 10 tiếng nhưng nếu đi bằng tàu cao tốc thì chỉ mất 1/5 thời gian nói trên.

Nhà ga Luang Prabang. Ảnh: Xinhua

Nhà ga Luang Prabang. Ảnh: Xinhua

Dự án này sẽ đánh dấu một bước tiến lớn với Lào – một đất nước nghèo với số dân chỉ vỏn vẹn 7 triệu người và không giáp biển. Hệ thống giao thông của đất nước này sẽ chứng kiến bước cải thiện lớn, đặc biệt khi mạng lưới đường bộ ở đây được đánh giá là tệ nhất trong khu vực Đông Nam Á. Việc vận chuyển hành khách và hàng hóa qua các khu vực núi gập ghềnh sẽ không còn là câu hỏi khó.

Việc hoàn thành dự án này cũng được kì vọng giúp kéo gần các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á gần hơn với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc.

Giới chức Lào nhìn nhận tuyến đường sắt này là một cú hích cần thiết cho ngành du lịch và là nhân tố thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại không mấy lạc quan. Để khai thác được toàn bộ tiềm năng của dự án này, Lào còn cần phải xây dựng thêm nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng dọc theo hành lang giao thông này và loại bỏ các trở ngại hành chính trong việc vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới.

Ngoài ra, chính phủ nước này cũng cần có nhiều chính sách thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp và đẩy mạnh làm ra các sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác. Thách thức cuối cùng đặt ra là phải hoàn thành tất cả những mục tiêu này mà không tạo nên khủng hoảng nợ công cho đất nước.

Những khó khăn trước mắt

Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy nợ công và nợ được chính phủ bảo lãnh của Lào năm ngoái đạt 13,3 tỷ USD, tương đương 72% GDP. Chi phí giải quyết các khoản nợ đó trong năm nay dự kiến sẽ đạt hơn 50% doanh thu của khu vực công. Dự trữ ngoại hối của Lào ở mức 1,2 tỷ USD trong tháng 5 - chỉ bằng hai tháng kim ngạch nhập khẩu và thấp hơn nhiều so với mức 4 đến 6 tháng do Quỹ Tiền tệ Quốc tế đưa ra. Dưới áp lực như vậy, đồng kip đã trượt giá 12,6% so với USD vào đầu tháng 7.

Lào cũng đang trong quá trình kiềm chế thâm hụt tài chính của mình từ trước đại dịch. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng y tế và các chính sách phong tỏa nghiêm ngặt trong suốt thời kì bùng dịch đã khiến thâm hụt năm 2020 vượt quá 5% GDP, mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2017.

Các chuyên gia cho rằng các dự án đập thủy điện và đường sắt cao tốc của Lào là những nguyên nhân chính khiến nước này gặp nhiều khó khăn về tài chính. Nhưng một quan chức cấp cao của Lào lại cho rằng khoản nợ đường sắt là một cam kết hợp lý. Nhờ dự án này, chi phí vận tải giữa Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Quốc và Vientiane sẽ được giảm một nửa và tiết kiệm được 30 USD cho mỗi tấn hàng hóa được vận chuyển.

Tiềm năng của tuyến đường sắt cao tốc

Để hoàn thành dự án đường sắt, Chính phủ Lào đã vay 480 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và cam kết bổ sung 250 triệu USD từ ngân sách của mình. Ông Soulivath Souvannachoumkham, một quan chức thuộc Bộ Tài chính Lào cho biết việc giải ngân theo từng đợt sẽ hoàn tất trong năm nay.

Trong một nỗ lực tối đa hóa lợi nhuận đường sắt, chính phủ cũng đã ký một biên bản ghi nhớ với tập đoàn Thái Lan Amata Corporation để phát triển một đặc khu kinh tế (SEZ) ở phía bắc. Xa hơn về phía nam, gần ga cuối của tuyến đường sắt cao tốc xuất phát từ Vientiane, các dự án cảng cạn và trung tâm logistics cũng đang dần thành hình và thu hút nhiều sự chú ý trong khu vực.

Ông Soulivath cũng đưa ra dự đoán số lượng khách du lịch Trung Quốc có thể tăng 50% nếu tình hình dịch có tiến triển đủ để Bắc Kinh và Vientiane dỡ bỏ các hạn chế đi lại. Năm 2019, khách du lịch đến từ Trung Quốc chiếm một triệu trong tổng số 4,58 triệu du khách nước ngoài đến Lào.

Tàu cao tốc Lane Xang tại Boten - biên giới phía Bắc của Lào. Ảnh: Xinhua

Tàu cao tốc Lane Xang tại Boten - biên giới phía Bắc của Lào. Ảnh: Xinhua

Tuy nhiên, lợi nhuận thực tế từ dự án đường sắt này vẫn còn đang được xem xét. Với biên giới quốc gia vẫn đang trong tình trạng đóng cửa và Trung Quốc theo đuổi chiến lược Zero Covid, bất kỳ khoản lợi nhuận nào hiện tại đều sẽ bị giới hạn.

Các chuyên gia nhận định trước mắt, các sản phẩm của Lào sẽ gặp khó khăn trước sự cạnh tranh của hàng hóa Thái Lan và Trung Quốc. Rất có thể, hàng hóa của hai nước này sẽ chiếm phần lớn số lượng hàng được vận chuyển qua tuyến đường sắt này.

Một mặt, tuyến đường sắt cao tốc có thể kết nối ngành lâm nghiệp của khu vực phía bắc Lào với thị trường Trung Quốc. Mặt khác, có nguy cơ các doanh nghiệp Lào có thể phải chịu thiệt thòi do tuyến đường này có thể sẽ gắn liền với chuỗi các đặc khu kinh tế lớn bị các nhà đầu tư Trung Quốc chi phối.

Các doanh nhân địa phương như Nidtaya Phetdavan - người sáng lập một công ty sản xuất hạt giống và máy móc nông nghiệp, thì đang rất mong đợi vào tương lai. Cô đang lên kế hoạch bắt đầu trồng trọt chăn nuôi để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Cô cho biết: "Khi tuyến đường sắt đi vào hoạt động, tôi có kế hoạch nhập khẩu nhiều máy móc nông nghiệp hiện đại hơn từ Trung Quốc và cũng xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ Lào sang thị trường Trung Quốc”. Công ty của cô cùng hợp tác với các công ty ở Thái Lan và Việt Nam. Bằng cách sử dụng tuyến đường sắt này, các đối tác kinh doanh trong khu vực có thể kết nối với nhau.

Gạt bỏ những lo ngại về nợ công thì Sakhone Philangam, giám đốc điều hành của Cảng cạn Thanaleng tự tin rằng Lào sẽ có một sự bùng nổ. Ông khẳng định có thể sẽ mất thời gian để tối đa hóa tiềm năng của tuyến đường sắt nhưng đất nước đang đi đúng hướng.

Đọc tiếp

Nga duyệt binh quy mô lớn trong Ngày Chiến thắng

Nga duyệt binh quy mô lớn trong Ngày Chiến thắng

Ngày 9/5, hay còn được gọi là Ngày Chiến thắng, một trong những ngày lễ lớn nhất tại Nga, hàng nghìn binh sĩ đã tham gia vào lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ở Moscow nhân dịp kỷ niệm 79 năm chiến thắng trước Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ 2.