Hai tháng đầu năm, sản xuất và tiêu dùng nhiều tín hiệu sáng

VĨ MÔ Việt nAM
13:22 - 28/02/2022
Hai tháng đầu năm, sản xuất và tiêu dùng nhiều tín hiệu sáng
0:00 / 0:00
0:00
Trong tháng 2/2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính giảm 12,4% so với tháng trước nhưng tăng 8,5% so với cùng kỳ 2021. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bật tăng tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất công nghiệp tăng 5,4% trong 2 tháng đầu năm

Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố sáng 28/2, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2 ước tính giảm 12,4% so với tháng 1, tuy nhiên khởi sắc rực rỡ so với cùng kỳ năm ngoái với mức tăng 8,5%. Trong đó, mức giảm lớn nhất thuộc về ngành khai khoáng (-4,1%). Bù lại, ngành chế biến, chế tạo tăng 10%; sản xuất và phân phối điện tăng 8%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,8%.

Xét theo địa phương, trong tháng 2, chỉ số IIP tăng ở 56/63 địa phương và 7/83 địa phương còn lại giảm. Trong đó 5 địa phương có sản lượng công nghiệp cao nhất lần lượt là Hà Giang, Kon Tum, Lai Châu, Hải Dương, Bắc Giang.

10 địa phương có sản lượng công nghiệp cao nhất trong tháng 2 (Nguồn: GSO)

10 địa phương có sản lượng công nghiệp cao nhất trong tháng 2 (Nguồn: GSO)

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/2/2022 tăng 1,2% so với cùng thời điểm tháng 1 và tăng 1,3% so với cùng thời điểm năm 2021.

Trong đó, xét theo khu vực, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,1% so với tháng 1 và giảm 3% so với năm 2021, doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,8% và giảm 3,4%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,6% và tăng 3,4%.

Xét theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 0,2% so với cùng thời điểm tháng trước nhưng giảm 1,6% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 1,3% và tăng 1,5%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 0,5% và tăng 0,1%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,2% và tăng 0,7%.

Tính chung 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,4% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, ngành chế biến chế tạo tiếp tục chứng minh vai trò dẫn dắt khu vực công nghiệp với mức tăng 6,1% so với năm 2021, đóng góp 5,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng khả quan 6,5%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung và ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,5%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm. Riêng ngành khai khoáng ghi nhận mức giảm 2,8%, làm giảm 0,44 điểm phần trăm trong chỉ số IIP chung.

Dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành phục hồi rõ rệt

Do hiệu ứng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng và mua sắm của người dân trong tháng 2 vừa qua chững lại phần nào so với tháng 1. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 421,83 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 7,1% so với tháng 1 nhưng tăng 3,1% so với cùng kỳ 2021.

Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 338,88 nghìn tỷ, chiếm 80,3%. Tổng thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 41,5 nghìn tỷ, chiếm 9,8% và tăng 12,6% so với năm ngoái, tổng thu từ dịch vụ lữ hành đạt 999 tỷ, chiếm 0,24% và tăng 39,4%. Còn lại 40,45 nghìn tỷ là thu từ các dịch vụ tiêu dùng khác.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 876 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 0,3%.

Trong đó, xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 2 tháng đầu năm tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái ở các nhóm hàng vật phẩm văn hoá, giáo dục (tăng 12,7%); lương thực, thực phẩm (tăng 9,0%); phương tiện đi lại (tăng 4,3%) và giảm ở nhóm hàng may mặc (giảm 8,1%); đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình (giảm 9,1%).

Xét theo địa phương, doanh thu bán lẻ hàng hóa 2 tháng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái ở một số địa phương như Bình Dương (tăng 15,2%), Quảng Ninh (tăng 13,1%), Hà Nội (tăng 9,3%), Đồng Nai (tăng 9,1%), Hải Phòng (tăng 8,9%)... nhưng giảm mạnh ở Đà Nẵng (giảm 21,9%).

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 2 tháng đầu cũng ghi nhận tín hiệu phục hồi mạnh mẽ ở một số tỉnh như Bắc Ninh (tăng 39,6%), Khánh Hòa (tăng 22,1%), Bình Định (tăng 20,1%), Phú Yên (tăng 17,5%) và Hà Nội (tăng 12,7%).

Đặc biệt là sự phục hồi bứt phá của doanh thu du lịch lữ hành 2 với mức tăng ngoạn mục, tiêu biểu là Khánh Hòa (tăng 466,2%) hay Lạng Sơn (tăng 16,3%).

Trước đó, trong báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô đầu năm 2022, VSBC dự báo cầu tiêu dùng có thể phục hồi rõ nét hơn trong các tháng tiếp theo cùng với đà phục hồi chung của nền kinh tế. Ngoài ra, tăng trưởng chi tiêu công cũng có thể tạo động lực tích cực kích thích chi tiêu tiêu dùng của người dân. Cầu tiêu dùng phục hồi được xem là một trong những bệ đỡ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.