FLC lại lập kỷ lục mới về thanh khoản, nhóm chứng khoán giảm sâu nhất

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
17:31 - 11/01/2022
FLC tiếp tục trở thành tâm điểm thị trường hôm nay.
FLC tiếp tục trở thành tâm điểm thị trường hôm nay.
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường hôm nay tiếp tục có sự phân hóa. Trong khi một số mã tăng hết biên độ thì nhiều cổ phiếu cũng bị "chốt lời" mạnh. Kết phiên, VN-Index mất đi 11,40 điểm. 

Do thông tin ông Trịnh Văn Quyết “bán chui” cổ phiếu được lan truyền và số lượng thanh khoản kỷ lục phiên hôm qua, ngay từ đầu phiên hôm nay, các mã họ FLC (FLC, ROS, AMD, HAI) đã bị “xả” mạnh, thậm chí có thời điểm giảm sàn. Trong đó, FLC khớp tới gần 70 triệu đơn vị chỉ sau hơn một giờ giao dịch.

Nếu trong phiên hôm qua, FLC đã lập kỷ lục với giá trị thanh khoản 135 triệu cổ phiếu khớp lệnh thì hôm nay con số đó tiếp tục bị xô đổ. Không thể tin nổi, 155 triệu cổ phiếu FLC đã được khớp lệnh trong phiên.

Như vậy, tính cả 2 phiên giao dịch 10/1 và 11/1, có đến 290 triệu cổ phiếu FLC được "trao tay", chiếm đến 41% lượng cổ phiếu đang lưu hành của Công ty (tổng có 710 triệu cổ phiếu). Đây là sự kiện chưa từng có trong lịch sử niêm yết của doanh nghiệp này. Thông thường, mỗi ngày cổ phiếu FLC chỉ giao dịch khối lượng trung bình từ 15-40 triệu cổ phiếu.

Với con số thanh khoản tăng cao kỷ lục, giá cổ phiếu FLC cũng biến động mạnh. Mở đầu phiên giao dịch, mã có màu xanh lơ, sau đó chiếm lại sắc đỏ; thậm chí có những lúc còn bật tăng "xanh mướt" trong sự ngỡ ngàng của nhà đầu tư. Tuy nhiên xu hướng “xả” vẫn mạnh hơn nên kết phiên giao dịch, FLC dừng ở mốc 19.900 đồng/cp, giảm 5,9% so với phiên trước đó. Tính ra cả 2 phiên, mã đã bay màu gần 14% thị giá.

FLC hôm nay tiếp tục bị bán mạnh dẫn tới giảm sâu.

FLC hôm nay tiếp tục bị bán mạnh dẫn tới giảm sâu.

Cùng họ FLC, ROS, AMD, KLF, HAI và ART cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng khi giảm sâu về thị giá, thậm chí ROS còn tệ hơn FLC khi nằm sàn liên tục từ đầu phiên. Chốt phiên, mã ở mức 13.900 đồng/cp, khối lượng khớp lệnh tăng mạnh lên mức gần 99 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, hiện mã này vẫn dư bán sàn gần 6 triệu cổ phiếu và cũng trong trạng thái trắng bên mua.

Thị trường phân hóa

Ngoài họ FLC thì hôm nay, nhóm vốn hóa lớn cũng tạo gánh nặng cho VN-Index. Trong đó, cặp đôi nhà VIC, VHM cùng MSN mang tới gần 6 điểm tiêu cực. Theo đó, MSN -5,3% xuống 144.900 đồng và là cổ phiếu giảm sâu nhất trong rổ VN30. Còn VHM -2,1% xuống 83.600 đồng và VIC -1,3% xuống 101.000 đồng.

Các bluechip khác cũng không khá khẩm hơn, như SSI -2,9% xuống 48.100 đồng, FPT -2,7% xuống 89.500 đồng, GVR -2,4% xuống 36.800 đồng, VRE -2,3% xuống 34.200 đồng, KDH -2% xuống 53.000 đồng, cùng nhiều sắc đỏ khác tại HPG, POW, BVH, PDR và nhóm ngân hàng VCB, VPB, MBB, ACB, HDB, TPB, CTG.

Tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, phiên hôm nay nhiều mã cũng bị “chốt lời” mạnh. Trong đó, nhóm chứng khoán chịu thiệt hại lớn nhất khi đa số đều giảm sâu: SSI -2,9%, CTS -5,9%, VND -5,4%, FTS -5,4%, VCI -5,3%, HCM -4%, ORS -2,9%, VIX -2,6%, BSI -2,5%...

Ngoài ra còn có KBC -6,8%, FTM -6,8%, MCG -6,4%, AAA -5,9%, TNI -5,7%, CRE -5,7%, TDG -5,7%... Các cổ phiếu HHS, HQC, PAN, DHA, EVG, OGC giảm từ gần 5% đến hơn 5,6%.

Nhóm ngân hàng, dầu khí hôm nay cũng chịu chung số phận. Tuy nhiên tỷ lệ giảm không nhiều. Nhóm bank chỉ có SSB giảm sâu nhất, mất 4,2% thị giá. Còn lại đều chỉ giảm từ 0,5-2,5%. Ở chiều ngược lại đáng chú ý có SGB bứt phá tăng 5,2%, còn lại chỉ vài mã tăng nhẹ. Nhóm dầu khí cũng chỉ có TOS và PVD đổ xanh còn các mã đều giảm từ 1-3%.

Nhóm cổ phiếu Xây dựng và Bất động sản có sự phân hóa lớn.

Nhóm cổ phiếu Xây dựng và Bất động sản có sự phân hóa lớn.

Đà kéo VN-Index hôm nay tiếp tục đến từ các mã bất động sản, xây dựng với LCG, NBB, AGG, TNA, BCM, SGR, TIP, LDG, TDC, VPH, HCD, ACC, PTC, KSB và DIG. Tăng mạnh khác còn phải kể đến QCG +6,7%, FCN +6,6%, CTI +6,3%, CII +5%, NHA +4%, LHG +3,3%, SCR +3,1%, VCG +3,1%...

Trong đó thanh khoản lớn có LDG với hơn 21,8 triệu đơn vị khớp lệnh, CII khớp hơn 16,3 triệu đơn vị, LCG khớp 14,4 triệu đơn vị, VCG khớp hơn 12,7 triệu đơn vị, FCN khớp hơn 7,8 triệu đơn vị, TDC khớp hơn 6,3 triệu đơn vị, DIG khớp 5,8 triệu đơn vị, NBB khớp 5,4 triệu đơn vị…

Đáng chú ý trên sàn HNX, CEO tiếp tục là trụ đỡ chính. Sau khi tăng hơn 5% trong phiên sáng, mã tiếp tục tăng tốc và vọt lên mức giá trần trong phiên chiều, tăng 10% lên 91.600 đồng, khớp hơn 9,3 triệu đơn vị.

Chốt phiên hôm nay, sàn HoSE có 122 mã tăng (21 mã tăng trần) và 346 mã giảm (15 mã giảm sàn). VN-Index giảm 11,40 điểm xuống 1.492,31 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.251,4 triệu đơn vị, giá trị 35.994,3 tỷ đồng, giảm hơn 9% về khối lượng và 14% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 31,9 triệu đơn vị, giá trị 1.315,9 tỷ đồng.

Còn sàn HNX có 79 mã tăng và 160 mã giảm, HNX-Index giảm 1,28 điểm, xuống 481,61 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 138,1 triệu đơn vị, giá trị 3.874 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 4 triệu đơn vị, giá trị 130,4 tỷ đồng.

UpCoM-Index tăng được 0,24 điểm, lên 114,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 94,8 triệu đơn vị, giá trị 2.063,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 11,1 triệu đơn vị, giá trị 282,6 tỷ đồng.

Điểm sáng hôm nay thuộc về khối ngoại khi họ trở lại mua ròng trên HoSE, qua đó giá trị mua ròng trên cả cả 3 sàn đạt 130 tỷ đồng. Nhà đầu tư ngoại tập trung mua ròng tại các cổ phiếu như VIC, DXG, VCB trong khi ghi nhận bán ròng tại các mã DGC, FLC.

Tin liên quan

Đọc tiếp