FED gợi ý thắt chặt định lượng, thị trường toàn cầu phản ứng

LÃI SUẤT MỸ
14:57 - 27/01/2022
FED gợi ý thắt chặt định lượng, thị trường toàn cầu phản ứng
0:00 / 0:00
0:00
Đối diện với thị trường tài chính biến động và lạm phát ở mức kỷ lục đúng như dự báo, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục phát đi thông điệp sớm tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ lần đầu tiên kể từ tháng 12/2018.

FED tiếp tục quan điểm “diều hâu”

“Khi lạm phát vượt trên 2% và thị trường lao động mạnh mẽ như hiện tại, Ủy ban Thị trường mở (thuộc FED) kỳ vọng sẽ sớm tăng lãi suất cơ bản liên bang”, Chủ tịch FED Jerome Powell tuyên bố sau khi kết thúc phiên họp chính sách tiền tệ hôm 26/1. “Tôi cho rằng còn khá nhiều dư địa để tăng lãi suất mà không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động”.

Quan điểm này lặp lại hàng loạt thông điệp rõ ràng về chính sách tiền tệ sắp chuyển sang thắt chặt của FED. Tuy nhiên, phản ứng xáo trộn của thị trường trong những ngày gần đây phản ánh lo ngại đáng kể của nhà đầu tư về nguy cơ Ngân hàng Trung ương thắt chặt chính sách mạnh mẽ hơn dự kiến.

Tuyên bố của Chủ tịch Powell sau cuộc họp không đưa ra mốc thời gian cụ thể FED tiến hành tăng lãi suất. Thị trường dự báo đợt tăng đầu tiên có thể diễn ra vào cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo, tức tháng 3 tới, cùng thời điểm lộ trình thu hẹp gói mua tài sản 120 tỷ USD hàng tháng kết thúc.

Theo công cụ FEDWatch, thị trường tin tưởng FED sẽ tiến hành 4 lần nâng lãi suất trong năm nay, qua đó đưa lãi suất cơ bản từ mức tiệm cận 0 hiện tại lên khoảng 1% vào cuối năm.

Bên cạnh tín hiệu nâng lãi suất cơ bản, Chủ tịch Powell cũng gợi ý rằng Ngân hàng Trung ương lớn nhất hành tinh đang chuẩn bị thu hẹp bảng cân đối kế toán, nhưng không nói rõ bằng cách nào.

Dự báo FED sẽ mạnh tay thu hẹp bảng cân đối kế toán vốn đã phình to gấp đôi trong 2 năm qua (Đồ họa: Reuters)

Dự báo FED sẽ mạnh tay thu hẹp bảng cân đối kế toán vốn đã phình to gấp đôi trong 2 năm qua (Đồ họa: Reuters)

Lần gần nhất FED tìm cách thu hẹp bảng cân đối kế toán là cuối năm 2017 cho đến quý III/2019. Trong suốt khoảng thời gian đó, FED chỉ thu hẹp được khoảng 15% trước khi buộc phải nới lỏng chính sách tiền tệ trở lại để hỗ trợ nền kinh tế do căng thẳng địa chính trị và dịch COVID-19 bùng phát.

Lần này, FED kỳ vọng thu hẹp bảng cân đối kế toán một lượng đáng kể. Theo Chủ tịch Powell, các quan chức sẽ thảo luận về vấn đề này trong 2 cuộc họp tiếp theo trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về thời gian cũng như tốc độ thực hiện.

Michael Pearce, nhà kinh tế cấp cao của Mỹ tại Capital Economics nhận định: “FED có kế hoạch thu hẹp bảng cân đối kế toán trong năm nay, ngay khi lãi suất bắt đầu tăng. Động thái này phản ánh quan điểm “diều hâu” hơn những gì thị trường kỳ vọng”. Còn Joseph Lavorgna, nhà kinh tế trưởng của Natixis thì lo ngại FED đang sai lầm với thông điệp “diều hâu” như vậy trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế có tín hiệu giảm tốc - mà tín hiệu rõ ràng nhất là tăng trưởng việc làm biên chế chậm lại.

Nghĩa là ngân hàng Trung ương của Mỹ sẽ phải rất thận trọng trong lộ trình thu hẹp bảng cân đối kế toán gần 9.000 tỷ USD, tăng gần gấp đôi trong vòng chưa đầy 2 năm. FED cũng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường cũng như nền kinh tế, để biết rằng liệu những động thái mạnh tay siết chặt chính sách tiền tệ như vậy có đang đi quá xa hay không.

Vậy mức thu hẹp bảng cân đối kế toán như thế nào là phù hợp? Lorie Logan, một quan chức FED chi nhánh New York cho hay đưa bảng cân đối kế toán về mức trước đại dịch chưa hẳn là thước đo tốt nhất. Một yếu tố cần cân nhắc là nhu cầu dự trữ của các ngân hàng, vốn luôn biến động theo thời gian.

Thị trường phản ứng

Ngay sau cuộc họp báo của Chủ tịch FED Jerome Powell, thị trường toàn cầu đã phản ứng mạnh mẽ.

Trên phố Wall, cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều không giữ được đà tăng sau tuyên bố này. Có thời điểm chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tụt tới 350 điểm, tương đương 1%, trong khi S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 0,9% và 0,7%. Chốt phiên, Dow Jones giảm 129 điểm, S&P 500 mất 0,2% và Nasdaq Composite gần như đi ngang.

Ở phiên giao dịch muộn, hợp đồng tương lai cả 3 chỉ số chính tiếp tục tụt sâu. Vào gần 12 giờ đêm 26/1, hợp đồng tương lai Dow Jones được nhìn thấy ở mức tụt 398 điểm, tương đương 1,17%. Các hợp đồng tương lai của S&P 500 và Nasdaq 100 lần lượt giảm 1,35% và 1,57%.

Trên thị trường, một số nhà đầu tư bắt đầu đặt cược vào khả năng FED tăng lãi suất 5 lần trong năm nay. Sự không chắc chắn về mức độ thắt chặt chính sách tiền tệ mà FED thực hiện đang gây ra nhiều quan ngại cho sự lạc quan thị trường.

Ở bên kia bán cầu, sắc đỏ cũng phủ bóng hàng loạt thị trường châu Á Thái Bình Dương sau thông điệp “diều hâu” từ FED.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 mất 3,3% trong khi Topix tụt 2,3%. Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 3,15%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong cũng chung đà sụt giảm khi bốc hơi 2,56%. Lĩnh vực công nghệ của Hang Seng thậm chí mất 4,61%. Còn trên thị trường Trung Quốc đại lục, Shenzhen Component mất 1,52% và Shanghai Composite tụt khoảng 1%.

Xu hướng bán tháo cũng dẫn dắt nhiều thị trường Đông Nam Á và Nam Á. Chỉ số Strait Times của Singapore tụt 0,59%, Jakarta Composite của Indonesia lùi nhẹ 0,15% và Nifty 25 của Ấn Độ mất 1,87%.

Một số chỉ số chứng khoán Mỹ sụt giảm sau thông điệp từ FED (Nguồn: CNBC)

Một số chỉ số chứng khoán Mỹ sụt giảm sau thông điệp từ FED (Nguồn: CNBC)

Danielle DiMartino Booth, Giám đốc điều hành kiêm chiến lược gia trưởng tại Quill Intelligence nhận định: “Thách thức lớn nhất của FED lúc này là tìm ra một lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ đủ mạnh mẽ để kiểm soát lạm phát, nhưng cũng đủ mềm mỏng để duy trì sự phát triển của thị trường tài chính. Bởi vì bất kỳ sự biến động nào của thị trường tài chính cũng có thể tác động đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế”.

Tin liên quan

Đọc tiếp