Hơn 400.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm trong quý IV/2022

LAO ĐỘNG FDI
11:57 - 11/01/2023
Lao động mất việc được công ty hỗ trợ tiền kiếm việc làm mới.
Lao động mất việc được công ty hỗ trợ tiền kiếm việc làm mới.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý IV/2022, có gần 296.000 lao động bị buộc nghỉ giãn việc và gần 118.000 lao động bị buộc thôi việc, mất việc, chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp FDI phía Nam với 72,5% thuộc các ngành dệt may, da giầy.

Lao động phi chính thức chiếm đến 65,4%

Theo Báo cáo tình hình thị trường lao động việc làm quý IV năm 2022 của Tổng cục Thống kê công bố ngày 10/1, trong giai đoạn từ năm 2019 - 2021, lao động trong khối doanh nghiệp ở quý IV các năm luôn ghi nhận mức tăng trưởng dương so với quý trước, tuy nhiên đến quý IV/2022, do những bất ổn về tình hình thế giới, số lao động trong các doanh nghiệp đã ghi nhận sự sụt giảm.

So với quý III/2022, số lao động trong các doanh nghiệp giảm 10.400 người. Ngược lại với xu hướng giảm của lao động trong các doanh nghiệp, lao động trong hộ/cá nhân/tập thể có xu hướng tăng khá mạnh. Trong quý IV/2022, lao động trong hộ/cá nhân/tập thể là 33,9 triệu người, tăng 341.700 người.

Sự chuyển dịch giữa lao động trong các doanh nghiệp và lao động trong hộ/cá nhân/tập thể nói trên đã làm tăng số lao động phi chính thức, đồng thời giảm số lao động chính thức so với quý trước.

Quý IV/2022, số lao động phi chính thức là 33,4 triệu người, tăng 337.100 người; số lao động chính thức là 17,7 triệu người, giảm 97.700 người so với quý trước, điều này làm tỷ lệ lao động phi chính thức tăng lên 0,4 điểm phần trăm (65,4% so với 65,0%).

Bên cạnh đó, trước biến động của thị trường quốc tế và trong nước, những tháng cuối năm 2022, một số doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ đã gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bị cắt giảm đơn hàng, dẫn đến phải cắt giảm việc làm. Do đó, tình hình thất nghiệp quý IV/2022 có xu hướng tăng lên so với quý trước.

Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV/2022 là hơn 1,08 triệu người, tăng 24,9 nghìn người so với quý trước và giảm 520.000 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV/2022 là 2,32%, tăng 0,04 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,24 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Lao động đang phải đối mặt với nguy cơ bị giãn việc, mất việc do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng vẫn là một con số đáng kể. Bước sang quý IV, bên cạnh các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh tốt, đã xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương cắt giảm đơn hàng, dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động.

Cụ thể, trong quý IV/2022, có gần 296.000 lao động bị buộc nghỉ giãn việc, trong đó đa số ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 64,2%), tập trung chủ yếu ở ngành dệt may, da giầy (chiếm 72,5%); chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như TP HCM (khoảng 36.000 người), Tây Ninh (42.000 người)…

Cả nước có gần 118.000 lao động bị buộc thôi việc, mất việc trong quý IV/2022, trong đó lao động thuộc ngành sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử chiếm tỷ trọng lớn nhất (34,7%), tiếp theo là lao động thuộc ngành dệt may chiếm 26,4%, ngành da giày là ngành có số lao động bị buộc thôi việc cao thứ ba cũng chiếm 26,4%.

Thu nhập bình quân quý IV/2022 của Đông Nam Bộ chỉ tăng 83.000 đồng

Xuất phát từ việc người lao động bị ảnh hưởng việc làm, giãn việc, mất việc và dịch chuyển sang khu vực phi chính thức, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng giảm trong quý cuối năm, tuy vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương nhưng mức tăng không đáng kể. Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý IV/2022 là 6,8 triệu đồng, tăng 95.000 đồng so với quý trước và tăng 1,5 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 7,8 triệu đồng, tăng 105.000 đồng so với quý trước và tăng 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước; thu nhập bình quân tháng của lao động nữ là 5,8 triệu đồng, tăng 83.000 đồng so với quý trước và tăng 1,4 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm vừa qua, thị trường lao động chứng kiến đà phục hồi nhanh, mạnh mẽ, thu nhập bình quân của người lao động liên tục tăng, được cải thiện từ quý I đến quý III. Sang quý IV, thu nhập bình quân của người lao động tiếp tục ghi nhận tăng so với quý trước, nhưng tốc độ tăng chậm lại so với tốc độ tăng thu nhập bình quân của lao động quý III/2022.

Theo Tổng cục Thống kê, thông thường, những tháng cuối năm nhiều doanh nghiệp gia tăng sản xuất kinh doanh, tăng số giờ làm việc, tốc độ tăng thu nhập bình quân của người lao động thường cao hơn so với quý trước, đời sống của người lao động sẽ cải thiện hơn.

Tuy nhiên, tốc độ tăng thu nhập bình quân của lao động quý IV/2022 so với quý III/2022 chỉ là 1,4% (tương ứng tăng 95 nghìn đồng). Đáng chú ý, so với quý trước, quý IV năm nay chứng kiến tốc độ gia tăng thu nhập bình quân của người lao động thấp nhất so với cùng kỳ các năm giai đoạn 2019 - 2022.

Tốc độ tăng thu nhập bình quân của lao động chậm lại ở hầu hết các vùng kinh tế - xã hội. Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là hai vùng ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân chậm lại rõ rệt.

Trong đó, Đông Nam Bộ và Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là hai vùng chứng kiến sự sụt giảm tốc độ tăng thu nhập bình quân của lao động rõ nét so với các vùng còn lại. Quý IV/2022, thu nhập bình quân của lao động tại vùng Đông Nam Bộ là 8,7 triệu đồng, chỉ tăng 1,0%, tương ứng tăng 83.000 đồng so với quý trước.

Trong khi quý III/2022 đã chứng kiến Đông Nam Bộ là vùng đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, đời sống của người lao động được cải thiện, tốc độ tăng thu nhập bình quân của lao động là 1,4%, tương ứng tăng 119 nghìn đồng so với quý II/2022.

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đã duy trì đà tăng trưởng ổn định về thu nhập bình quân của lao động kể từ quý I/2022. Tuy nhiên, bước sang quý IV/2022 tốc độ gia tăng này chỉ còn 0,4%, giảm 2,6 điểm phần trăm so với quý trước.

Thu nhập bình quân tháng của lao động tại vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung trong quý IV là 6,0 triệu đồng, tăng không đáng kể so với quý trước (tăng khoảng 24.000 đồng).

Thu nhập bình quân của lao động tăng ở cả ba khu vực kinh tế, tuy vậy, một số ngành kinh tế ghi nhận sụt giảm mức thu nhập bình quân của lao động so với quý trước. So với quý trước, thu nhập bình quân của lao động ở cả ba khu vực kinh tế trong quý IV/2022 đều tăng.

Thu nhập bình quân của lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 4,0 triệu đồng, là khu vực ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất, tăng 2,4%, tương ứng tăng 93.000 đồng.

Lao động làm việc trong khu vực dịch vụ có mức thu nhập là 8,1 triệu đồng/người/tháng, tăng 1,6%, tương ứng tăng 129.000 đồng/người/tháng. Lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng có thu nhập bình quân là 7,7 triệu đồng, tăng 0,9%, tương ứng tăng 66.000 đồng so với quý trước.

Tin liên quan

Đọc tiếp