Hiệu quả từ cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN

Hải quan số hóa
10:39 - 03/07/2022
Thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu đã giảm nhiều so với trước. Ảnh: TCHQ
Thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu đã giảm nhiều so với trước. Ảnh: TCHQ
0:00 / 0:00
0:00
Với vai trò là Cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, trong thời gian vừa qua Tổng cục Hải quan đã có nhiều nỗ lực điều phối và thực hiện.

Theo báo cáo tình hình công tác tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Hải quan công bố ngày 1/7, tính đến ngày 15/6/2022, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 249 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối, với trên 4,92 triệu bộ hồ sơ của hơn 54.800 doanh nghiệp.

Về Cơ chế một cửa ASEAN, đến nay, Việt Nam đã thực hiện trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D bản điện tử (e-C/O form D) với 9 nước ASEAN: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào, Phillipine.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan đang phối hợp với Ban thư ký ASEAN và các nước ASEAN để triển khai kết nối trao đổi tờ khai Hải quan ASEAN theo đúng kế hoạch, lộ trình chung của ASEAN: Hiện triển khai kết nối thử nghiệm theo kế hoạch của ASEAN. Tiếp sau đó sẽ chuẩn bị các yêu cầu liên quan để kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật trong năm 2022.

Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN đã giúp giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, làm thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành; đồng thời đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Trong năm 2018, việc trao đổi chính thức thông tin e-C/O đã tiết kiệm 7,89 triệu USD, trong đó tiết kiệm 2,95 triệu USD đối với hàng nhập khẩu và 4,94 triệu USD đối với hàng xuất khẩu.

Nhận thức việc tiếp cận và chủ động ứng dụng những công nghệ mới nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là chìa khóa để tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa hải quan, Tổng cục Hải quan đã nghiên cứu và từng bước ứng dụng các công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong quản lý nhà nước về hải quan như công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT); phân tích dữ liệu lớn (BI); công nghệ di động (mobile platform); công nghệ chuỗi khối (blockchain).

Đẩy mạnh Hải quan số. Ảnh: TCHQ

Đẩy mạnh Hải quan số. Ảnh: TCHQ

Thu NSNN từ xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt 226.588 tỷ đồng

Trong tháng 6 năm 2022, thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 65,01 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước (tương ứng tăng 1,48 tỷ USD). Trong đó, trị giá xuất khẩu ước đạt 32,64 tỷ USD, tăng 5,6% (tương ứng tăng 1,73 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu ước đạt 32,37 tỷ USD, giảm 0,8% (tương ứng giảm 246 triệu USD).

Tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 371,2 tỷ USD, tăng 16,4%, tương ứng tăng 52,17 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó xuất khẩu ước đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% (tương ứng tăng 27,37 tỷ USD) và nhập khẩu ước đạt 185,23 tỷ USD, tăng 15,5% (tương ứng tăng 24,8 tỷ USD).

Như vậy, trong tháng 6 cả nước ước xuất siêu 276 triệu USD. Tính đến hết 6 tháng/2022, cả nước ước tính xuất siêu 710 triệu USD.

Số thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu trong tháng 6/2022 sơ bộ là 38.810 tỷ đồng. Tổng thu 6 tháng đầu năm 2022 đạt 226.588 tỷ đồng đạt 64,4% dự toán, đạt 61,2% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới diễn ra với nhiều phương thức, như: không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng trong và ngoài nước; chuyển giá, xuất khống để hoàn thuế VAT.

Kết quả từ ngày 16/12/2021 đến 15/6/2022, ngành Hải quan đã trực tiếp và phối hợp phát hiện, bắt giữ và xử lý: 7.183 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 3.771 tỷ 924 triệu đồng, Cơ quan Hải quan khởi tố 24 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 55 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước: 204 tỷ 729 triệu đồng.

Phấn đấu đạt 95% mức độ hài lòng của người dân vào năm 2030

“Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030” vừa được Chính phủ phê duyệt ngày 20/5, định hướng xây dựng Tổng cục Hải quan chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh.

Theo đó, Tổng cục Hải quan đặt mục tiêu sớm hoàn thành Hải quan thông minh với 100% hồ sơ nghiệp vụ kiểm soát hải quan cơ bản được số hóa. Phấn đấu mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan đạt 95% trở lên đối với các chỉ tiêu chính thuộc các nội dung: Tiếp cận thủ tục hành chính hải quan, thực hiện thủ tục hành chính hải quan, sự phục vụ của công chức hải quan.

Cùng với đó là mục tiêu 100% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đối với các loại hình cơ bản được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử, tiến tới được số hóa; 100% cảng, cửa khẩu quốc tế trọng điểm được triển khai hệ thống quản lý giám sát hàng hóa tự động, trang bị hệ thống soi chiếu hàng hóa, hành lý, hệ thống giám sát camera và các thiết bị hỗ trợ trong công tác kiểm tra, giám sát hải quan.

Kết quả, hình ảnh, thông tin được truyền trực tiếp về trung tâm xử lý tập trung của cơ quan Hải quan và chia sẻ thông tin với các Bộ, Ngành và các đơn vị có liên quan tại cửa khẩu.

Nâng cao hiệu quả quản lý nợ thuế, phấn đấu 100% các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu phát sinh nợ thuế được theo dõi, cập nhật tự động trên hệ thống điện tử của cơ quan Hải quan.

Tin liên quan

Đọc tiếp