Chuyên gia: Chứng khoán Việt Nam đang ở chân một con sóng lớn

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
08:55 - 30/07/2023
Chuyên gia: Chứng khoán Việt Nam đang ở chân một con sóng lớn
0:00 / 0:00
0:00
Chinh phục thành công mốc 1.200 điểm, chuyên gia nhận định chứng khoán Việt Nam đang ở chân một con sóng lớn với sự hỗ trợ từ nền tảng vĩ mô ổn định, lãi suất điều hành giảm...

Chia sẻ với Mekong ASEAN về triển vọng thị trường chứng khoán, theo quan điểm của TS. Lê Xuân Nghĩa, sau đợt sụt giảm mạnh vào cuối năm 2022 và giằng co những tháng đầu năm 2023, thị trường đang đứng dưới chân một con sóng lớn, hướng đến những nhịp tăng mạnh.

Tín hiệu tích cực từ thị trường

Tháng 7 VN-Index tăng 16% so với cuối năm 2022. Nếu tính từ đầu năm, VN-Index đã tăng hơn 18% so với thời điểm cuối năm ngoái, so với những kênh đầu tư khác thì kênh chứng khoán đang đem lại một tỷ suất đầu tư vượt trội rõ ràng, quy mô vốn hóa thị trường đến nay đạt 64% so với GDP.

Kết phiên 26/7, VN-Index đã chạm mốc 1.200 điểm. Cụ thể VN-Index đóng cửa tăng 4,94 điểm tương ứng 0,41% lên 1.200,84 điểm. Với trạng thái vận động chặt chẽ và ổn định của thị trường, xu hướng uptrend sẽ tiếp tục duy trì và trong trung hạn hướng tới mục tiêu 1.300 điểm.

Chuyên gia: Chứng khoán Việt Nam đang ở chân một con sóng lớn ảnh 1

Đồ thị kỹ thuật VN-Index.

TS. Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận, việc thị trường cán mốc 1.200 điểm phản ánh hiệu quả tích cực của các chính sách hồi phục kinh tế được Chính phủ ban hành trong thời gian vừa qua, tạo kỳ vọng của nhà đầu tư vào sự hồi phục của nền kinh tế và doanh nghiệp trong thời gian tới.

Trong 6 tháng vừa qua, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất với tổng mức giảm 0,5 - 2,0%/năm. Đồng thời, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất, kinh doanh. Điều này góp phần đáng kể vào sự phục hồi của các doanh nghiệp khi mà vấn đề thiếu vốn đang được coi một trong các khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp.

"Thực tế, biến động thị trường chứng khoán có mối quan hệ ngược chiều với lãi suất. Xu hướng đi lên của VN-Index được củng cố trong bối cảnh lãi suất huy động có xu hướng giảm", TS. Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận.

Hiện nay, hầu hết những nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu đều tăng lãi suất, nhưng Việt Nam ngược lại, do đó, sẽ trở thành chỗ trũng, tạo điều kiện thu hút dòng tiền trong và ngoài nước.

Đáng chú ý, theo đánh giá của vị chuyên gia này, kết quả kinh doanh quý 2/2023 khởi sắc hơn nhưng nền kinh tế vẫn chưa thẩm thấu lãi suất thấp một cách rõ ràng, mà phải chờ đợi cuối quý 3/2023, doanh nghiệp tiếp cận vốn rõ ràng hơn.

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ được ban hành gần đây như Thông tư 02/2023/TT-NHNN của NHNN hướng dẫn tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, Nghị định 12/2023/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, Thông tư 03/2023/TT-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, là những giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

"Đây là những yếu tố ảnh hưởng tích cực tới thanh khoản trên thị trường trong quý 3 và quý 4/2023", TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá.

Song hành cùng chính sách tiền tệ, chuyên gia cho biết, chính sách tài khóa cũng là yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán. Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, 7 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN ước đạt hơn 291.000 tỷ đồng, bằng 41,3% kế hoạch năm và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, hàng loạt chính sách thuế như việc Bộ Tài chính quyết định ban hành Thông tư 44 giảm tới 50% nhiều loại thuế, phí, lệ phí...trong năm 2023 cũng hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

TS. Lê Xuân Nghĩa cũng nhìn nhận, tỷ giá ổn định cũng là một yếu tố hỗ trợ tích cực để cơ quan điều hành có không gian kết hợp linh hoạt chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

"Nếu tỷ giá bất ổn, chính sách tiền tệ chắc chắn phải thận trọng. Ngược lại, nếu nới rộng chính sách tiền tệ không cân nhắc sẽ làm cho tỷ giá tăng vọt", ông Nghĩa phân tích.

Trong cuộc trò chuyện với người viết, vị chuyên gia này cũng đề cập, kỳ vọng phục hồi và tăng trưởng của thị trường chứng khoán còn đến từ việc thị trường bất động sản vẫn đang khó khăn do các vấn đề như một số dự án còn vướng mắc thủ tục pháp lý, tín dụng tăng trưởng chậm và áp lực đáo hạn trái phiếu tăng cao.

Trong khi đó, giá vàng liên tục đi ngang trong nửa đầu năm và đang chịu áp lực giảm theo giá vàng thế giới, do đó sức hấp dẫn không lớn, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát tại Việt Nam thấp và lạm phát thế giới đang có xu hướng giảm.

Đồng thời, dòng tiền tiết kiệm hết kỳ hạn của người dân đi tìm kênh đầu tư mới khi lãi suất tiết kiệm giảm thấp sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán, vì hiện tại không có kênh nào đủ hấp dẫn.

Kỳ vọng nâng hạng thị trường chứng khoán

Trong buổi đối thoại ngày 26/7 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho biết, dự kiến trong tháng 8/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ làm việc với các tổ chức xếp hạng để đánh giá tiềm năng thị trường chứng khoán Việt Nam nhằm nâng hạng thị trường lên thị trường mới nổi.

TS. Lê Xuân Nghĩa mong đợi, khi thị trường chứng khoán được nâng hạng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường vốn trong nước và nền kinh tế nói chung. Theo đó, khả năng định giá cổ phiếu được cải thiện, tác động tích cực đến quá trình cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước. Ngoài ra, nâng cấp thị trường mới nổi cũng giúp nhà đầu tư đa dạng hơn.

Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ước tính khoảng 70% các quyết định phân bổ vốn vào chứng khoán phụ thuộc vào sự xếp hạng phân loại thị trường chứng khoán. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng dự kiến khoảng 7,2 tỷ USD/năm sẽ đổ vào Việt Nam nếu được nâng hạng thị trường.

Cẩn trọng với áp lực đáo hạn trái phiếu

ÁP LỰC ĐÁO HẠN TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP

Thị trường chứng khoán đang đứng ở chân một con sóng lớn với nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ. Tuy nhiên áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn còn rất lớn, đặc biệt vào tháng 9 với hơn 40.000 tỷ đồng chủ yếu đến từ nhóm doanh nghiệp bất động sản và thương mại dịch vụ buộc doanh nghiệp phải tiếp tục duy trì và tìm nguồn vốn để mua lại hoặc để trả nợ, tái cấu trúc nợ.

TS. Lê Xuân Nghĩa

Ngoài ra, tính đến thời điểm giữa tháng 7/2023, số liệu FiinTrade cho thấy, quy mô dư nợ toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở mức gần 15% GDP. Trong đó, TPDN riêng lẻ khoảng 11% GDP với giá trị gần 1,08 triệu tỷ đồng, còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực và cũng cách xa mục tiêu đề ra vào năm 2025.

Tuy nhiên, áp lực đáo hạn đang được xử lý với nhiều giải pháp từ Chính phủ trong ngắn hạn về việc cho phép thay đổi điều khoản trái phiếu nhằm giúp doanh nghiệp có thêm thời gian xử lý trái phiếu đến hạn.

Đặc biệt, hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ đi vào hoạt động với 19 mã trái phiếu, thuộc về 3 tổ chức. Dự kiến có hơn 1.600 TPDN riêng lẻ do 1.000 doanh nghiệp phát hành sẽ được giao dịch trên hệ thống, trong dài hạn, được kỳ vọng cải thiện thanh khoản, kéo giảm chi phí phát hành.

Nhóm ngành kỳ vọng

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, ngành ngân hàng hiện đang là ứng viên sáng giá cho các vị trí hàng đầu trong những quý tới khi hàng loạt chính sách, giải pháp hỗ trợ gần đây từ cơ quan quản lý đã làm giảm mức độ rủi ro của ngành này.

Bên cạnh hưởng lợi từ việc nới lỏng chính sách tiền tệ, các thông tư hỗ trợ như Thông tư 02 về gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ vừa ban hành sẽ giúp giảm rủi ro tỷ lệ nợ xấu gia tăng, áp lực lên lợi nhuận theo đó cũng giảm bớt.

"Ngành ngân hàng sẽ đại diện cho sự phục hồi kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới và đây là thời điểm thích hợp để tích lũy cổ phiếu ngân hàng", TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá.

Ngoài ra, nhóm đầu tư công và các nhóm cổ phiếu hưởng lợi theo chu kỳ như ngành chứng khoán, ngành bán lẻ,...vẫn là nhóm hút được dòng tiền trong thời gian tới.

Tin liên quan

Đọc tiếp