GDP năm 2023 dự kiến tăng trên 5%, năm 2024 tăng khoảng 6-6,5%

GDP Việt nAM
12:17 - 16/10/2023
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: CTTĐT Quốc hội
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: CTTĐT Quốc hội
0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, GDP năm 2023 dự kiến tăng trên 5%, so với tình hình khó khăn chung của thế giới đây là kết quả rất đáng khích lệ và trân trọng.

Tại báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) phục vụ phiên họp cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội diễn ra sáng 16/10, Chính phủ dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng trên 5%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ước khoảng 3,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu khoảng 4,5%. Thu ngân sách Nhà nước phấn đấu đạt hoặc vượt dự toán được giao trong khi miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất (đến hết tháng 9 đã miễn, giảm, gia hạn khoảng 152.500 tỷ đồng). Về thương mại, cả năm 2023 Việt Nam ước xuất siêu khoảng 15 tỷ USD.

Với năm 2024, Chính phủ đặt kế hoạch tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Dự kiến kế hoạch phát triển năm 2024 có 15 chỉ tiêu chủ yếu, về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó: Tăng trưởng GDP từ 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%-24,2%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4-4,5% ; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8%-5,3%...

Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, trong gần một năm qua, Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều “cơn gió ngược” có tác động mạnh đến từ bên ngoài, kéo theo những rủi ro về thu hẹp thị trường, sụt giảm đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng và biến động giá cả của các mặt hàng chiến lược cùng với sức ép lớn về tỷ giá, ổn định vĩ mô.

Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm, tập trung đánh giá kỹ hơn một số vấn đề: Ước cả năm 2023 có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra; tăng trưởng kinh tế giảm tốc; công nghiệp chế biến chế tạo gặp nhiều khó khăn; một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả; nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn; doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các định hướng lớn, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho cả năm 2024 như báo cáo của Chính phủ. Đề nghị xem xét, đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP cũng như việc hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ; đánh giá kỹ hơn việc lập dự toán ngân sách Nhà nước, cân nhắc xây dựng dự toán thu ngân sách tích cực hơn để tăng chi đầu tư phát triển và giảm bớt bội chi; nghiên cứu, bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành để hoàn thiện Báo cáo đánh giá kinh tế - xã hội về các vấn đề mà UBTVQH quan tâm.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong suốt từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, Quốc hội luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho Chính phủ. Không chỉ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế mà còn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện của Chính phủ như trong quá trình phục hồi kinh tế - xã hội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát lại các phương án và dự báo đạt khoảng trên 5% trong năm nay. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tuy không đạt mục tiêu đề ra từ đầu năm nhưng so với tình hình chung của thế giới đây là kết quả rất đáng khích lệ và trân trọng.

Về một số chỉ tiêu quan trọng, Chính phủ và các bộ ngành sẽ cố gắng đạt các chỉ tiêu về: Tốc độ tăng trưởng và GDP bình quân đầu người; tỷ trọng công nghiệp, chế biến chế tạo trong GDP; năng suất lao động, tỷ trọng lao động nông nghiệp trên tổng lao động xã hội.

Về năng suất lao động của năm 2023, dự kiến thấp hơn mục tiêu đề ra. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp; sản xuất công nghiệp, xây dựng và bất động sản khó khăn; một bộ phận người lao động chuyển sang bộ phận dịch vụ phi chính thức với năng suất thấp hơn; một bộ phận người lao động chuyển việc mới cần thời gian đào tạo lại… Bộ sẽ tiếp tục làm rõ hơn trong báo cáo với Quốc hội.

Tin liên quan

Đọc tiếp