Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại hai đầu cầu Hà Nội và TP HCM kết hợp với trực tuyến trên nền tảng Zoom.
Phát biểu tại hội nghị ngày 19/3, từ đầu cầu TP HCM, Chủ tịch VALOMA Mai Xuân Thiệu đã khẳng định tầm quan trọng của logistics trong nền kinh tế Việt Nam và nhấn mạnh xu thế phát triển mạnh mẽ của ngành logistics trong thời gian gần đây.
Cũng theo TS Mai Xuân Thiệu, với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, ngành logistics đang có yêu cầu cao cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực. “Nhận thức rõ điều đó, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam luôn luôn quan tâm và hợp tác với tất cả hội viên, các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo ngành logistics dưới mọi hình thức để phát triển nguồn nhân lực logistics Việt Nam”, ông Thiệu nhấn mạnh.
Tại đầu cầu Hà Nội, báo cáo về tình hình hoạt động của hiệp hội trong năm vừa qua, PGS. TS. Trịnh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch VALOMA cho biết, năm 2022 được coi là một năm khá thành công đối với hiệp hội khi có nhiều điểm sáng tích cực.
PGS. TS. Trịnh Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch VALOMA báo cáo tổng kết hoạt động của hiệp hội trong năm 2022. Nguồn: VALOMA. |
Cụ thể, về công tác phát triển hội viên, hiệp hội kết nạp thêm 62 hội viên mới, nâng tổng số hội viên hiện có lên 351 hội viên, bao gồm 50 hội viên tổ chức doanh nghiệp, 49 hội viên tổ chức cơ sở đào tạo và 252 hội viên cá nhân hoạt động trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng cũng như các hoạt động liên quan khác.
Về các hoạt động cụ thể, trong năm qua, với điều kiện tổ chức linh hoạt, hiệp hội đã thành công khi chủ trì và phối hợp tổ chức nhiều chương trình, hội thảo, hoạt động ý nghĩa thiết thực. Trong đó có chuỗi sự kiện VALOMA Confest (bao gồm Hội chợ việc làm ngành logistics kết nối được 21 doanh nghiệp với sinh viên các trường hội viên nhằm cung cấp thông tin chuyên sâu về thị trường tuyển dụng trong ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng; Hội thảo quốc gia với chủ đề Công nghệ số ngành logistics; Hội thảo quốc gia CLSCM 2022 được tổ chức lần thứ hai tại Đà Nẵng và dự kiến sẽ tiếp tục phát triển thành một hội thảo thường niên đặc trưng của hiệp hội…);
Ba tọa đàm kết nối doanh nghiệp và cơ sở đào tạo; 9 đoàn tham quan thực tế cho cả doanh nghiệp, giảng viên và sinh viên; biên soạn Báo cáo Đào tạo Logistics... Một sự kiện thường niên mang tính đặc trưng của hiệp hội cũng được tổ chức thành công trong năm vừa qua là Cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam năm 2022 (VYLT 2022), với sự mở rộng quy mô cũng như số lượng đội thi và cải tiến cách thức tổ chức cuộc thi.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được trong năm 2022, TS. Đinh Lê Hải Hà, Trưởng ban Đào tạo chia sẻ với các Hội viên trong công tác biên soạn Báo cáo Đào tạo Logistics 2022 vẫn gặp khó khăn về mặt thời gian, dữ liệu khảo sát… Do đó, TS Đinh Lê Hải Hà kiến nghị cần có sự hỗ trợ tích cực từ Hội viên trong việc đóng góp nhân lực viết báo cáo, kiểm định đào tạo, tài trợ nguồn lực.
Ngoài ra, nhiều đại diện từ cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cũng sẵn sàng chia sẻ quan điểm mang tính xây dựng trong phần tham luận chung. Các ý kiến đánh giá cao sự hỗ trợ của hiệp hội trong hoạt động nâng cao kiến thức, kết nối tham quan thực tiễn, trao đổi kinh nghiệm đào tạo và sử dụng nhân lực logistics.
Tuy nhiên, do còn hạn chế về nguồn lực nên còn nhiều khó khăn trong việc kết nối với hội viên ở vùng xa, kết nối các hội viên mới; Còn thiếu vắng những hoạt động hợp tác quốc tế… Có rất nhiều đề xuất từ phía các hội viên được đưa ra như thành lập nhóm chuyên gia, nhóm doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ cơ sở đào tạo để hội viên dễ dàng liên hệ.
Đề xuất phương hướng phát triển hiệp hội trong thời gian tới, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch danh dự VALOMA cho rằng cần quan tâm nhiều hơn tới việc củng cố, kiện toàn bộ máy của hiệp hội, thu hút được những hội viên nhiệt tình, có năng lực, có thời gian để tham gia, đảm nhiệm những vị trí chủ chốt trong bộ máy Lãnh đạo và các Ban chuyên môn của hiệp hội; Tạo niềm tin và động lực để hội viên cống hiến cho hiệp hội, cho sự nghiệp phát triển nhân lực logistics.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch danh dự VALOMA đề xuất phương hướng phát triển hiệp hội trong năm 2023. Nguồn: VALOMA. |
Đề xuất, xây dựng cho được một Kế hoạch hoạt động trong năm 2023 và đến hết nhiệm kỳ, với những nhiệm vụ đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của các hội viên nhưng cũng phải có tính khả thi, thực tế khi triển khai thực hiện.
Tiếp tục tạo ra những hoạt động gắn kết hội viên, thúc đẩy liên kết hội viên dưới nhiều hình thức như giữa nhà trường với nhà trường, nhà trường với doanh nghiệp và đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo.
Cũng theo ông Trần Thanh Hải, bản thân các hội viên cũng cần phát huy hơn nữa tính chủ động của mình, đề xuất các sáng kiến, góp ý với hoạt động của hiệp hội; Tham gia vào hoạt động trong các Ban chuyên môn của hiệp hội, qua đó mở rộng quan hệ hợp tác, nâng cao kiến thức và giúp cho các Ban chuyên môn của hiệp hội hoạt động hiệu quả, đa dạng hơn.
Bên cạnh đó, cần dành sự quan tâm cho các em sinh viên, đặc biệt là Mạng lưới Câu lạc bộ Logistics Sinh viên Việt Nam, tin tưởng giao cho các em một phần công việc của hiệp hội, mặt khác khuyến khích, hỗ trợ các em có những hoạt động riêng của mình, phù hợp với tinh thần tuổi trẻ.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Hiệp hội VALOMA đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với 2 đối tác là Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh và Quỹ Hỗ trợ phát triển Thanh niên.