IMF tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu

TĂNG TRƯỞNG THẾ GIỚI
08:25 - 27/07/2022
Trụ sở Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF tại Washington, Mỹ. Ảnh: AFP
Trụ sở Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF tại Washington, Mỹ. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Hôm 26/7, báo cáo chính thức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF tiếp tục cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2022 và 2023, với nhận định triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới hiện vô cùng “u ám và không chắc chắn.

So với dự báo tăng trưởng được đưa ra hồi tháng 4 trước đó, IMF tiếp tục hạ mức dự báo cho năm nay và năm sau xuống lần lượt 0,4 và 0,7 điểm phần trăm. Cụ thể, hiện tổ chức này đánh giá nền kinh tế thế giới sẽ chỉ tăng trưởng 3,2% trong năm nay và thậm chí còn xuống ngưỡng thấp hơn 2,9% cho năm 2023.

Ngoài ra, tổ chức này cũng đưa ra một kịch bản khác ít có khả năng xảy ra hơn là tăng trưởng toàn cầu giảm xuống khoảng 2,6% vào năm 2022 và 2,0% vào năm 2023, đưa những kết quả này vào danh sách 10% thấp nhất kể từ năm 1970.

Trên thực tế, IMF không phải tổ chức duy nhất cắt giảm triển vọng kinh tế toàn cầu cho năm nay và năm 2023. Trước đó vì các nguyên nhân tương tự, Ngân hàng Thế giới cũng đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu năm 2022 xuống 2,9% so với ước tính trước đó là 4,1%, với lý do áp lực kinh tế vĩ mô tương tự.

Theo CNBC trích dẫn thông báo chính thức của IMF, việc sửa đổi triển vọng kinh tế đã chỉ ra rằng những rủi ro được nêu trong báo cáo trước đó đã thành hiện thực. Một trong những rủi ro đầu tiên chính là lạm phát toàn cầu tăng vọt, sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc và hệ quả từ cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Báo cáo này nhận định sự phục hồi dự kiến của năm 2021 đã không diễn ra như mong đợi mà thay vào đó lại được theo sau bởi hàng loạt các diễn biến ngày ảm đạm của năm 2022.

Các nền kinh tế lớn trên thế giới lần lượt ghi nhận các con số dự đoán ảm đạm. Triển vọng GDP của Mỹ đã giảm 1,4 điểm phần trăm xuống chỉ còn 2,3% do tăng trưởng yếu hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022. Sức mua hộ gia đình giảm và chính sách tiền tệ thắt chặt cũng là một trong những nguyên nhân chính.

Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng thấp hơn 1,1 điểm phần trăm so với các ước tính trước đó vì ảnh hưởng từ các đợt phong tỏa Covid kéo dài và cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện được dự kiến sẽ tăng trưởng 3,3% vào năm 2022 - mức thấp nhất trong vòng 4 thập kỷ qua.

Dự báo tăng trưởng cho một nền kinh tế tỷ dân khác là Ấn Độ cũng bị cắt giảm 0,8 điểm phần trăm xuống còn 7,4% do các điều kiện bên ngoài kém thuận lợi và thắt chặt chính sách nhanh chóng hơn.

Trong khi đó, triển vọng của khu vực đồng euro đã bị hạ 0,2 điểm phần trăm xuống 2,6%, Tại các nền kinh tế lớn của khu vực như Đức, Pháp và Tây Ban Nha, các hệ quả nặng nề hơn từ cuộc chiến ở Ukraine có thể sẽ tiếp tục gây ra ảnh hưởng vào năm 2023.

Lạm phát giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 5 vừa qua tăng 8,6% và chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: Reuters

Lạm phát giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 5 vừa qua tăng 8,6% và chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: Reuters

Tất cả các dự báo ảm đạm này diễn ra trong bối cảnh tình hình lạm phát toàn cầu không hề có dấu hiệu sẽ kết thúc, đặc biệt là giá thực phẩm và năng lượng. IMF dự báo lạm phát toàn cầu sẽ đạt 6,6% ở các nền kinh tế tiên tiến và 9,5% ở thị trường mới nổi cùng các nền kinh tế đang phát triển trong năm nay - mức tăng lần lượt là 0,9 và 0,8 điểm phần trăm.

Theo cố vấn tài chính kiêm giám đốc Ban Thị trường và Tiền tệ tại IMF hôm 26/7, lạm phát sẽ vẫn gây ra ảnh hưởng trong tương lai gần và tình trạng này dự kiến sẽ đạt đỉnh vào cuối năm nay. Do đó, IMF đưa ra kỳ vọng một cuộc suy thoái nhẹ với tốc độ tăng trưởng quanh mức 0 trong năm tới thay vì một kịch bản nghiêm trọng như năm 2008.

Việc kiểm soát lạm phát do đó đã trở thành ưu tiên hàng đầu tại các quốc gia nơi tỷ lệ này đang ở mức kỷ lục trong hơn 4 thập kỷ. Gần đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã cùng với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất - động thái đầu tiên sau 11 năm.

Đọc tiếp