FiinRatings: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ có những thay đổi về chất

TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP
08:46 - 22/08/2022
FiinRatings: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ có những thay đổi về chất
0:00 / 0:00
0:00
FiinRatings cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ dần sôi động trở lại vào đầu quý IV/2022 cũng như có những thay đổi về chất theo xu hướng phát hành đại chúng sắp tăng mạnh vào năm 2023, khi Nghị định 153 sửa đổi được ban hành.

Theo số liệu cập nhật mới nhất tại báo cáo chuyên đề về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của FiinRatings, nửa đầu tháng 8/2022, thị trường trái phiếu chỉ ghi nhận 6 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị 2.210 tỷ đồng, toàn bộ đến từ lĩnh vực ngân hàng, tài chính.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, phát hành trái phiếu riêng lẻ chỉ đạt gần 200.000 tỷ đồng - giảm 37% so với cùng kỳ. Trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, doanh nghiệp bất động sản rục rịch phát hành trái phiếu trở lại, song từ tháng 7/2022 tới nay lại án binh bất động.

Theo FiinGroup, trái phiếu doanh nghiệp ngành bất động sản và xây dựng đã suy giảm đáng kể trong 6 tháng đầu năm 2022. Đặc biệt trong quý II/2022 không có doanh nghiệp ngành xây dựng phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Các chuyên gia phân tích FiinGroup cho rằng, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp nửa đầu năm 2022 giảm mạnh và không có dấu hiệu phục hồi, đặc biệt trước những diễn biến thị trường và các sự kiện hủy lô trái phiếu trong tháng 4/2022.

Áp lực đáo hạn trái phiếu đang lớn dần

Trong khi đó, báo cáo về thị trường trái phiếu mới đây của Bộ Tài chính đã chỉ ra rằng, trong năm 2022, khối lượng trái phiếu đáo hạn vào khoảng 144.500 tỷ đồng, trong đó khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm 43,2% (khoảng 62.470 tỷ đồng), khối lượng trái phiếu các tổ chức tín dụng đáo hạn vào khoảng 29.160 tỷ đồng, chiếm 20,2% tổng khối lượng trái phiếu đáo hạn.

Bước sang năm 2023 và năm 2024, khối lượng trái phiếu đến hạn tăng cao so hơn rất nhiều, lần lượt ở mức 271.400 tỷ đồng và 329.500 tỷ đồng. Trong đó, tổng khối lượng trái phiếu bất động sản đến hạn là 207.800 tỷ đồng, trái phiếu của các tổ chức tín dụng đến hạn là 207.500 tỷ đồng. Như vậy, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trả nợ trong vòng 3 năm tiếp theo lên tới 745.400 tỷ đồng.

Mặc dù chưa ở mức báo động trong hiện tại nhưng các chuyên gia cảnh báo nợ xấu bất động sản đang có nguy cơ gia tăng khi thị trường này đang bước vào giai đoạn khó khăn, trầm lắng.

Số liệu của NHNN cũng cho thấy, đến tháng 6/2022 tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm ngoái. Dư nợ tín dụng bất động sản hiện chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống, tăng hơn so với tỉ lệ 19,9% của cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, nợ xấu lĩnh vực bất động sản khoảng 36.400 tỷ đồng, tăng 5% so với cuối năm 2021.

Kỳ vọng trái phiếu doanh nghiệp sẽ dần sôi động trở lại vào đầu quý IV/2022

Theo đánh giá của nhóm phân tích Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), thời gian tới, các doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc phát hành trái phiếu mới để đảo nợ thời gian tới bởi hai yếu tố. Thứ nhất, về mặt chính sách và thứ hai, nhu cầu của các nhà đầu tư cá nhân dự báo cũng sẽ giảm sút trong giai đoạn tới do mất niềm tin vào thị trường.

Tương tự, các chuyên gia FiinGroup cũng cho hay, trong ngắn hạn, thị trường sẽ tiếp tục xu hướng suy giảm về khối lượng phát hành cho đến khi các quy định pháp lý rõ ràng cho cơ sở nhà phát hành và nhà đầu tư, cụ thể là sửa đổi Nghị định 153. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ sôi động trở lại từ quý IV/2022.

“Mặc dù sẽ không thể sôi động ngay lại như nửa cuối 2021, nhưng chúng tôi kỳ vọng trái phiếu doanh nghiệp sẽ dần sôi động trở lại vào đầu quý IV/2022 tới đây khi sửa đổi Nghị định 153 được ban hành và đi vào hiệu lực chính thức như kế hoạch được thông báo bởi Bộ Tài chính”, chuyên gia phân tích FiinGroup nhận định.

Năm 2023, thị trường sẽ thay đổi về chất theo xu hướng phát hành đại chúng sắp tăng mạnh

Theo FiinGroup, sang năm 2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ có những thay đổi về chất theo xu hướng phát hành đại chúng sẽ tăng trưởng mạnh về quy mô, nhất là từ các doanh nghiệp có hồ sơ kinh doanh tốt và chủ động minh bạch hồ sơ tín dụng của họ trên thị trường.

Phát hành riêng lẻ sẽ có sự thay đổi chủ yếu giảm về quy mô nhưng hướng đến cơ sở nhà đầu tư rộng rãi hơn bao gồm nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, các định chế tài chính như bảo hiểm, quỹ trái phiếu và quỹ hưu trí.

Mặc dù việc phân phối cho nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp vẫn sẽ khó khăn hơn, các quy định mới như dự thảo hiện nay nếu đi vào áp dụng vẫn sẽ góp phần cho các doanh nghiệp niêm yết hoặc các doanh nghiệp chủ động minh bạch hóa thông tin và hồ sơ tín dụng để hướng đến các nhà đầu tư tổ chức cùng chia sẻ rủi ro và kỳ vọng mức lãi suất phù hợp.

Đặc biệt, thanh khoản trên thị trường thứ cấp cải thiện thời gian qua và dự kiến tiếp tục tăng mạnh thời gian tới.

Cụ thể, thanh khoản thị trường thứ cấp nửa đầu năm 2022 ghi nhận mức tăng đột biến (gần 93%) so với mức giá trị giao dịch bình quân trong năm 2021, từ 191,70 tỷ đồng/ngày lên 368,86 tỷ đồng/ngày.

Tính đến hết ngày 31/12/2021, HoSE đã hoàn thành việc chuyển toàn bộ trái phiếu doanh nghiệp niêm yết sang HNX, mở đầu cho lộ trình sắp xếp lại các thị trường giao dịch chứng khoán.

Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang dự thảo Thông tư hướng dẫn niêm yết trái phiếu phát hành riêng lẻ trên hệ thống giao dịch chứng khoán của Sở sẽ là động lực lớn giúp tăng quy mô và thanh khoản trên thị trường thứ cấp chuyên biệt này.

Số lượng đợt phát hành trái phiếu niêm yết được ghi nhận trên thị trường thứ cấp đạt 53 đợt trong tháng sáu, tăng thêm 13 đợt so với tháng đầu năm. Mặc dù quy mô phát hành còn khiêm tốn nhưng có thể thấy sự tăng trưởng nhẹ về số lượng trên thị trường thứ cấp trong nửa đầu 2022.

Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi những quy định nhằm đảm bảo sự phát triển của thị trường trong dài hạn, trong đó Điều 15 và Điều 16 bổ sung điều kiện doanh nghiệp chào bán riêng lẻ phải đăng ký giao dịch, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán. FiinGroup đánh giá, đây là nỗ lực đúng đắn để kiểm soát quy trình phát hành trái phiếu riêng lẻ, và dự báo số lượng trái phiếu niêm yết sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.