Indonesia đính chính số người thiệt mạng trong vụ bạo loạn bóng đá

Bóng đá Indonesia
18:53 - 02/10/2022
Tỉnh Đông Java chiều 2/10 xác nhận lại số người thiệt mạng trong vụ bạo loạn sân bóng là 125 người thay vì 174 như thông báo trước đó. Cùng ngày, Tổng thống Indonesia Joko Widodo lệnh rà soát lại điều kiện an toàn tại các trận đấu bóng đá của nước này. 

Reuters dẫn lời Phó Thống đốc tỉnh Đông Java là Emil Dardak cho biết, con số người chết là 174 công bố trước đó có sự nhầm lẫn, do có báo cáo số tử vong bị trùng lặp. Nhưng ông cũng thông báo số người bị thương thực tế là 323 người, tăng cao so với con số 180 người đưa ra trước đó.

Cũng trong ngày 2/10, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến các nạn nhân trong thảm kịch bóng đá ở sân vận động Kanjuruhan, Malang và yêu cầu Bộ trưởng Y tế và Thống đốc Đông Java giám sát cụ thể tình hình săn sóc y tế cho các nạn nhân đang điều trị tại bệnh viện để họ được chữa trị tốt nhất.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo yêu cầu đánh giá kỹ lưỡng việc tổ chức các trận đấu bóng đá. Ảnh: Reuters

Tổng thống Indonesia Joko Widodo yêu cầu đánh giá kỹ lưỡng việc tổ chức các trận đấu bóng đá. Ảnh: Reuters

"Tôi cũng đã lệnh cho Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao, Cảnh sát trưởng Quốc gia và Chủ tịch PSSI (Liên đoàn Bóng đá Indonesia) tiến hành đánh giá kỹ lưỡng việc tổ chức các trận đấu bóng đá cũng như các thủ tục an ninh liên quan", ông Widodo cho biết.

Ông Widodo cũng ra lệnh cho PSSI tạm dừng Liga 1 đến khi đánh giá và cải thiện được công tác an ninh.

Bạo loạn trên sân vận động Kanjuruhan khiến ít nhất 174 người thiệt mạng. Video: CNA

Chính quyền tỉnh Đông Java cũng thông báo rằng, gia đình các nạn nhân sẽ nhận được 15 triệu Rupiah (tương đương 980 USD) tiền bồi thường.

Bạo lực xảy ra trên sân vận động Kanjuruhan, thuộc thành phố Malang, tỉnh Đông Java sau khi trận đấu giữa đội chủ nhà là CLB Arema và đội khách Persebaya Surabaya kết thúc với tỷ số 2 - 3 nghiêng về đội khách. Các cầu thủ và tất cả các thành viên của Persebaya Surabaya ngay lập tức rời khỏi sân Kanjuruhan bằng 4 xe xe đặc chủng của cảnh sát.

Hàng nghìn người lao xuống sân bóng gây ra cảnh hỗn loạn. Ảnh: AP

Hàng nghìn người lao xuống sân bóng gây ra cảnh hỗn loạn. Ảnh: AP

Trong khi đó, hàng nghìn cổ động viên Arema đã tràn xuống sân sau khi trận đấu kết thúc vì đội bóng của mình bị thua. Một số cầu thủ Arema vẫn còn trên sân vào thời điểm đó được cho là cũng bị đám đông tấn công.

Cảnh sát bắn hơi cay để giải quyết cuộc đụng độ giữa các cổ động viên. Ảnh: AP

Cảnh sát bắn hơi cay để giải quyết cuộc đụng độ giữa các cổ động viên. Ảnh: AP

Các đoạn video trên mạng xã hội cho thấy đám đông la hét, trèo qua hàng rào bảo vệ, trong khi cảnh sát bắn hơi cay để giải quyết tình hình hỗn loạn. Cảnh sát cho biết, nhiều nạn nhân đã bị giẫm đạp hoặc chết ngạt.

Nhân viên y tế đẩy các cáng chở thi thể nạn nhân trong vụ bạo loạn. Ảnh: AP

Nhân viên y tế đẩy các cáng chở thi thể nạn nhân trong vụ bạo loạn. Ảnh: AP

Theo Bộ trưởng điều phối các vấn đề chính trị, luật pháp và an ninh của Indonesia Mahfud MD, các nhà tổ chức đã phớt lờ khuyến nghị của nhà chức trách về việc tổ chức trận đấu vào buổi chiều thay vì buổi tối. Ông cũng cho biết, chính phủ khuyến nghị chỉ in 38.000 vé, nhưng sau đó trận bóng này đã bán cháy 42.000 vé.

Truyền thông Indonesia lo ngại số người chết sẽ tiếp tục tăng do còn nhiều trường hợp trong tình trạng nguy kịch. Thảm kịch tối 1/10 trở thành một trong những sự kiện thể thao chết chóc nhất hành tinh.

Gia đình các nạn nhân bật khóc khi nghe tin người thân thiệt mạng. Ảnh: AP

Gia đình các nạn nhân bật khóc khi nghe tin người thân thiệt mạng. Ảnh: AP

Bó hoa được đặt trước sân vận động tưởng nhớ các nạn nhân. Ảnh: AP

Bó hoa được đặt trước sân vận động tưởng nhớ các nạn nhân. Ảnh: AP

Trước đó, các thảm họa sân vận động khác trên thế giới đẫm máu nhất có sự cố vỡ khán đài vào năm 1989 tại sân vận động Hillsborough của Anh, dẫn đến cái chết của 97 cổ động viên Liverpool; thảm kịch sân vận động Port Said năm 2012 ở Ai Cập khiến 74 người chết trong cuộc đụng độ. Năm 1964, 320 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương trong một vụ giẫm đạp tại vòng loại Olympic Peru-Argentina tại Sân vận động Quốc gia Lima.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nga duyệt binh quy mô lớn trong Ngày Chiến thắng

Nga duyệt binh quy mô lớn trong Ngày Chiến thắng

Ngày 9/5, hay còn được gọi là Ngày Chiến thắng, một trong những ngày lễ lớn nhất tại Nga, hàng nghìn binh sĩ đã tham gia vào lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ở Moscow nhân dịp kỷ niệm 79 năm chiến thắng trước Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ 2.