EU bất đồng về lệnh trừng phạt dầu mỏ đối với Nga

NĂNG LƯỢNG CHÂU ÂU
16:39 - 22/03/2022
Một số quốc gia EU đang thúc đẩy các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Nga. Ảnh: Reuters
Một số quốc gia EU đang thúc đẩy các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Nga. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Các ngoại trưởng của Liên minh châu Âu hôm 21/3 đã không đạt được thỏa thuận về việc làm thế nào để áp đặt các lệnh trừng phạt năng lượng Nga. Đức cho rằng khối này đang quá phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga để có thể ra quyết định cấm vận.

EU và các đồng minh đã áp đặt một loạt các biện pháp mạnh tay đối với Nga, bao gồm cả việc đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương nước này. Mặc dù cũng nhắm mục tiêu vào dầu mỏ của Nga, như Mỹ và Anh đã làm, nhưng đây lại là một lựa chọn gây chia rẽ đối với 27 quốc gia EU, vốn phụ thuộc vào 40% khí đốt từ Nga.

Một số quốc gia EU muốn tiến xa hơn các biện pháp trừng phạt, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga.

"Tại sao châu Âu cho Nga thêm thời gian để kiếm thêm tiền từ dầu khí? Thêm thời gian để sử dụng các cảng của châu Âu? Thêm thời gian để sử dụng các ngân hàng không hoạt động của Nga ở châu Âu? Đã đến lúc chúng ta phải ngắt kết nối", Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania Gabrielius Landsbergis viết trên Twitter.

Trước cuộc họp, Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney cũng lặp lại quan điểm: "Nhìn vào mức độ tàn phá ở Ukraine, ngay lúc này chúng ta có thể chuyển sang trừng phạt lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là dầu và than đá của Nga".

Một số lãnh đạo EU nhận định sự phục thuộc quá nhiều vào dầu mỏ của Nga khiến khối không thể cắt đứt nhu cầu ngay lập tức. Ảnh: AP

Một số lãnh đạo EU nhận định sự phục thuộc quá nhiều vào dầu mỏ của Nga khiến khối không thể cắt đứt nhu cầu ngay lập tức. Ảnh: AP

Tuy nhiên, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết trong cuộc họp báo rằng, mặc dù khối nhất trí sẽ “tiếp tục cô lập Nga”, nhưng các quyết định cụ thể sẽ được đưa ra sau đó.

Một số người hy vọng rằng vào tháng 6, EU sẽ tìm thấy đủ nguồn năng lượng thay thế để xem xét nghiêm túc lệnh cấm vận dầu mỏ. Tuy nhiên, các quốc gia EU đều nhận định năng lượng là một trong những lĩnh vực phức tạp nhất và có những “lằn ranh đỏ” riêng.

Trong đó, Đức và Hà Lan cho biết, EU phụ thuộc vào dầu khí của Nga và không thể tự cắt đứt ngay lập tức. "Câu hỏi về lệnh cấm vận dầu mỏ không phải là vấn đề chúng ta muốn hay không muốn, mà là vấn đề chúng ta phụ thuộc vào dầu mỏ như thế nào", Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói với các phóng viên.

"Đức đang nhập khẩu rất nhiều dầu của Nga, nhưng cũng có các quốc gia thành viên khác không thể ngừng nhập khẩu dầu từ ngày này sang ngày khác”, bà Baerbock cho biết. Bà cũng nói thêm rằng, khối này thay vào đó nên nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào Moscow về nhu cầu năng lượng.

Bản thân Nga cũng cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt như vậy có thể khiến nước này đóng đường ống dẫn khí đốt đến châu Âu - một biện pháp răn đe “chí mạng” khác.

Bên cạnh vấn đề năng lượng, các ngoại trưởng cho biết đang tiếp tục thảo luận thêm các biện pháp trừng phạt tiềm năng khác, bao gồm việc đóng lỗ hổng đối với quỹ ủy thác do các nhà tài phiệt Nga sử dụng, thêm những cái tên mới vào danh sách trừng phạt, ngăn chặn tàu thuyền Nga cập cảng EU và cắt giảm quyền truy cập của nhiều ngân hàng hơn vào hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT.

Tất cả những điều này sẽ được thảo luận lại, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tới Brussels để hội đàm với 30 thành viên NATO về Ukraine, tham dự hội nghị thượng đỉnh EU và hội đàm Nhóm G7 vào cuối tuần này.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.