FLC tích cực làm hình ảnh sau vụ lùm xùm bán chui cổ phiếu

DOANH NGHIỆP Việt nAM
11:53 - 16/02/2022
Chủ tịch Trịnh Văn Quyết trực tiếp mừng tuổi cho hành khách bay chuyến đầu năm Nhâm Dần.
Chủ tịch Trịnh Văn Quyết trực tiếp mừng tuổi cho hành khách bay chuyến đầu năm Nhâm Dần.
0:00 / 0:00
0:00
Thành lập hãng trang sức, đề xuất xây dựng tòa tháp cao nhất TP HCM, đồng hành cùng đội tuyển bóng đá nữ tại World Cup 2023... là những hoạt động liên tục của FLC sau vụ bán chui cổ phiếu bị vỡ lở của người đứng đầu tập đoàn là ông Trịnh Văn Quyết.

Nguồn cơn vụ lùm xùm

Trong quá trình hoạt động, bên cạnh những dấu ấn tích cực trên thị trường bất động sản và hàng không thì FLC cũng vướng không ít lùm xùm. Mới đây nhất liên quan đến việc ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT “bán chui” 74,8 triệu cổ phiếu.

Thông tin nổ ra vào tối ngày 10/1/2022, ngay sau khi cổ phiếu FLC có một phiên giao dịch bất thường. Theo đó, từ đầu phiên sáng, cổ phiếu này đã tăng trần lên mức 24.100 đồng/cp. Nhưng sang buổi chiều, chỉ trong vòng 5 phút, FLC đột ngột giảm sàn khiến nhà đầu tư hoảng loạn, cuối cùng về giá sàn 21.000 đồng/cp.

Tổng khối lượng giao dịch của FLC trong phiên lên tới 135 triệu/710 triệu cổ phiếu lưu hành trên thị trường. Đây là mức kỷ lục của FLC từ khi doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM (HoSE) vào năm 2013, đồng thời thể hiện rõ sự bất thường khi trước đó, mã chỉ giao dịch khối lượng trung bình từ 15-40 triệu cổ phiếu/phiên.

Sự bất thường đã được xác nhận khi ngay tối 10/1, thông tin ông Trịnh Văn Quyết đăng ký bán 74,8 triệu cổ phiếu nổ ra. Điều đáng nói là giao dịch của Chủ tịch FLC được bắt đầu từ 10/1 nhưng trên website của HoSE vẫn chưa đăng tải thông tin về giao dịch này. Thông tin chỉ được đăng tải trên website của FLC vào tối 10/1 nhưng sau đó FLC đã thay bằng văn bản mới ra ngày 10/1 với dự kiến giao dịch được đổi sang 14/1/2022 đến ngày 11/2/2022.

Mặc dù đã thay đổi văn bản và giải thích do “sự nhầm lẫn của tổ thư ký” nhưng FLC vẫn không thể thuyết phục được công chúng do việc “bán chui” cổ phiếu đã quá rõ ràng. Đặc biệt là khi các cổ đông nhỏ lẻ bị ảnh hưởng nhiều do cổ phiếu FLC từ đỉnh nhanh chóng tụt dốc không phanh.

Cổ phiếu FLC rơi giá mạnh sau thông tin ông Quyết "bán chui".

Cổ phiếu FLC rơi giá mạnh sau thông tin ông Quyết "bán chui".

Tại thời điểm xảy ra vụ lùm xùm này, FLC đang đạt thị giá cao nhất kể từ khi chào sàn. Trước đó, từ khi niêm yết đến tháng 3/2021, FLC chưa khi nào vượt qua được mức giá 10.000 đồng. Sự bứt phá của FLC theo đà chung của nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng với kỳ vọng của nhà đầu tư về dự đột phá trong năm 2022, khi mà dịch bệnh đã được kiểm soát, nền kinh tế dần đi vào phục hồi.

Vì giao dịch chui của ông Trịnh Văn Quyết, cổ phiếu FLC liên tục nằm sàn các phiên sau đó. Các mã liên quan đến FLC khác là ROS, AMD, ART, KLF cũng chịu chung số phận bị "xả hàng".

Hiện dù đã thoát cảnh "trượt dốc" nhưng FLC mới chỉ quay lại được mức 12.000 đồng. Có nghĩa là những nhà đầu tư “đu đỉnh” cổ phiếu này đã mất 50% tài sản chỉ sau một thời gian ngắn. Bởi vậy, việc họ tràn vào trang Facebook cá nhân của Chủ tịch FLC để chỉ trích khiến ông Quyết phải khóa tính năng bình luận cũng là điều dễ hiểu.

Cơ quan chức năng cũng có động thái mạnh tay khi HoSE thông báo huỷ giao dịch bán gần 75 triệu cổ phiếu FLC nói trên của ông Quyết, trả lại tiền cho nhà đầu tư. Đồng thời, Chủ tịch FLC bị phạt tiền 1,5 tỷ đồng và bị đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng.

Lấy lại niềm tin có dễ?

Trong bối cảnh làn sóng chỉ trích về hành vi bán chui của ông Trịnh Văn Quyết, Tập đoàn FLC đã liên tục có các động thái mới sau đó. Đầu tiên là việc lấn sân sang lĩnh vực ít liên quan là kinh doanh trang sức. Tập đoàn chính thức ra mắt thương hiệu vàng, trang sức cao cấp FJC vào ngày 26/1 với cửa hàng đầu tiên đặt tại trung tâm thương mại Bamboo Airways Tower (Hà Nội).

FJC sẽ chuyên về chế tác, sản xuất, kinh doanh vàng, trang sức, đá quý thông qua 4 nhóm sản phẩm chính: Vàng 24k, vàng trang sức hiệu Italy cao cấp, trang sức kim cương và sản phẩm phong thủy. Theo đại diện FLC, đây là lĩnh vực bổ trợ bên cạnh những trụ cột như bất động sản, hàng không, du lịch, nghỉ dưỡng; tận dụng, khai thác hiệu quả lợi thế sẵn có từ cơ sở hạ tầng, dịch vụ của tập đoàn.

Tiếp theo, ngay sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch, FLC lại gây chú ý khi đề xuất đầu tư 80.000 tỷ đồng để xây khu phức hợp có tòa tháp 99 tầng tại Bình Chánh, TP HCM.

Theo trình bày của FLC trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện uỷ Bình Chánh, dự án có tên Smart Eco City, bao gồm 5 phân khu: Khu đô thị sinh thái, khu đô thị sáng tạo & khoa học kỹ thuật, khu đô thị nghỉ dưỡng & vui chơi giải trí, khu đô thị dịch vụ, tái định cư và nhà ở xã hội, khu dân cư hiện hữu và tái định cư. Trong đó, toà tháp Landmark 99 tầng cao nhất TP HCM sẽ là điểm nhấn, được FLC kỳ vọng trở thành một công trình biểu tượng mới tại phía Tây thành phố.

Mới đây nhất, FLC tiếp tục thu hút sự chú ý bằng việc đưa phi cơ của hãng Bamboo Airways sang Ấn Độ đón các thành viên Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam trở về Việt Nam, sau khi giành vé vào World Cup 2023. Sau đó, Bamboo Airways còn tặng phần quà là kỳ nghỉ dưỡng 3 ngày 2 đêm tại quần thể nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn cho thầy trò HLV Mai Đức Chung.

Hãng Hàng không Bamboo Airwyas cũng chính thức trở thành Nhà tài trợ vận chuyển độc quyền đưa đón Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tham dự World Cup 2023, diễn ra từ tháng 7 đến tháng 8/2023 tại Australia và New Zealand.

Bamboo Airways nhanh chân đăng ký đón đội tuyển nữ quốc gia về nước.

Bamboo Airways nhanh chân đăng ký đón đội tuyển nữ quốc gia về nước.

Trước vụ bán chui cổ phiếu đầu năm 2022 của ông Trịnh Văn Quyết, FLC cũng từng mang nhiều tai tiếng liên quan đến kiện tụng đất đai, đầu tư dự án nhưng không làm, sai phạm tại các dự án...

Trong đó vào năm 2017, chính Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đã từng bị xử phạt 65 triệu đồng về hành vi thông báo mua vào 37 triệu cổ phiếu FLC nhưng lại âm thầm bán ra 57 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, nhờ sự kiện đình đám là lập hãng bay, đồng thời liên tục đầu tư các khu nghỉ dưỡng trên khắp cả nước, dư luận nhanh chóng quên đi những lùm xùm này.

Nỗ lực làm hình ảnh của FLC bằng các động thái mới gây chú ý lần này cũng đã mang lại những tín hiệu tích cực. Giá cổ phiếu họ FLC dần thoát cảnh "nằm sàn", chưa bị đẩy về mức thị giá thấp nhất. Tuy nhiên trên các hội nhóm chứng khoán, các nhà đầu tư lỡ nhập vào các mã này lúc đạt đỉnh vẫn không ngừng than vãn vì chưa thể "về bờ". Họ đều kỳ vọng nhiều hơn nữa những tin tức tốt đẹp từ doanh nghiệp mà mình đang gửi gắm tài sản.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Ly (thứ 2 từ phải sang) chủ trì đại hội. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN

ĐHĐCĐ API: Mục tiêu có lãi trở lại

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (HNX: API) được tổ chức ngày 10/5 tại Tòa nhà Grand Plaza, số 117 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.