Hệ lụy từ việc ‘cá mập’ mua bán cổ phiếu chui

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
09:34 - 12/01/2022
Nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ mang tâm lý lo lắng nếu "cá mập" xả hàng mà không báo trước.
Nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ mang tâm lý lo lắng nếu "cá mập" xả hàng mà không báo trước.
0:00 / 0:00
0:00
Các lãnh đạo, cổ đông lớn của công ty thường nắm lượng lớn cổ phiếu của doanh nghiệp. Nếu họ giao dịch mà không báo trước sẽ khiến thị trường rung lắc mạnh, khiến những nhà đầu tư nhỏ lẻ trở tay không kịp.

Vụ việc “bán chui” cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC thành để tài nóng trên thị trường chứng khoán mấy hôm nay. Tuy nhiên đây không phải trường hợp đầu tiên. Ngay bản thân ông Quyết cũng từng bị xử phạt hành chính 65 triệu đồng về hành vi tương tự. Còn thực tế, số lãnh đạo, cổ đông doanh nghiệp thực hiện giao dịch chui không phải hiếm.

Mới đây nhất, ngày 10/01, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có quyết định xử phạt đối với bà Nguyễn Thị Thanh Hương do hành vi bán chui cổ phiếu của CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử - Viễn thông (ELC). bà Hương là chị của bà Nguyễn Thị Thanh Thủy - Thành viên HĐQT ELC, thuộc diện người liên quan đến người nội bộ. Tuy nhiên khi giao dịch cổ phiếu ELC trong tháng 7 và tháng 8/2021, bà Hương lại không công bố thông tin đăng ký giao dịch.

Thaiholdings từng bị xử phạt vì mua bán chui cổ phiếu LPB.

Thaiholdings từng bị xử phạt vì mua bán chui cổ phiếu LPB.

Cụ thể, các giao dịch của bà Hương thực hiện trong khoảng thời gian trên gồm mua 100.000 cổ phiếu ELC trong phiên 02/07, bán 20.000 cổ phiếu trong phiên 11/08, bán 15.000 cổ phiếu trong phiên 12/08 và cuối cùng là bán 65.000 cổ phiếu trong phiên 13/08. Với vi phạm này, bà Hương bị phạt hành chính số tiền 80 triệu đồng.

Theo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, trong năm 2021, cơ quan này đã xử phạt hơn 303 vụ vi phạm công bố thông tin, làm giá, thao túng cổ phiếu… trên thị trường chứng khoán. Đáng chú ý như vụ CTCP Thaiholdings mua bán chui cổ phiếu LPB của Ngân hàng LienVietPostBank. Hai đơn vị này đều có liên quan đến bầu Thụy. Cụ thể, Thaiholdings đã mua 145.600 cổ phiếu LPB vào ngày 6/5, bán 719.400 cổ phiếu LPB vào ngày 16/6 nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch. Vụ này, Thaiholdings bị phạt 260 triệu đồng.

Tuy nhiên, vụ mua bán chui cổ phiếu gây chú ý nhất trong năm 2021 phải kể đến là của ông Trần Văn Bê - anh rể một lãnh đạo Ngân hàng VPBank. Theo đó, ông Bê đã mua hơn 1,48 triệu cổ phiếu VPB, bán 59.000 cổ phiếu VPB trong tháng 1/2021; mua hơn 1,88 triệu cổ phiếu VPB trong tháng 2/2021; mua 59.000 cổ phiếu VPB ngày 3/3/2021 nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch. Với hành vi này, ông Bê đã bị phạt 940,35 triệu đồng, đồng thời bị đình chỉ giao dịch chứng khoán trong 4 tháng. Quyết định có hiệu lực từ ngày 23/7/2021.

“Cá mập” âm thầm xả hàng, “cá con” dễ chết

Chuyện phạt giao dịch cổ phiếu “chui” không phải mới, hầu như năm nào cũng có. Tuy nhiên điều đáng bàn là những cá nhân, tổ chức bị phạt trên đều không phải là F0 hay “tay mơ” với thị trường. Họ là doanh nghiệp, là những nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không thể không nắm rõ luật. Phải chăng vì họ thờ ơ với quy định đăng ký thông tin? Hay chứng tỏ mức phạt này không có ý nghĩa với những cá nhân, tổ chức vi phạm và chưa đủ răn đe so với lợi ích họ có thể đạt được từ các giao dịch "chui" đã thực hiện?

Thường thì các lãnh đạo, cổ đông nắm lượng lớn cổ phiếu doanh nghiệp. Vì vậy sự mua vào hay bán ra của họ đều có tác động nhất định đến thị trường. Đặc biệt vào thời điểm thị giá cổ phiếu bứt phá, nếu các “cá mập” âm thầm tung hàng ra thị trường sẽ khiến các nhà đầu tư đua nhau “ôm hàng”. Nhưng sau đó, lượng cung vượt quá cầu tất yếu làm thị trường đảo chiều.

Thêm nữa, sau khi thông tin bại lộ, nhà đầu tư lại lo lắng không biết doanh nghiệp có vấn đề gì mà lãnh đạo/cổ đông lớn lại phải “thoát hàng”. Từ đó, tâm lý “tháo chạy” khiến cổ phiếu lại nhanh chóng tụt dốc, khiến những người không kịp bán ra chỉ còn nước... ôm mặt.

FLC và cả "người em" ROS đều giảm mạnh do tâm lý "tháo chạy".

FLC và cả "người em" ROS đều giảm mạnh do tâm lý "tháo chạy".

Dễ thấy nhất như vụ FLC mới đây. Trong phiên 10/1, một số lượng thanh khoản xấp xỉ 135 triệu cổ phiếu, mã này đã mất đi 6,2% thị giá. Sang phiên 11/1, thông tin Chủ tịch FLC âm thầm bán ra 74,8 triệu cổ phiếu nổ ra khiến nhà đầu tư đua nhau “tháo chạy”. Kết quả là lượng thanh khoản lại đạt kỷ lục mới – 155 triệu cổ phiếu; thị giá của mã này tiếp tục giảm 5,9%. Tính ra 2 phiên, FLC “bay màu” 13,1%. Nếu trong các phiên tiếp theo, nhà đầu tư vẫn mang tâm lý “bán tháo” thì không biết thị giá mã này còn thê thảm như thế nào. Và người bị thiệt hại nhiều nhất chính là những “cá con” chạy chậm.

Điều nguy hiểm hơn là việc không thông báo giao dịch với mục đích thao túng giá cổ phiếu. Ví dụ nhà đầu tư cá mập thông báo mua vào một lượng lớn khiến các nhà đầu tư theo xu hướng đầu cơ cũng chạy theo, đẩy giá cổ phiếu lên cao. Khi thị giá đã đạt mức đỉnh, các “cá mập” này lại âm thầm tuồn ra thị trường để chốt lời. Hành vi như thế này không phải là chưa có.

Thị trường Việt Nam đang có bước tiến mới trong lộ trình nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi. Vừa qua, chúng ta cũng chính thức đưa vào hoạt động Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) - cơ quan đầu mối quản lý chung thị trường chứng khoán Việt Nam. Vì vậy, việc minh bạch về thông tin đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng sân chơi lành mạnh, thu hút nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Tin liên quan

Đọc tiếp