Giải mã lý do các ‘đại gia’ bất động sản đổ bộ Lạng Sơn

bđs LẠNG SƠN
23:19 - 08/01/2022
Một góc Lạng Sơn.
Một góc Lạng Sơn.
0:00 / 0:00
0:00
Thời gian qua, Lạng Sơn liên tục đón tiếp các “ông lớn” bất động sản như Tân Hoàng Minh, FLC, IDJ, Sovico, Đô thị Thành Nam, Viglacera… về khảo sát, đề xuất đầu tư dự án. Vậy đâu là sức hút của thị trường địa ốc tỉnh giáp biên giới này?

Mới đây, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản đồng ý chủ trương cho Tổng công ty Viglacera nghiên cứu, triển khai dự án quy hoạch khu công nghiệp tại khu vực xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng với quy mô 560ha. Trước đó, với "tham vọng mở rộng quỹ đất", hồi tháng 10, Viglacera đã có công văn gửi UBND tỉnh Lạng Sơn về việc đề xuất đầu tư Tổ hợp Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ tại huyện Hữu Lũng với quy mô khoảng 1.000 ha.

Viglacera không phải là “ông lớn” đầu tiên quan tâm đến xứ Lạng. Thực tế, Tập đoàn Vingroup đã về đây triển khai dự án Vincom Shopouse từ năm 2016. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng gồm tổ hợp trung tâm thương mại, khách sạn và nhà phố trên tổng diện tích đất hơn 12.000 m2 tọa lạc tại vị trí đắc địa bên bờ sông Kỳ Cùng. Khi dự án được hoàn thành năm 2018, những căn nhà phố được tiêu thụ trong thời ngắn, trung tâm thương mại thu hút bình quân hơn 1.000 lượt khách/ngày…

Sự thành công của Vingroup có lẽ chính là một phần nguyên nhân khiến các công ty bất động sản bắt đầu chú ý đến miền đất giáp ranh biên giới. Tháng 5/2019, Công ty Cổ phần đầu tư IDJ Việt Nam bắt đầu khởi công 2 dự án là Khu căn hộ chung cư Apec Diamond Park Lạng Sơn - tổ hợp thương mại dịch vụ, căn hộ và khách sạn 5 sao nằm cạnh QL1A, thuộc thôn Phai Duốc, xã Mai Pha, TP Lạng Sơn; tổng vốn hơn 1.000 tỷ đồng.

Vincom Lạng Sơn đi vào hoạt động từ năm 2018.

Vincom Lạng Sơn đi vào hoạt động từ năm 2018.

Tháng 8/2021, IDJ tiếp tục được Lạng Sơn cho phép tổ chức lập Quy hoạch chi tiết Khu đô thị sinh thái Yên Trạch, huyện Cao Lộc tỷ lệ 1/500. Đây là Dự án được UBND tỉnh duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng từ năm 2019. Quy mô khoảng 64,03 ha; dân số dự kiến khoảng 4.000 – 5.500 người.

Trong năm 2021, ngoài Viglacera và IDJ thì Lạng Sơn còn tiếp nhận nhiều đề xuất khảo sát, quy hoạch dự án từ các “ông lớn” bất động sản khác. Đáng chú ý như Tập đoàn Tân Hoàng Minh – đơn vị vừa trở thành tâm điểm dư luận khi trúng thầu lô đất Thủ Thiêm với giá 2,43 tỷ đồng/m2.

Tập đoàn này và UBND tỉnh Lạng Sơn đã có ký kết thoả thuận về việc khảo sát lập, quy hoạch các dự án đầu tư tại thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc với tổng mức đầu tư dự kiến 12.500 tỷ đồng. Trong đó, dự án khu đô thị kết hợp công nghiệp, thương mại, dịch vụ khoảng 10.000 tỷ đồng và dự án khu đô thị kết hợp du lịch sinh thái cao cấp khoảng 2.500 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện được triển khai từ tháng 12/2021 đến tháng 12/2022.

Hay Công ty Cổ phần Tập đoàn Sovico. Tháng 6/2021, Sovico được UBND tỉnh Lạng Sơn cho phép tham gia hồi sinh Khách sạn – Sân golf Hoàng Đồng tại TP Lạng Sơn. Dự án được cấp phép lần đầu vào tháng 3/2004, tổng mức đầu tư 61 triệu USD nhưng bị chậm tiến độ suốt 17 năm.. Đến tháng 8, Sovico còn tiếp tục có văn bản đề xuất đầu tư dự án quy mô 1.000ha tại khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng.

FLC cũng để mắt tới Lạng Sơn từ lâu. Hồi đầu năm 2019, Tập đoàn này đã đề xuất đầu tư 3 dự án khu đô thị trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc. Tuy nhiên đến tháng 10/2021, tỉnh mới phê duyệt chủ trương lập quy hoạch 1 dự án là khu đô thị mới nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí Mai Pha - Yên Trạch, TP Lạng Sơn. Trước đó, cuối tháng 8, FLC tiếp tục có văn bản đề xuất nghiên cứu, tài trợ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị phía Nam Yên Trạch, huyện Cao Lộc.

Nhiều yếu tố hút đầu tư

Ngoài các doanh nghiệp trên, thời gian qua, nhóm bất động sản công nghiệp cũng rất tích cực đề xuất dự án gửi tới Lạng Sơn, như nhóm doanh nghiệp Đại An, Anh Phat Corp, Liên danh Tân Đại Nam - IDIC JSC. Có thể thấy thời gian tới, thị trường địa ốc tại tỉnh có nhiều cửa khẩu này sẽ vô cùng nhộn nhịp.

Lý giải về sức hút của Lạng Sơn, Hội môi giới bất động sản đánh giá, dù chịu ảnh hưởng bởi mức tăng giá của các khu vực ven đô Hà Nội, song mức tăng ở Lạng Sơn vẫn ở trong khoảng “dễ chịu” và “mềm”. Trong khi quỹ đất tại các thành phố trung ương như Hà Nội và TP HCM đang ngày càng thu hẹp thì Lạng Sơn chính là một trong những điểm đến lý tưởng.

Lạng Sơn có đường biên giới giáp với Quảng Tây - Trung Quốc, 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia, 9 cửa khẩu phụ và các cặp chợ biên giới. Với đặc điểm đó, tỉnh được đánh giá là một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của khu vực và thủ đô.

Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị.

Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị.

Một yếu tố thu hút nhà đầu tư khác là những năm qua, Lạng Sơn liên tiếp hình thành nhiều dự án đô thị quy mô. Nổi bật trong số đó là khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn với diện tích 394 km2. Khu kinh tế này được xác định là vùng kinh tế động lực chủ đạo, giúp phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ, gắn liền với sự phát triển của khu kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Thực tế, sau 12 năm kể từ ngày phê duyệt đề án, khu kinh tế Đồng Đăng – Lạng Sơn đã có 130 dự án trong nước, 21 dự án đầu tư nước ngoài. Khu kinh tế quy tụ được 3.100 doanh nghiệp và tổ chức kinh tế thực hiện xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm tại Lạng Sơn cũng tạo cú hích cho thị trường bất động sản nơi đây. Nổi bật là tuyến cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, sau khi thông xe đã trở thành tuyến đường huyết mạch quan trọng trong hành lang kinh tế, kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm.

Cuối cùng, phải dành lời khen cho Lạng Sơn khi rất chủ động trong việc đón sóng đầu tư từ các doanh nghiệp. Thời gian qua, tỉnh đã mời đầu tư 10 dự án nhà ở, du lịch quy mô lớn với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng; trong đó có 7 dự án tại TP Lạng Sơn, giai đoạn đến năm 2025.

Nổi bật là khu liên hợp thể thao TP Lạng Sơn quy mô 48 ha, 1.112 tỷ đồng tại xã Mai Pha, TP Lạng Sơn; khu liên hợp triển lãm quốc tế và thể thao phía Đông Bắc TP Lạng Sơn quy mô 80 ha, 1.500 tỷ đồng; khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hồ Nà Tâm tại TP Lạng Sơn 35 ha, mức đầu tư 200 tỷ đồng…

Cuối tháng 12/2021, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025, với ba khu đô thị gồm Khu đô thị sinh thái Nà Chuông - Bình Cằm quy mô điều chỉnh khoảng 825,03 ha; Khu vực đô thị sinh thái Yên Trạch, quy mô diện tích điều chỉnh khoảng 64,03 ha và Khu đô thị Mỹ Sơn diện tích lập quy hoạch khoảng 39,5 ha.
Cùng với đó là điều chỉnh quy hoạch cục bộ, điều chỉnh chức năng một số khu đất và bổ sung chức năng đất hỗn hợp, điều chỉnh quy hoạch hệ thống hạ tầng, quy hoạch xây dựng một cây cầu qua sông Kỳ Cùng…
Với thông tin này, dự đoán thời gian tới, thị trường bất động sản tại Lạng Sơn còn sôi động hơn nữa.

Tin liên quan

Đọc tiếp