Không để thẻ vàng IUU của Việt Nam bị “bay màu” sang đỏ

Hợp Tác Việt nAM
14:51 - 23/10/2021
Hội nghị “Đánh giá 04 năm triển khai Chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU, sáng 23/10.
Hội nghị “Đánh giá 04 năm triển khai Chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU, sáng 23/10.
0:00 / 0:00
0:00
Đây là phát biểu của Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Thủy sản tại Hội nghị “Đánh giá 04 năm triển khai Chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU", sáng 23/10.

Hội nghị nhằm tổng kết 04 năm triển khai hoạt động của Chương trình các doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU và thảo luận các giải pháp thúc đẩy nhanh quá trình gỡ “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với khai thác thủy sản Việt Nam.

Việt Nam không thể gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” nếu còn tàu cá vi phạm

Trình bày trước hội nghị, bà Phan Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU đã rất quyết liệt chỉ đạo phải tập trung giải quyết vấn đề thẻ vàng đối với khai thác thuỷ sản.

Các Bộ, Ban, ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển đã nỗ lực, quyết tâm triển khai các giải pháp chống khai thác IUU, thực hiện đầy đủ các khuyến nghị của EC nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng khai thác IUU, thực hiện các giải pháp để gỡ “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu áp dụng đối với Việt Nam từ ngày 23/10/2017

Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Thủy sản) cũng thông tin về nhận định chính thức của EC tại cuộc họp trực tuyến ngày 14/05/2020. Theo đó, trên cơ sở nghiên cứu báo cáo tiến độ của Việt Nam, EC khẳng định: Việt Nam không thể gỡ cảnh báo "thẻ vàng" nếu còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Các đoàn kiểm tra IUU đến các tỉnh cho thấy việc thực hiện khung pháp lý về thủy sản vẫn còn nhiều thiếu sót. Số lượng tàu trên 24m đi ra khỏi vùng biển Việt Nam còn rất cao (từ ngày 01/01/2020 đến ngày 15/10/2020 ghi nhận 260 tàu). Việt Nam cho rằng, ngư dân cần một thời gian để làm quen với khung pháp lý mới và các tỉnh sẽ từng bước cải thiện việc thực thi và xử phạt.

Bà Huệ nói: “EC đánh giá chúng ta đã có khung pháp lý rồi nhưng chưa triển khai được nhiều. Nên rất khó có thể gỡ thẻ vàng mà còn có thể bay màu từ vàng sang đỏ”.

Trong 4 năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực về chống khai thác IUU, và hoàn thiện khung pháp lý. Hệ thống pháp luật về thủy sản đã được hoàn thiện và cơ bản đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, đảm bảo quản lý, phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm. Việc triển khai bước đầu đã có nhiều cố gắng, tiến bộ.

Theo thông tin từ hội thảo, trong công tác theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu, Việt Nam đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đạt 90,87%, bước đầu đã đạt được kết quả trong theo dõi, quản lý tàu cá hoạt động trên biển. Số lượng tàu cá đã thực hiện đánh dấu theo quy định đạt 90,53%.

Việt Nam đã ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản, giảm tình hình tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan….

Một số tỉnh đã xử phạt bước đầu các tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, ngắt kết nối VMS như: Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận. Năm 2020, phạt 2.468 vụ với tổng số tiền xử phạt là 61.904.462.000 đồng. Từ đầu năm 2021 đến nay, phạt 1.527 vụ với tổng số tiền xử phạt là 13.679.600.000 đồng

Một số kiến nghị tăng cường chống khai thác IUU

Để tăng cường Chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU trong thời gian tới có hiệu quả, Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Thủy sản) đưa ra một số kiến nghị:

Hoạt động hợp tác các bên và quan hệ quốc tế trong Chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU
Hoạt động hợp tác các bên và quan hệ quốc tế trong Chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU

Thứ nhất, thực hiện các biện pháp mạnh, đồng bộ, quyết liệt để giảm số tàu cá vi phạm chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài.

Thứ hai, thực hiện có hiệu quả chế độ thông tin, báo cáo. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU) chuẩn bị chi tiết kế hoạch, kịch bản, nội dung làm việc với Đoàn Thanh tra EC sang Việt Nam lần thứ 3 để kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện các khuyến nghị về chống khai thác IUU. Các Bộ, ngành địa phương kịp thời báo cáo, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho Cơ quan Thường trực để chuẩn bị báo cáo gửi EC, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU.

Thứ ba, tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về IUU.

Thứ tư, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; nâng cao nhận thức về chống khai thác IUU; tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật; ưu tiên nguồn lực, đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng quản lý nghề cá.

Thứ năm, Hiệp hội ngành nghề thủy sản, đặc biệt là Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam tích cực tham gia hợp tác công tư trong công tác xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá; cộng đồng ngư dân, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản chung tay cùng Chính phủ hỗ trợ nguồn lực để chống khai thác IUU; kiên quyết từ chối thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU.

Thứ sáu, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật và nói không với khai thác IUU.

Trình bày về kế hoạch hoạt động của Chương trình doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU giai đoạn 2021 – 2022, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội VASEP khẳng định mục tiêu đến cuối năm 2021 sẽ chấm dứt được tình trạng tàu cá địa phương vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, để gỡ cảnh báo ”Thẻ vàng” của EC.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU tại cuộc họp lần thứ năm Ban chỉ đạo Quốc gia IUU (13/7/2021) đã đề ra mục tiêu hướng tới năm 2022 Việt Nam sẽ chính thức gỡ ”Thẻ vàng” của EC.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.