Gỡ khó về giao thông nhằm tận dụng triệt để tiềm năng kinh tế vùng ĐBSCL

giao thông ĐBSCL
16:06 - 01/06/2022
0:00 / 0:00
0:00
Được đánh giá cao về tiềm năng phát triển, tuy nhiên, hạ tầng giao thông yếu kém lại chính là nút thắt khiến ĐBSCL tới nay vẫn là vùng trũng về phát triển kinh tế - xã hội.

ĐBSCL là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước. Nơi đây đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây nên còn được gọi là vựa nông sản.

Tuy nhiên, hạ tầng giao thông nói chung và cao tốc nói riêng của khu vực này lại hết sức khiêm tốn. Hiện tại, tổng chiều dài cao tốc ở miền Tây chưa đến 100 km trong tổng số gần 1.240 km trên cả nước, khiến tính kết nối vùng nhiều điểm nghẽn.

Thu hút đầu tư khó khăn vì thiếu đường cao tốc

Dự án điện gió Đông Hải 1 trị giá 5.000 tỷ đồng của Trung Nam Group tại ĐBSCL. Nguồn: Biz Live.

Dự án điện gió Đông Hải 1 trị giá 5.000 tỷ đồng của Trung Nam Group tại ĐBSCL. Nguồn: Biz Live.

Chia sẻ tại Hội thảo "Xóa trắng cao tốc, phát huy lợi thế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 31/5 vừa qua, ông Đỗ Văn Kiên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam cho biết, thời gian qua, Trung Nam đã hoàn thành đầu tư hai dự án điện lớn tại tỉnh Trà Vinh. Quá trình triển khai dự án đi qua nhiều tỉnh, thành đã bộc lộ rõ nhiều thực trạng về giao thông.

Theo ông Kiên, dù có nhiều lợi thế để triển khai các dự án năng lượng nhưng giao thông chính là nút thắt khiến việc thu hút các nhà đầu tư cực kỳ khó khăn. Đặc biệt là khi vận chuyển các thiết bị siêu trường, siêu trọng trên các quốc lộ, các đường cong, cua trên các công trường, làm gia tăng chi phí lớn cho nhà đầu tư. Trong khi đó, các dự án năng lượng trong tương lai đòi hỏi yếu tố giao thông cả đường bộ, đường thủy và cảng biển phải được đảm bảo cả về số lượng và chất lượng.

Vì vậy, Phó Tổng Giám đốc Trung Nam kỳ vọng, nếu có thể hoàn thành các dự án giao thông theo đúng quy hoạch và tiến độ mà Chính phủ cũng như Bộ GTVT đã đề ra, các doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều cơ hội, tiết kiệm nhiều chi phí khi đầu tư các dự án năng lượng, công nghiệp, xuất nhập khẩu... đem lại nhiều nguồn lực đến với các tỉnh miền Tây.

Theo dữ liệu của Ngân hàng thế giới (World Bank) giai đoạn 2007-2017 cho thấy, nếu chất lượng hạ tầng giao thông vận tải Việt Nam tăng khoảng 10% thì thu hút đầu tư nước ngoài sẽ tăng 24%. Từ đó sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, nguồn nhân lực của khu vực ĐBSCL.

Quá trình phát triển hạ tầng giao thông vận tải của Việt Nam đã được cải thiện thời gian qua nhưng so với nhiều nước trong khu vực và thế giới còn thua xa. Vì thế, doanh nghiệp sẽ bất lợi hơn trong cạnh tranh, nhất là về chỉ tiêu logistics.

Riêng chi phí logistics của Việt Nam chiếm 20,8% là mức cao hàng đầu trên thế giới nên doanh nghiệp xuất khẩu kém cạnh tranh. Ước tính, khi chi phí vận chuyển giảm 1% thì nhà xuất khẩu sẽ tăng thị phần lên 5 - 8%.

Như vậy, cải thiện hệ thống giao thông vận tải sẽ giúp lưu thông hàng hóa giữa TP HCM với khu vực ĐBSCL rất nhiều.

Cùng bàn về vấn đề này, TS Dương Như Hùng, Trường Đại học Bách khoa TP HCM nhận định, hiện tỷ lệ đường cao tốc và quốc lộ tại khu vực Tây Nam bộ và Đông Nam bộ không tương xứng với diện tích, mật độ dân số và tăng trưởng GRDP.

"Vì vậy, việc cải thiện hạ tầng giao thông vận tải sẽ giảm chi phí logistics, tăng thu hút đầu tư nước ngoài, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và góp phần tăng trường kinh tế địa phương", TS Dương Như Hùng nhấn mạnh.

Tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ mang tính chất "lột xác" cho miền Tây

Đánh giá về khu vực ĐBSCL, Chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch nhận định ĐBSCL vẫn là vùng trũng của sự phát triển chung về kinh tế - xã hội. Nguyên nhân chính theo TS. Trần Du Lịch là do hạ tầng giao thông yếu kém.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ khá tập trung phát triển đầu tư hạ tầng giao thông vùng Nam bộ. Riêng tại ĐBSCL, đầu tư công chiếm khoảng 17% tổng đầu tư công của cả nước, dù đã được ưu tiên nhưng chỉ đạt mức trung bình, trước đó thấp hơn nhiều.

Vùng ĐBSCL có nối kết chiến lược và lâu dài với vùng Đông Nam bộ nhưng trong suốt thời gian dài chỉ dựa vào quốc lộ 1. Hệ thống giao thông thủy cũng không được khai thác tối đa lợi thế. Đặc biệt, yếu tố quyết định kết nối là đường sắt TP HCM - Cần Thơ đã được đề xuất từ rất lâu nhưng chưa thể triển khai.

Dự án đường sắt cao tốc TP HCM - Cần Thơ sẽ tạo đà phát triển kinh tế ĐBSCL
Dự án đường sắt cao tốc TP HCM - Cần Thơ sẽ tạo đà phát triển kinh tế ĐBSCL

"Hệ thống đường bộ kết nối theo cả trục dọc và trục ngang đã có trong quy hoạch của Bộ Giao thông Vận tải là rất đáng hoan nghênh nhưng chưa đánh giá đúng mức đường sắt nối TP HCM và Cần Thơ. Phải tập trung xây dựng hệ thống cao tốc từ Châu Đốc, Cà Mau, Kiên Giang về Cần Thơ, hình thành hub kinh tế, sau đó nối kết với TP HCM bằng hệ thống đường sắt. Đây là con đường chiến lược và vô cùng quan trọng để ĐBSCL phát triển" - ông đánh giá.

Đồng quan điểm, ông Trần Kim Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTGroup nhận định: "Tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ sẽ mang lại đột phá và sự phát triển cho khu vực miền Tây, mang tính chất lột xác cho miền Tây".

Theo đại diện CTGroup, đối tác của Tập đoàn này cũng đã có những chuẩn bị, Tập đoàn cũng có làm việc với các cổ đông có kinh nghiệm trong đường sắt thành công ở Malaysia và cũng là đơn vị làm tuyến đường sắt nối liền giữa Malaysia và Singapore. Về chi tiết cụ thể dự án, Tập đoàn CTGroup sẽ có báo cáo cụ thể với Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải.

“Khảo sát về giá thành vận tải, với đường bộ hiện nay tốc độ trung bình đối với hành khách từ 60-80 km/giờ, giá từ 800-1.000 đồng; còn đối với hàng hóa là 50 km/giờ, giá 1.800 đồng. Trong trường hợp đường sắt đi vào vận hành, tốc độ tối đa là 200 km/giờ, giá thành tăng hơn vận tải hành khách khoảng 5-10%. Để phát huy tối đa giá trị của đường sắt, ngoài giao thông, CTGroup đề xuất xung quanh những tuyến nhà ga kết hợp với quy hoạch phát triển khu công nghiệp cao, sản xuất công nghiệp, thương mại… để thấy được tiềm năng, giá trị của đường sắt”, ông Trần Kim Chung cho hay.

Dự án đường sắt cao tốc TP HCM - Cần Thơ dự kiến có chiều dài 174 km, tổng vốn đầu tư là 170.000 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 56.000 tỉ đồng qua 6 địa phương, 85.000 tỉ đồng xây lắp. Đường sắt hàng hóa bắt đầu từ ga An Bình, Dĩ An (Bình Dương), ga hành khách bắt đầu từ ga An Kiên (Bình Chánh) và điểm cuối cùng là ga Cái Răng (Cần Thơ). Tổng chiều dài 174 km đối với ga hàng hóa, 135 - 140 km đối với hành khách. Số lượng ga là 13 ga, qua các tỉnh Bình Dương, TP. HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ.

Dự án đường đường sắt TP HCM - Cần Thơ đã được nêu rõ tại Nghị quyết 120 /2017 của Chính phủ phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Quyết định 1769/2021 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quyết định 287/2022 phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.