Khuyến khích nông dân sản xuất xanh bằng công cụ đo lường tín chỉ carbon. |
Các chuyên gia trong và ngoài nước tại Hội thảo “Đột phá kỹ thuật số trong nông nghiệp Công cụ báo cáo và đo lường phát thải khí nhà kính”, ngày 14/3, đều cho rằng, việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong nông nghiệp ở Việt Nam nói riêng và các nước nói chung còn gặp nhiều hạn chế, do các vấn đề về cơ sở hạ tầng, khó khăn tài chính, nhận thức và quy định hiện hành.
Trong đó, nông dân là đối tượng đóng vai trò trung tâm gặp nhiều thách thức nhất khi chuyển đổi.
Cam kết của Việt Nam đưa mức phát thải ròng về 0 (Net-Zero) vào năm 2050 cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp. Ông Patrick Buergi, đồng sáng lập Quỹ phi lợi nhuận quốc tế về khí hậu, năng lượng (Myclimate) nhận định, đây là mục tiêu rất thách thức đối với ngành nông nghiệp nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội giảm phát thải với chi phí thấp.
“Hiện nhiều công ty lớn ngành nông nghiệp đã có những cam kết mạnh mẽ đối với netzero. Tuy nhiên, 80% phát thải của họ đến từ chuỗi cung ứng và khâu sản xuất. Đây dường như là việc nằm ngoài tầm kiểm soát của họ”, ông Patrick Buergi chỉ ra.
Đại diện Quỹ Myclimate phân tích, thực tế này đến từ việc, một số nông hộ đã làm theo cách tác cũ hàng trăm năm nên để thay đổi là không hề dễ. Giải pháp đưa ra là cần có các công cụ khuyến khích họ sản xuất giảm phát thải để bán tín chỉ carbon.
“Nông dân chính là đối tượng có nhiều thách thức nhất trong việc xóa dấu chân carbon ngành nông nghiệp chứ không chỉ ở các doanh nghiệp lớn. Các định chế tài chính nên tập trung đầu tư vào nông dân để tháo gỡ những thách thức này”.
3 công cụ được IFC khuyến nghị
Tại Hội thảo, nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam, bà Marta Bogdanic, Cán bộ Dự án cao cấp bộ phận dịch vụ tư vấn nông nghiệp của IFC đã giới thiệu về các công cụ đo lường phát thải khí nhà kính.
“Các công cụ sẽ giúp đo lường, quản lý và giảm phát thải khí nhà kính và cách sử dụng kết quả thu thập được trong quá trình xin chứng nhận chứng chỉ bền vững, định vị sản phẩm trong phân khúc bán lẻ và lập báo cáo tác động khí hậu’, bà Marta Bogdanic nói.
IFC khuyến nghị bộ 3 công cụ kỹ thuật số trong nông nghiệp. |
Bộ 3 công cụ được bộ phận dịch vụ tư vấn nông nghiệp của IFC đưa ra, gồm giải pháp Cool Farm Tool. Về bản chất đây là một công cụ tính toán lượng phát thải khí nhà kính ở cấp độ trang trại, đo lường lượng khí thải từ việc sản xuất nông nghiệp của một loại cây trồng cụ thể hoặc trong lĩnh vực chăn nuôi.
Giải pháp nhãn Carbon Trung tính (CO2 Neutral), được hiểu là một công cụ để xác nhận lượng khí thải carbon của sản phẩm.
Công cụ tính lượng phát thải khí nhà kính của Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), cho phép độ linh hoạt cao về thông tin đầu vào liên quan đến dữ liệu hoạt động và phát thải cũng như lựa chọn thước đo phù hợp cho việc tổng hợp sau này.
“Tất cả các công cụ do IFC khuyến nghị đều được các cơ quan chứng nhận công nhận. IFC cũng đảm bảo rằng các quy trình tuân theo các mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học để đảm bảo chất lượng. Vai trò kiểm soát chất lượng trong các dự án khử cacbon là một trong những hoạt động chính của IFC, cung cấp cho khách hàng đánh giá độc lập về chỉ tiêu giảm phát thải carbon trong các dự án”, bà Marta Bogdanic nhấn mạnh.