Đức phát đi tín hiệu phản đối áp cấm vận năng lượng Nga

NĂNG LƯỢNG Đức
12:42 - 04/03/2022
Đức đang phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu chủ yếu từ Nga. Ảnh: Bloomberg
Đức đang phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu chủ yếu từ Nga. Ảnh: Bloomberg
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Kinh tế Đức cho biết ông lấy làm tiếc khi đất nước vẫn phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Moscow, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đang cảm thấy tác động tiêu cực từ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã lên tiếng phản đối lệnh cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga, trong bối cảnh xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ông cho biết hiện Đức vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga khi nhập khẩu tới 55% khí đốt, 50% than và 35% dầu. Trong ngắn hạn, Đức không thể "sửa chữa" các chính sách ngay lập tức. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh sự cấp thiết phải giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ Moscow, tự chủ tìm các giải pháp nguồn cung năng lượng khác.

Ông Habeck cho biết Đức phải tự giải phóng khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga. Ảnh: Dw.com

Ông Habeck cho biết Đức phải tự giải phóng khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga. Ảnh: Dw.com

"Tôi sẽ không ủng hộ lệnh cấm vận nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga. Tôi thậm chí sẽ phản đối điều đó. Chúng tôi cần những nguồn cung cấp năng lượng này để duy trì sự ổn định giá cả và an ninh năng lượng ở Đức", ông Habeck nói sau cuộc gặp với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Đức hôm 3/3.

Vị bộ trưởng Đức, người phụ trách mảng chính sách năng lượng, cảnh báo rằng sự thiếu hụt nguồn cung có thể đe dọa sự gắn kết xã hội ở Đức. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Đức cũng cần "phải giải phóng mình" khỏi việc nhập khẩu khí đốt, than đá và dầu của Nga, bằng cách xem xét các lựa chọn năng lượng khác.

Vào tháng 2, Đức đã ngừng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) gây tranh cãi. Kể từ đó, nước này đã cùng với các quốc gia châu Âu khác đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt với Nga vì hành động quân sự ở Ukraine. Berlin thậm chí còn đảo ngược thông lệ lâu nay về việc ngăn xuất khẩu vũ khí tới các khu vực xung đột.

Tuy nhiên, ông Habeck cho biết Đức đã bắt đầu cảm nhận được sự ảnh hưởng của những quyết định đó. "Tác động của các lệnh trừng phạt và của cuộc chiến đối với tất cả các lĩnh vực đối với nền kinh tế Đức quá mạnh, đến mức chúng tôi có thể lo sợ sẽ có một cuộc khủng hoảng lớn xảy ra", ông Habeck nói.

Ông cho biết mọi hy vọng rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ trở lại mức trước đại dịch Covid-19 vào cuối năm nay "đã bị tiêu tan". "Chúng tôi đã hy vọng rằng nền kinh tế đang trải qua một giai đoạn phục hồi và sẽ trở lại sau mùa xuân này. Nhưng bây giờ những hậu quả từ cuộc chiến đang trở thành gánh nặng", ông nói.

Ước tính hậu quả từ các lệnh trừng phạt của Nga có thể khiến các công ty Đức thiệt hại lên tới 20 tỷ Euro (22 tỷ USD). Trong khi một số công ty sẽ được "bảo hộ" bởi chính phủ, nhiều công ty khác sẽ bị rơi vào vòng xoáy lỗ.

Chính phủ Đức đã thực hiện các biện pháp để giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt. Nước này cam kết cung cấp tín dụng giá rẻ thông qua công ty cho vay KfW để giúp bù đắp phần nào thiệt hại. Ông Habeck hy vọng các biện pháp mà chính phủ nước này thực hiện sẽ giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt, hạ nhiệt giá năng lượng đối với các doanh nghiệp và hộ gia đình, đồng thời có thể ngăn chặn được suy thoái.

Tin liên quan

Đọc tiếp