Gói hỗ trợ lãi suất 40 nghìn tỷ đồng: Lo tiền khó đến tay doanh nghiệp

VĨ MÔ Việt nAM
15:22 - 07/01/2022
Gói hỗ trợ lãi suất 40 nghìn tỷ đồng: Lo tiền khó đến tay doanh nghiệp
0:00 / 0:00
0:00
TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết gói hỗ trợ lãi suất 40 nghìn tỷ mà Quốc hội đang bàn chỉ đơn thuần là hỗ trợ lãi suất chứ không phải hỗ trợ mở rộng các điều kiện tín dụng. Do đó, số lượng doanh nghiệp được vay theo gói này có thể không nhiều.

Đánh giá về hỗ trợ lãi suất quy mô 40 nghìn tỷ trong 2 năm là biện pháp tác động mạnh nhất trong Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên các đại biểu Quốc hội vẫn còn nhiều băn khoăn về gói hỗ trợ này. Có đại biểu cho rằng với mức hỗ trợ 2%, doanh nghiệp tiếp tục phải đi vay và trả mức lãi suất sau hỗ trợ dao động khoảng 6-7%, rất khó khả thi với nhiều lĩnh vực đang rất yếu như du lịch, giao thông… Đó là chưa nói đến khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp.

Trước những ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội, Mekong Asean đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia xoay quanh quy mô cũng như tính hiệu quả của gói hỗ trợ lãi suất 40 nghìn tỷ.

TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia

TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia

Từ góc độ chuyên gia tài chính, ông đánh giá ra sao về gói hỗ trợ lãi suất trị giá 40 nghìn tỷ trong dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ triển khai Chương trình phục hồi mà Chính phủ vừa trình Quốc hội?

Gói hỗ trợ lãi suất 40 nghìn tỷ trong 2 năm, như vậy mỗi năm 20 nghìn tỷ. Với mức hỗ trợ lãi suất 2%, đồng nghĩa mỗi năm sẽ có 1 triệu tỷ tín dụng giá rẻ được bơm ra nền kinh tế, 2 năm là 2 triệu tỷ.

Với quy mô tín dụng toàn nền kinh tế hàng năm khoảng 10 triệu tỷ/ năm như hiện nay, mức hỗ trợ lãi suất 1 triệu tỷ/ năm cũng không phải lớn. Hơn nữa, cũng chỉ những doanh nghiệp nào đảm bảo đủ các điều kiện tín dụng của ngân hàng thì mới được vay. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã công bố hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 rồi. Cho nên tôi cho rằng gói này không làm cung tín dụng bị mở rộng một cách thái quá không kiểm soát được, vượt trần của NHNN hay gây rủi ro lạm phát.

Về nguồn lực huy động cho gói này, nếu lấy từ ngân sách Nhà nước (NSNN) thì tốt nhất là phát hành trái phiếu Chính phủ, các ngân hàng thương mại mua. Ngân hàng thương mại mua không hết thì NHNN mua.

Đặc biệt, trong dự thảo Nghị quyết Chính phủ vừa trình Quốc hội thì có một câu hoàn toàn mới là cho phép các NHNN mua trái phiếu Chính phủ. Trước đây luật không cho điều đó, thì giờ đây dự thảo Nghị quyết mới đã mở ra cánh cửa này.

Ảnh tác giả

"Tôi đánh giá việc cho phép NHNN mua trái phiếu Chính phủ là điều mới nhất, tiến bộ nhất của dự thảo Nghị quyết này, nó giúp gỡ những nút thắt trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Bởi vì ta phải tính trong tương lai còn nhiều khủng hoảng cần huy động nguồn lực chứ đâu chỉ có mỗi khủng hoảng này".

TS. Lê Xuân Nghĩa

Thời gian qua, một số doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề kiến nghị về việc gặp khó khăn khi tiếp cận tín dụng do không đáp ứng đủ điều kiện nhận hỗ trợ tín dụng. Vậy gói hỗ trợ lãi suất sắp tới có giải quyết được vấn đề này không, thưa ông?

Đúng là nhiều doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn rất lớn về dòng tiền mà không tiếp cận được vốn, do khó khăn về tài sản đảm bảo hoặc có lịch sử nợ xấu được giãn hoãn. Thường thì những doanh nghiệp này không đủ điều kiện vay ngân hàng. Do vậy, lo ngại của họ về khả năng tiếp cận vốn trong Chương trình phục hồi tới đây, đặc biệt là gói hỗ trợ lãi suất nếu có cũng đúng thôi.

Có thể nói đến nay, số doanh nghiệp còn đủ điều kiện để vay tín dụng ngân hàng còn không nhiều, tức là các khoản vay mới sắp tới chắc chắn cũng không phải nhiều. Trong khi đó, gói hỗ trợ lãi suất đang đề xuất chỉ đơn thuần là hỗ trợ lãi suất chứ không phải hỗ trợ mở rộng các điều kiện tín dụng để doanh nghiệp vay được. Do đó, số lượng doanh nghiệp được vay theo gói này chắc là cũng không nhiều.

Nỗi lo lớn hơn là khi NHNN tuyên bố ngừng gói giãn hoãn nợ đang triển khai hiện nay thì tình cảnh doanh nghiệp chắc chắn sẽ khó khăn hơn.

Ảnh tác giả

"Nếu doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp cận tín dụng trước đây, rất có khả năng doanh nghiệp vẫn sẽ đứng ngoài cuộc trong gói hỗ trợ tín dụng mới của ngân hàng".

TS. Lê Xuân Nghĩa

Theo như ông nói, có phải gói hỗ trợ lãi suất này nhiều khả năng chưa thể giải bài toán khát vốn của doanh nghiệp? Vậy nếu triển khai gói này, ngành ngân hàng có thể cung cấp hỗ trợ gì thêm để gỡ phần nào nút thắt hay không?

Đúng vậy, tôi cho rằng gói hỗ trợ lãi suất này không thể trực tiếp hỗ trợ được cho những doanh nghiệp đang thực sự cần vốn để phục hồi lại sản xuất do rào cản điều kiện tín dụng.

Về phía ngân hàng, họ cũng không làm khác được. Ngân hàng khi cấp tín dụng phải đảm bảo đúng các điều kiện trong Luật các tổ chức tín dụng về an toàn tín dụng, phòng ngừa rủi ro tín dụng. Những quy định đó mang tính chất luật lệ rồi, không thể bỏ được.

Nhìn chung, ở các nước, họ ít sử dụng gói hỗ trợ lãi suất này. Chính phủ các nước thường đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp có khả năng phục hồi vay vốn bất luận doanh nghiệp có đủ điều kiện hay không. Chỉ khi Chính phủ bảo lãnh thì mới có "tiền tươi thóc thật" hỗ trợ doanh nghiệp.

Thêm nữa việc thực hiện gói này còn có nguy cơ đi ngược lại xu thế của thế giới, khi thế giới bắt đầu tăng lãi suất để trung hòa chính sách tiền tệ nới lỏng thì Việt Nam lại tìm các biện pháp giảm lãi suất. Do đó cần cân nhắc cả về hiệu quả và rủi ro khi quyết định thực hiện hỗ trợ lãi suất.

Nhiều đại biểu quan ngại chưa tung ra hỗ trợ nhưng thị trường chứng khoán đã sốt, giá bất động sản bị đẩy lên nhiều lần. Ý kiến của ông về nguy cơ Chương trình phục hồi nói chung và gói hỗ trợ lãi suất nói riêng làm phình to bong bóng tài chính và bất động sản?

Về bong bóng thị trường tài sản, đặc biệt bất động sản, thì tôi đánh giá đây là một rủi ro thực sự. Sau vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm, dường như có làn sóng sốt đất lan tỏa ra toàn quốc. Nhiều phiên đấu giá ở các tỉnh bị dừng lại vì đền bù giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Có hiện tượng giá đất đang bị đẩy lên rất ghê, có nơi lên không chỉ vài chục phần trăm mà hàng trăm phần trăm.

Trong khi đó, các dự án được cấp phép rất ít, làm trầm trọng thêm tình trạng nguồn cung hạn hẹp. Có dấu hiệu thị trường bất động sản bị lũng đoạn bởi hiện tượng độc quyền, độc quyền nhóm. Rồi hiện tượng đầu cơ thứ cấp, mua để đấy khiến bất động sản không đến tay người dùng cuối cùng. Giá treo trên trời trong khi giao dịch thực tế rất ít. Đây là dấu hiệu của bong bóng bất động sản bắt đầu xuất hiện.

Do đó, cần có các giải pháp từ NHNN và Chính phủ để kiềm chế sự nóng lên của thị trường bất động sản, nhất là khi bắt đầu thực hiện Chương trình phục hồi tới đây. Vì nguồn cơn vấn đề chủ yếu bắt nguồn từ tâm lý thị trường thôi.

Về thị trường chứng khoán có nóng lên trong thời gian qua, bên cạnh những rủi ro thì cũng cần thấy những điểm tích cực rằng thị trường được nâng đỡ bởi những yếu tố vĩ mô rất tốt: lạm phát thấp, lãi suất thấp, tỷ giá hối đoái ổn định, triển vọng phục hồi kinh tế khá tốt…

Trong thời gian tới, biện pháp đảm bảo ổn định thị trường là một mặt tạo điều kiện cho nhà quản lý tăng cường khả năng giám sát thị trường, thúc đẩy tính minh bạch thị trường, mặt khác cần giúp nhà đầu tư nhận ra rằng muốn tránh rủi ro thì cách tốt nhất không phải tháo chạy mà là đa dạng hóa danh mục đầu tư một cách khoa học trên nền tảng thông tin thị trường lành mạnh.

Ảnh tác giả

"Cần giúp nhà đầu tư nhận ra rằng muốn tránh rủi ro thì cách tốt nhất không phải tháo chạy mà là đa dạng hóa danh mục đầu tư một cách khoa học trên nền tảng thông tin thị trường lành mạnh".

TS. Lê Xuân Nghĩa

Vậy còn rủi ro lạm phát và nợ xấu thì sao, thưa ông?

Về lạm phát thì tôi nghĩ không có gì phải lo ngại. Lạm phát của năm 2022 phải có độ trễ đâu đó từ năm 2021. Trong khi năm 2021 lạm phát rất thấp, cả năm chỉ 1,84%, là mức rất thấp. Tăng trưởng tín dụng cũng chỉ ở mức 12,9%. Các gói kích thích kinh tế cũng rất nhỏ, không có khả năng tạo ra sức cầu lớn trong trung hạn. Do đó, lạm phát cầu kéo dù có cũng không đáng kể, không gây hiệu ứng lớn trong năm 2022.

Trên thị trường quốc tế, năm 2022, lạm phát dự kiến giảm nhẹ so với năm 2021, sức ép lạm phát nhập khẩu sẽ nhẹ nhàng hơn năm nay.

Nợ xấu thì là rủi ro lớn nhất. Con số chính thức cho thấy nợ xấu tiềm ẩn đâu đó khoảng 8%. Tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn 8% là một con số khổng lồ và rất có thể sẽ trở thành hiện thực khi NHNN ngừng chương trình giãn hoãn nợ.

Con số này thậm chí còn có nguy cơ lớn hơn do nhiều khoản nợ hiện đã được đảo nợ thông qua việc phát hành trái phiếu trong thời gian vừa qua. Theo đánh giá của một số tổ chức quốc tế, nợ xấu thực tế có thể lên tới 10%. Đây là vấn đề cần được đánh giá nghiêm túc và có chiến lược xử lý mang tính trung hạn chứ không làm nhanh được.

Ảnh tác giả

"Theo đánh giá của một số tổ chức quốc tế, nợ xấu thực tế có thể lên tới 10%. Đây là vấn đề cần được đánh giá nghiêm túc và có chiến lược xử lý mang tính trung hạn".

TS. Lê Xuân Nghĩa

Thêm nữa, cần nhớ rằng rủi ro nợ xấu gắn liền với thị trường bất động sản. Cho nên nếu ta kiểm soát được thị trường bất động sản, để thị trường này phát triển ổn định và lành mạnh thì việc xử lý nợ xấu có thể bớt đi nhiều trở ngại. Ngược lại, nếu để bong bóng bất động sản hình thành và vỡ thì cả thị trường nhà đất trở về tình trạng đóng băng, nợ xấu ngân hàng khi đó có thể trở thành một rủi ro đe dọa cả hệ thống tài chính.

Tức là cần rà soát toàn bộ trái phiếu bất động sản cũng như tín dụng có liên quan đến bất động sản để có lộ trình từng bước xử lý nợ xấu. Ngoài ra, cần kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng của thị trường bất động sản vì nó chính là tài sản đảm bảo của các món nợ xấu đó. Một khi thị trường bong bóng và đóng băng thì giá trị tài sản đảm bảo của các món nợ này sẽ tụt dốc còn rất thấp, vô cùng nguy hiểm cho an toán hệ thống ngân hàng.

Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan

Đọc tiếp