Khánh thành Sân bay Điện Biên mở rộng, từ Hà Nội lên chỉ mất 35 phút

giao thông Điện Biên
12:01 - 24/12/2023
Chuyến bay đầu tiên của Hãng hàng không Vietnam Airlines chặng Hà Nội - Điện Biên với loại tàu bay A321. Ảnh: Vietnam Airlines
Chuyến bay đầu tiên của Hãng hàng không Vietnam Airlines chặng Hà Nội - Điện Biên với loại tàu bay A321. Ảnh: Vietnam Airlines
0:00 / 0:00
0:00
Sau khi sân bay Điện Biên hoàn thành, tỉnh Điện Biên và cả khu vực Tây Bắc sẽ có điều kiện mở rộng kết nối bằng đường hàng không với các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng.

Sáng 24/12, tại thành phố Điện Biên, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành 4 dự án: Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên, Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Dự án cầu Mỹ Thuận 2.

Bốn dự án với tổng vốn đầu tư là hơn 15.000 tỷ đồng, được đồng loạt tổ chức khánh thành ngày hôm nay tại 4 điểm cầu: TP Điện Biên, Tuyên Quang, Tiền Giang và Vĩnh Long. Đây là các công trình giao thông quan trọng được khánh thành trong năm 2023 và thực hiện theo đúng kế hoạch, tiến độ đề ra. Điều đặc biệt 4 dự án này triển khai thành công đã hiện thực hóa chủ trương phân cấp cho địa phương, huy động nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước.

Trong đó, Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên được khởi công ngày 22/1/2022, là một trong những công trình chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là dự án nhóm B, công trình giao thông cấp I, với tổng mức đầu tư hơn 1.467 tỷ đồng từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV.

Dự án gồm các hạng mục đường cất/hạ cánh 35-17kích thước 2.400mx45m, sân quay 2 đầu, đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 hoặc tương đương. Công suất khai thác nhà ga hành khách 500.000 khách/năm.

Ngày 2/12 vừa qua, hai chuyến bay đầu tiên của Hãng hàng không Vietnam Airlines (Hà Nội - Điện Biên) và Vietjet Air (TP HCM - Điện Biên) với loại tàu bay A321 đã lần lượt đáp xuống sân bay Điện Biên, đánh dấu hoạt động trở lại của sân bay này sau một thời gian nâng cấp, mở rộng.

Việc đưa các dòng máy bay cỡ lớn vào khai thác đã rút ngắn được thời gian di chuyển của hành khách so với trước đây, như đường bay Hà Nội - Điện Biên chỉ mất khoảng 35 phút (dòng máy bay ATR72 khoảng gần 60 phút); hay đường bay kết nối TPHCM chỉ còn hơn 2 giờ bay thẳng.

Với vai trò là sân bay duy nhất của 6 tỉnh biên giới Tây Bắc, sau khi sân bay Điện Biên hoàn thành, tỉnh Điện Biên và cả khu vực Tây Bắc sẽ có điều kiện mở rộng kết nối bằng đường hàng không với các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng theo định hướng hợp tác phát triển của Chính phủ và các nước ASEAN đã thống nhất.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.