Không đồng nhất 'công nghiệp hóa' với 'phát triển công nghiệp'

KINH TẾ Việt nAM
22:54 - 18/07/2022
0:00 / 0:00
0:00
Qua 35 năm thực hiện công cuộc Đổi mới toàn diện và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Việt Nam đã có bước chuyển đổi sâu sắc. Tuy nhiên, quá trình này vẫn còn chậm, năng lực tự chủ về công nghệ và sản xuất của nền kinh tế còn thấp.

Ngày 18/7, đoàn công tác của Ban chỉ đạo xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã có buổi làm việc với Bộ Công Thương

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, trong những năm qua, chủ trương, đường lối về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã được Trung ương Đảng đặc biệt quan tâm xây dựng, hoàn thiện và chỉ đạo triển khai thực hiện xuyên suốt.

Qua 35 năm thực hiện công cuộc Đổi mới toàn diện và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Việt Nam đã có bước chuyển đổi sâu sắc. Từ một quốc gia kém phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp, đến nay Việt Nam đã thuộc nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình, vị thế trên trường quốc tế ngày càng cải thiện và được đánh giá cao.

Cơ cấu kinh tế ngành và nội ngành chuyển biến tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cơ cấu các ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm dần tỉ trọng ngành khai khoáng, tăng nhanh tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo; một số sản phẩm công nghiệp xuất khẩu có quy mô lớn, chiếm vị trí vững chắc trên thị trường thế giới; năng lực cạnh tranh toàn cầu của ngành công nghiệp tăng lên, phát triển công nghiệp từng bước đi vào chiều sâu...

Tuy nhiên, phải nhìn nhận thẳng thắn rằng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vẫn còn chậm, năng lực tự chủ về công nghệ và sản xuất của nền kinh tế còn thấp, việc tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách phát triển và bắt kịp các nước trong khu vực.

Do vậy, thực hiện chương trình công tác của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII vào tháng 10 tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án nhấn mạnh: "Bộ Công Thương là cơ quan đầu tiên Ban Chỉ đạo tới làm việc trực tiếp sau khi có dự thảo 1 của Đề án".

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án.

Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án.

Ông Trần Tuấn Anh đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến một số vấn đề như: Đánh giá bối cảnh chung trong nước và quốc tế đang tác động đến Việt Nam nói chung và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng; làm rõ mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam trong thời gian tới; các thành tố chính trong mục tiêu tổng quát của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 là gì? Tầm nhìn đến năm 2045 ra sao? Các mục tiêu/chỉ tiêu cụ thể cần nêu trong Nghị quyết tới sẽ thế nào…

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập cũng như đại diện các vụ, đơn vị của Bộ Công Thương đã tập trung trao đổi, thảo luận một số nội dung như quan điểm về: các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ và giải pháp có tính chiến lược để nâng cao năng lực tự chủ về công nghệ và sản xuất của nền kinh tế; các ngành công nghiệp nền tảng, ngành/sản phẩm công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mới có tính chiến lược trong thời gian tới. Các chủ trương, định hướng lớn về chính sách của Đảng đối với phát triển các ngành này.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo tổng kết lại các nội dung thống nhất tại Hội nghị gồm: Chuyển dịch sang mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm.

Ông Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo.

Ông Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo.

Không đồng nhất công nghiệp hóa với phát triển công nghiệp, nhưng phát triển công nghiệp trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn giữ vai trò là động lực, then chốt, nền tảng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Việt Nam cần có hệ thống giải pháp, chính sách đồng bộ, thống nhất từ lý luận đến thực tiễn để huy động nguồn lực và phát huy thế mạnh cho phát triển công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp trên thị trường toàn cầu.

Nhằm mục tiêu sớm thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 đã được Đại hội XIII thông qua, các ý kiến đều thống nhất đề nghị sớm ban hành một Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tin liên quan

Đọc tiếp