FLC đặt mục tiêu năm 2022 lãi gấp hai lần so với 2021

flc Việt nAM
11:25 - 26/01/2022
FLC đặt mục tiêu năm 2022 lãi gấp hai lần so với 2021
0:00 / 0:00
0:00
Tập đoàn FLC cho biết mục tiêu doanh thu trong năm 2022 của doanh nghiệp này là gần 27.000 tỷ đồng với lợi nhuận ước tính 2.100 tỷ. Đây đều là những con số cao chưa từng thấy trong lịch sử của FLC.

Năm 2021, Tập đoàn của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đề ra kế hoạch doanh thu hợp nhất 15.250 tỷ đồng và lãi trước thuế 1.100 tỷ. Như vậy, mục tiêu của năm 2022 cao hơn lần lượt 77% và 91% kế hoạch năm 2021.

Trong đó, cơ cấu doanh thu lớn nhất năm 2022 sẽ thuộc về lĩnh vực bất động sản, với mục tiêu hơn 18.000 tỷ đồng; chiếm hơn 67% tổng doanh thu. Các lĩnh vực thương mại, sản xuất, du lịch và các dịch vụ khác dự tính đóng góp gần 33% doanh thu.

Nếu tính thêm các lĩnh vực bổ trợ như hàng không và mảng đầu tư thi công, kế hoạch doanh thu của toàn hệ thống ước tính là 42.000 tỷ đồng.

Bà Bùi Hải Huyền, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC phát biểu tại sự kiện sáng 25/1/2022. Ảnh: FLC.
Bà Bùi Hải Huyền, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC phát biểu tại sự kiện sáng 25/1/2022. Ảnh: FLC.

Năm 2021, hai đợt dịch bùng phát trên quy mô lớn và thời gian giãn cách xã hội kéo dài trong quý III đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của Tập đoàn FLC. Tuy nhiên, các lĩnh vực cốt lõi của doanh nghiệp vẫn ghi nhận nhiều điểm sáng.

Trong đó, doanh thu của FLC trong lĩnh vực bất động sản cán đích với tỷ lệ thực hiện 104% so với kế hoạch năm.

Đóng góp lớn vào kết quả trên là các dự án trọng điểm đang được xúc tiến triển khai, như Khu đô thị FLC Premier Parc tại Hà Nội, giai đoạn 2 của FLC Tropical City Halong tại Quảng Ninh, các khu đô thị tại Tây Nguyên – Tây Nam Bộ, và đặc biệt là FLC Quảng Bình – quần thể du lịch 2.000ha quy mô hàng đầu tại miền Trung hiện nay.

Hoạt động triển khai dự án mới cũng được Tập đoàn FLC đẩy mạnh với việc khởi công, ra mắt nhiều dự án lớn như giai đoạn 2 FLC Quảng Bình; Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp FLC Hà Giang; Quần thể nghỉ dưỡng và đô thị sinh thái FLC Gia Lai; FLC Eo Gió Quy Nhơn và mới đây nhất, ngày 8/1, tập đoàn tiếp tục khởi công quần thể du lịch FLC Phú Thọ với tổng vốn các giai đoạn 10.000 tỷ đồng tại Việt Trì.

Với khoảng 300 dự án đang được xúc tiến pháp lý trên hơn 40 tỉnh thành cả nước, quỹ đất của công ty đang tiếp tục được mở rộng từ Bắc vào Nam. Dự kiến năm 2022, Tập đoàn FLC sẽ hoàn thành pháp lý để khởi công mới gần 25 dự án.

Với ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, mảng du lịch nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC chỉ hoàn thành 62,5 % kế hoạch về doanh thu. Tuy nhiên, thay vì cắt giảm hoạt động, doanh nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng hệ thống hạ tầng du lịch 5 sao, đồng thời bổ sung hệ tiện ích tại các quần thể hiện hữu.

Ngày 23/12/2021, doanh nghiệp đưa vào vận hành Trung tâm Hội nghị Quốc tế quy mô 2.000 chỗ và hợp phần khách sạn 5 sao 200 phòng tại Vĩnh Phúc, chỉ sau 10 tháng thi công.

Trước đó, ngày 24/10, một khách sạn 5 sao mới cũng được FLC chính thức khai trương tại trung tâm thành phố Quy Nhơn, sau khi đã vận hành hai khách sạn gần 2.500 phòng tại Bình Định. Tại Quảng Bình, khách sạn 5 sao và Trung tâm Hội nghị Quốc tế dự kiến đang trong quá trình hoàn thiện để đưa vào vận hành sớm nhất trong đầu 2022.

Một lĩnh vực đáng chú ý khác trong hệ sinh thái của FLC là hàng không với hoạt động của Bamboo Airways. Hãng cho biết đã phủ sóng gần 70 đường bay phủ khắp các tỉnh thành Việt Nam, trong đó có nhiều đường bay thẳng chưa từng có trong lịch sử đã được khai trương trong 2021 như Hà Nội – Rạch Giá, TP HCM – Điện Biên…

Đây cũng là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công chuyến bay thẳng không dừng kết nối Việt – Mỹ, đồng thời công bố các đường bay thẳng từ Việt Nam đến Anh, Australia và mới đây nhất là Đức.

Kết thúc 2021, Bamboo Airways tiếp tục dẫn đầu toàn ngành về tỷ lệ đúng giờ từ khi cất cánh, đạt gần 97%, với 9 triệu lượt khách được vận chuyển an toàn tuyệt đối trong các năm qua. Đây cũng là hãng hàng không vận hành bộ quy trình chống dịch ở mức tuyệt đối, đạt mức 7/7 sao.

Trước đó, Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã vướng phải lùm xùm “bán chui” cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 10/1. Cụ thể, ông thực hiện bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Kết quả, ngày 18/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định phạt ông Trịnh Văn Quyết kịch khung 1,5 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng.

Sau khi ông bị xử phạt vì hành vi này, mã chứng khoán FLC liên tục giảm sâu hoặc giảm sàn trong những phiên giao dịch vừa qua. Từ mức giá 22.500 đồng/cổ phiếu tại phiên giao dịch ngày 7.1.2022, mã FLC rơi xuống mức 13.000 đồng/cổ phiếu khi kết phiên ngày 19.1, giảm tổng cộng 9.500 đồng, tương ứng mức giảm hơn 42%. Các mã chứng khoán khác thuộc “họ FLC” cũng bị ảnh hưởng nặng theo, biểu hiện rõ nhất là mất thanh khoản và giảm giá sâu hoặc giảm sàn.

Tin liên quan

Đọc tiếp