JICA cung cấp khoản ODA 10.672 tỷ đồng cho Việt Nam

JICA ODA
17:25 - 04/07/2023
Thứ Trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng và Trưởng Đại diện JICA Việt Nam Sugano Yuichi cùng ký kết 3 thỏa thuận vay. Ảnh: JICA.
Thứ Trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng và Trưởng Đại diện JICA Việt Nam Sugano Yuichi cùng ký kết 3 thỏa thuận vay. Ảnh: JICA.
0:00 / 0:00
0:00
Khoản ODA được Việt Nam ký với Nhật Bản sẽ tạo nguồn vốn cho ngân sách chung để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội hậu Covid-19 và cải thiện cơ sở hạ tầng cho các mục tiêu phát triển bền vững.

Ngày 4/7, tại Hà Nội, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký 3 thỏa thuận vay với Chính phủ Việt Nam để cung cấp khoản vốn ODA với tổng trị giá 60,98 tỷ yên (tương đương 10.672 tỷ đồng).

Khoản vay ODA của JICA này sẽ tạo nguồn vốn cho chương trình “Hỗ trợ ngân sách chung để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam hậu đại dịch Covid-19”, dự án “Cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tại tỉnh Bình Dương” và dự án “Cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát triển nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 1”.

Việc ký kết các thỏa thuận vay nói trên đánh dấu cột mốc quan trọng trong kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.

Cụ thể, chương trình “Hỗ trợ ngân sách chung để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam hậu đại dịch Covid-19” được nhận tổng nguồn vốn 50 tỷ yên (tương đương 8.750 tỷ đồng).

Theo JICA, mặc dù nền kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng 8,02% GDP năm 2022, nhưng đại dịch đã làm suy yếu sức mạnh, khả năng phục hồi của nhiều nguồn lực kinh tế - xã hội, đặc biệt là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và người lao động.

Việt Nam là một nền kinh tế mở, có tỷ trọng thương mại quốc tế/GDP khoảng 180%. Trong bối cảnh tăng trưởng thế giới chậm lại, sức cầu thế giới sụt giảm, căng thẳng trong khu vực tài chính và lạm phát cao tại các nền kinh tế lớn, Chính phủ Việt Nam phải đương đầu với nhiều thách thức lớn để bảo vệ tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển xã hội.

Tăng trưởng GDP 2 quý đầu năm 2023 của Việt Nam ghi nhận ở mức thấp 3 3,72%, cho thấy tầm quan trọng và tính cấp thiết của các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy chi tiêu công của Chính phủ để kích thích nền kinh tế.

Do đó, JICA mong muốn khoản hỗ trợ ngân sách chung này có thể cung cấp cho Chính phủ Việt Nam nguồn vốn ưu đãi cao để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ hậu Covid-19 đã được Quốc hội thông qua.

Ông Sugano Yuichi, Trưởng Đại diện JICA Việt Nam phát biểu tại Lễ ký kết. Ảnh: JICA.
  • Ông Sugano Yuichi, Trưởng Đại diện JICA Việt Nam phát biểu tại Lễ ký kết. Ảnh: JICA.
  • Chương trình thứ hai là Dự án “Cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tại tỉnh Bình Dương” được nhận nguồn vốn 6,2 tỷ yên (tương đương 1.093 tỷ đồng).

    Trong những năm qua, tỉnh Bình Dương có sự gia tăng dân số đáng kể và quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Do đó, dự án “Cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông công cộng tỉnh Bình Dương” sẽ giảm bớt ùn tắc giao thông và tăng cường kết nối giữa các thành phố thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng.

    Cụ thể, dự án sẽ cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông nối thành phố mới Bình Dương và nhà ga Suối Tiên của Tuyến đường sắt đô thị số 1 TP HCM, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương.

    Dự án này đóng góp vào Mục tiêu phát triển bền vững SDGs số 9 (công nghiệp, đổi mới và cơ sở hạ tầng).

    Thứ ba là Dự án “Cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát triển nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng (Giai đoạn 1)” được nhận nguồn vốn 4,7 tỷ yên (tương đương 829 tỷ đồng).

    Tỉnh Lâm Đồng được thiên nhiên ban tặng nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Lãnh đạo tỉnh xác định đưa tỉnh trở thành trung tâm nông nghiệp tiên tiến của khu vực Tây Nguyên.

    Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã thiết lập Tầm nhìn trung và dài hạn trong Hợp tác Nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản, gồm 2 giai đoạn: 2015 – 2019 và 2020 – 2024, nhằm tăng cường chuỗi giá trị thực phẩm tại Việt Nam.

    Tầm nhìn đưa ra các sáng kiến cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng liên quan đến nông nghiệp và tỉnh Lâm Đồng là một trong những khu vực kiểu mẫu.

    Dự án được thành lập nhằm bước đầu chuyển đổi ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng. Tăng cường mạng lưới đường bộ để tạo thuận lợi vận chuyển nông sản, hệ thống thủy lợi và Trung tâm Thu mua hoa, hướng tới mục tiêu nâng cao thu nhập cho người nông dân và đẩy mạnh công nghiệp hóa ngành nông nghiệp.

    Dự án này sẽ đóng góp vào mục tiêu SDGs số 2 (không còn nạn đói) và số 12 (sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm). Dự án là một mô hình quan trọng trong hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản.

    Tin liên quan

    Đọc tiếp