Hy vọng mong manh sau thảm họa lật tàu chở người di cư tại Hy Lạp

Chìm tàu Hy Lạp
15:38 - 15/06/2023
Giới chức Hy Lạp ngày 15/6 đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm các nạn nhân trong vụ đắm tàu tại vùng biển ngoài khơi nước này, nhưng hy vọng đang giảm dần khi hàng trăm người vẫn được cho là mất tích.

AP trước đó đưa tin, vào rạng sáng ngày 14/5 (giờ địa phương) một chiếc thuyền đánh cá chở hàng trăm người di cư đang tìm cách đi từ Lybia đến Italy đã bị lật và chìm vì quá tải tại vùng biển quốc tế, cách thị trấn ven biển Pylos của Hy Lạp khoảng 80 km.

Lực lượng cứu hộ Hy Lạp đã trục vớt ít nhất 79 thi thể, cứu sống 104 người – bao gồm công dân Ai Cập, Syria, Pakistan và Palestine. Không rõ có bao nhiêu người trên con tàu này, nhưng giới chức lo ngại rằng có hàng trăm người khác có thể đã bị mắc kẹt bên trong boong tàu.

Hy vọng mong manh sau thảm họa lật tàu chở người di cư tại Hy Lạp ảnh 1

Những người sống sót sau vụ đắm tàu nằm ngủ ​​tại một nhà kho ở cảng thị trấn Kalamata, Hy Lạp. Ảnh: AP

Trong khi đó, hoạt động tìm kiếm của các lực lượng Hy Lạp vào ngày 15/6 đã không tìm thấy thêm bất kỳ thi thể hoặc người sống sót nào. Đô đốc Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp đã nghỉ hưu Nikos Spanos nói với đài truyền hình ERT: “Cơ hội tìm thấy thêm những người sống sót là rất nhỏ”.

“Trước đây, chúng tôi đã từng thấy những chiếc thuyền đánh cá cũ như thế này từ Libya. Chúng dài khoảng 30 mét và có thể chở 600-700 người khi đầy. Nhưng chúng hoàn toàn không có khả năng đi biển. Nói một cách đơn giản, chúng là những chiếc quan tài nổi", ông nói.

Một bức ảnh chụp từ trên không do Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp công bố cho thấy boong tàu đã chật cứng người và có thể khoang tàu cũng đã đầy người, chỉ vài giờ trước khi nó chìm. Hầu hết tất cả các nạn nhân đều không mặc áo phao.

Hy vọng mong manh sau thảm họa lật tàu chở người di cư tại Hy Lạp ảnh 2

Hàng trăm người vẫn đang mất tích sau vụ lật tàu. Ảnh: AP

Theo một tài khoản của tổ chức từ thiện hỗ trợ châu Âu, ước tính có khoảng 750 người đã tập trung trên con tàu dài khoảng 23-30 mét. Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) của Liên Hợp Quốc cho biết các báo cáo ban đầu cho thấy có tới 400 người trên tàu.

Ông Ioannis Zafiropoulos, Phó thị trưởng thành phố cảng phía nam Kalamata, nơi những người sống sót được đưa đến, nói rằng thông tin của ông cho biết có "hơn 500 người" trên tàu.

Hy vọng mong manh sau thảm họa lật tàu chở người di cư tại Hy Lạp ảnh 3

Con tàu chở người di cư khởi hành từ cảng Tobruk (Libya) đến Italy, nhưng đã bị đắm tại Địa Trung Hải. Ảnh: AP

Các quan chức chính phủ cho biết con tàu này đã khởi hành từ cảng Tobruk của Lybia. Những người di cư trên tàu đã nhiều lần từ chối lời đề nghị giúp đỡ của lực lượng Hy Lạp.

Người phát ngôn của Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp Nikos Alexiou nói với đài truyền hình Skai TV: “Đó là một chiếc thuyền đánh cá chở đầy những người di cư. Họ đã từ chối sự giúp đỡ của chúng tôi vì họ muốn đến Italy. Chúng tôi đã theo dõi con tàu trong trường hợp họ cần sự giúp đỡ, nhưng họ đã từ chối”.

Hy vọng mong manh sau thảm họa lật tàu chở người di cư tại Hy Lạp ảnh 4

Các nạn nhân sống sót sau vụ đắm tàu được đưa về một nhà kho ở ở cảng thị trấn Kalamata, Hy Lạp. Ảnh: AP

Thủ tướng lâm thời Hy Lạp Ioannis Sarmas đã tuyên bố 3 ngày quốc tang, bày tỏ đau buồn đối với sự mất mát của các nạn nhân và phẫn nộ đối với những kẻ buôn người.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết bà vô cùng đau lòng trước thảm kịch này và cam kết sẽ tăng cường hợp tác giữa Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia lân cận để trấn áp những kẻ buôn người di cư.

"Chúng ta đang chứng kiến một trong những thảm kịch lớn nhất ở Địa Trung Hải. Những con số mà giới chức công bố thật khủng khiếp", Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Hy Lạp Gianluca Rocco cho biết.

Hy vọng mong manh sau thảm họa lật tàu chở người di cư tại Hy Lạp ảnh 5

Các nhân viên y tế đưa một người sống sót bị thương trong vụ đắm tàu ​​lên xe cấp cứu. Ảnh: AP

Hy Lạp là một trong những tuyến đường chính vào châu Âu của những người tị nạn và di cư từ Trung Đông, châu Á và châu Phi.

IOM đã ghi nhận hơn 21.000 người chết và mất tích ở Địa Trung Hải kể từ năm 2014, khiến nơi đây trở thành điểm di cư nguy hiểm nhất thế giới.

Vào tháng 4/2018, một vụ đắm tàu kinh hoàng nhất đã xảy ra, khi một chiếc tàu đánh cá quá tải va chạm với một tàu chở hàng đang cố gắng tiếp cận nó để giải cứu ở ngoài khơi Libya. Chỉ có 28 nạn nhân may mắn sống sót. Giới chức kết luận rằng con tàu ban đầu chở 1.100 người.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nga duyệt binh quy mô lớn trong Ngày Chiến thắng

Nga duyệt binh quy mô lớn trong Ngày Chiến thắng

Ngày 9/5, hay còn được gọi là Ngày Chiến thắng, một trong những ngày lễ lớn nhất tại Nga, hàng nghìn binh sĩ đã tham gia vào lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ở Moscow nhân dịp kỷ niệm 79 năm chiến thắng trước Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ 2.