Mảng bất động sản đột phá, Viglacera báo lãi gần 1.600 tỷ

DOANH NGHIỆP Việt nAM
16:06 - 07/01/2022
 Viglacera đạt lợi nhuận năm 2021 vượt kế hoạch.
Viglacera đạt lợi nhuận năm 2021 vượt kế hoạch.
0:00 / 0:00
0:00
Trong năm nay, lĩnh vực bất động sản đóng góp phần lợi nhuận lớn cho Viglacera. Trong đó bất động sản Khu công nghiệp tiếp tục là điểm sáng thúc đẩy sự tăng trưởng về kinh doanh.

Tổng công ty CP Viglacera (mã chứng khoán VGC, sàn HoSE) vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2021. Theo đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.575 tỷ đồng, tăng trưởng 88% so với năm 2020 và vượt 46% kế hoạch của cả năm. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ ước đạt trên 1.100 tỷ đồng, tăng 56% so với năm trước và vượt 20% kế hoạch đặt ra. Như vậy, đây là lần đầu doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận ròng đạt trên 1.000 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi thành lập.

Hồi đầu năm, Viglacera đặt mục tiêu đạt 12.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và kỳ vọng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.000 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ mục tiêu lãi trước thuế 750 tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ sau 9 tháng đầu năm 2021, VGC đã thực hiện được hơn 63% kế hoạch doanh thu và vượt 9% mục tiêu về lãi ròng cả năm.

Cụ thể, lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 cho thấy, doanh thu hợp nhất của Viglacera đạt 7.508 tỷ đồng, tăng 6% cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng doanh thu từ cho thuê bất động sản, hạ tầng khu công nghiệp ghi nhận 2.179 tỷ đồng, chiếm 29%. Ngoài ra, doanh thu bán gạch ốp lát đạt 1.751 tỷ đồng và từ các sản phẩm gạch, ngói đất sét nung ghi nhận 1.226 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận trước thuế đạt 1.043 tỷ đồng, lãi ròng ghi nhận 818 tỷ đồng.

Có thể thấy, lĩnh vực bất động sản đóng góp lợi nhuận lớn cho Viglacera. Ngoài ra, nhóm kính cũng có sự chuyển biến tích cực khi giá bán kính xây dựng tăng so với cùng kỳ. Đồng thời công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ (PFG) chính thức hoạt động từ đầu năm nay phát huy được hiệu quả và đem về thêm lợi nhuận cho công ty. Trong quý IV, VGC đã hoàn tất tăng tỷ lệ sở hữu tại công ty này lên 65%. PFG sau đó chuyển từ công ty liên kết thành công ty con của Viglacera kể từ ngày 1/10/2021.

Nhà máy Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ.

Nhà máy Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VGC cũng là một trong những mã "nổi sóng" năm 2021. Trong phiên 2/11, VGC chính thức xô đổ mức đỉnh 38.300 đồng hồi tháng 2, lên 42.000 đồng. Sau đó, cổ phiếu của Viglacera liên tục tăng tốc và leo lên tới 61.600 đồng (17/12). Hiện tại, VGC có giá 59.000 đồng.

Đạt hiệu quả cao từ kinh doanh bất động sản, Viglacera đang cho thấy tham vọng lấn sâu vào lĩnh vực này khi liên tiếp đề xuất các dự án lớn vào các tỉnh. Hồi đầu tháng 12 vừa qua, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có buổi làm việc với VGC để nghe báo cáo về ý tưởng đầu tư dự án Tổ hợp Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Tây Phổ Yên tại thị xã Phổ Yên với quy mô khoảng 900 ha.

Sau khi nghe nhà đầu tư trình bày đề xuất dự án, lãnh đạo Thái Nguyên đã làm rõ các vấn đề liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... đồng thời đề nghị các sở, ngành và thị xã Phổ Yên tiếp tục phối hợp với nhà đầu tư, căn cứ các quy định, thực hiện quy trình nghiên cứu khảo sát và đầu tư trong giai đoạn tiếp theo.

Trước đó hồi tháng 10, Viglacera cũng có công văn gửi UBND tỉnh Lạng Sơn về việc đề xuất đầu tư Tổ hợp Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại huyện Hữu Lũng, quy mô khoảng 1.000 ha. Mới đây, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phản hồi với văn bản đồng ý về chủ trương cho Viglacera đầu tư khu công nghiệp có quy mô 560 ha; tuy nhiên phải đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp và quy hoạch sử dụng đất của tỉnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.