Hơn 32.000 tỷ đồng đổ vào chứng khoán, VIC tăng trần phiên thứ hai liên tiếp

VIC VN INDEX
16:07 - 01/08/2023
Đa số các nhóm ngành kết phiên trong sắc đỏ.
Đa số các nhóm ngành kết phiên trong sắc đỏ.
0:00 / 0:00
0:00
VIC tăng trần nhưng cũng không “đỡ” nổi lực bán tung ra xối xả vào cuối phiên. VN-Index điều chỉnh ở vùng giá cao là tất yếu nhưng nhà đầu tư cũng cần thận trọng.

VN-Index mở cửa phiên 1/8 tiếp tục duy trì hưng phấn từ hôm qua. Chỉ số duy trì sắc xanh tới tận sát giờ đóng cửa, có lúc tăng gần 10 điểm. Tuy nhiên vào những phút cuối, lực bán tung ra mạnh mẽ khiến thị trường nhanh chóng quay đầu. Kết phiên, VN-Index giảm hơn 5 điểm về mốc 1.217,56 điểm. HNX cũng giảm 0,2 điểm còn UPCoM tăng 0,86 điểm.

Thanh khoản lập kỷ lục mới với gần 32.500 tỷ đồng được giao dịch, riêng kênh khớp lệnh là hơn 28.000 tỷ đồng. Đây là mức thanh khoản chỉ xuất hiện hiếm hoi hồi cuối năm 2021, trong các phiên giao dịch sôi động khi thị trường đang trong giai đoạn hưng phấn.

Khối ngoại dường như vẫn đứng ngoài sự sôi động của thị trường. Họ vẫn giao dịch ở mức trung bình với hơn 3.000 tỷ đồng, bán ròng gần 200 tỷ đồng trên sàn HoSE. VIC bị bán ròng mạnh nhất gần 120 tỷ đồng. HPG cũng bị bán ròng trên 100 tỷ đồng, VHM bị bán ròng 94 tỷ đồng. Tiếp theo là CTD 88 tỷ đồng, KBC, PVT hơn 40 tỷ đồng.

Chiều mua, khối ngoại phiên thứ hai liên tiếp gom mạnh MSB, giá trị mua ròng gần 170 tỷ đồng. PNJ cũng được mua ròng trên 100 tỷ đồng. Dòng tiền nước ngoài còn chú ý tới DCM, HSG, HDP, DPM, SHB, MSN, VPB…

VN30 giảm mạnh gần 9 điểm, hầu hết các mã đều đóng cửa trong sắc đỏ. Giảm mạnh nhất là NVL với tỷ lệ 5,6%. Mã này vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 53 triệu đơn vị được khớp lệnh. MWG và PDR giảm gần 4%. HPG, BCM, SSI, VNM giảm hơn 2%.

VIC là trụ lực chính của bên mua khi tăng trần phiên thứ hai liên tiếp lên mức giá 58.900 đồng/cp. Đây là vùng giá cao nhất của cổ phiếu Vingroup kể từ tháng 1 năm nay. Chiều tăng còn có HDB, CTG, BID, SAB, TPB.

Lực bán áp đảo trên diện rộng nên xét theo nhóm ngành chỉ có ngân hàng giữ được sắc xanh nhiều nhất, chỉ có 8 mã giảm giá là VCB, VPB, VIB, VBB, TCB, SHB, OCB, ACB. Giảm mạnh nhất là VBB -1,5%, còn lại chỉ điều chỉnh dưới 1%. Chiều tăng đáng chú ý là SGB +11,5%. Từ đầu tháng 7 tới nay, cổ phiếu của Saigonbank đã tăng 23%, vượt trội so với nhóm ngân hàng.

Quý 2/2023, Saigonbank ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt gần 48 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, ngân hàng mang về 183 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 4% so với cùng kỳ; tương ứng thực hiện 61% kế hoạch lợi nhuận năm (dự kiến đạt 300 tỷ đồng).

Tại các nhóm ngành khác, sắc đỏ lấn át. Nhóm bất động sản – xây dựng ngoài VIC thì còn có VCG, HUT cũng tăng trần. Vài mã nhỏ tăng tốt là IDJ, SJS, API, VC3. HDC, DPG, PC1, FCN, SZC… tăng nhẹ.

Ngược lại, CTD, HPX, EVG giảm sàn. Ngoài NVL, DIG cũng giảm 4,2%, DXG giảm 5%, PDR giảm 4%, CEO giảm 4,6%, NLG giảm 4,7%, TCH giảm 3,6%, BCG giảm 5%, KBC giảm 2,9%, HBC giảm 5,6%, HQG, QCG, DRH, LDG… giảm hơn 3%.

Nhóm chứng khoán ngoài APS tăng trần thì không còn mã nào giữ được sắc xanh. VND giảm 3,8%, SSI giảm 2,9%, VIX giảm 2,5%, VCI giảm 3%, SHS giảm 3,8%, HCM giảm 2,6%...

Một số mã lớn khác được dòng tiền mua nhập cuộc là GEX +0,2%, DGC +3,3%, IDC +5,8%, BSR +1%, VHC +1%, HAG +0,2%...

Nhìn chung, trong bối cảnh thị trường liên tiếp vượt qua các ngưỡng cao mới tương đối nhanh, việc điều chỉnh do áp lực chốt lời cũng là điều dễ hiểu. Thanh khoản dồi dào là điểm tựa để dòng tiền mua nhanh chóng quay trở lại, tuy nhiên nhà đầu tư cũng cần thận trọng khi ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm không được giữ vững.

Tin liên quan

Đọc tiếp