Kinh tế tiếp tục phục hồi tích cực, lạm phát được kiểm soát tốt

KINH TẾ Việt nAM
11:42 - 29/10/2022
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, lạm phát được kiểm soát. Qua đó, tạo dư địa để giải quyết những khó khăn nội tại, thích nghi, ứng phó với các thách thức từ bên ngoài.

Sáng 29/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 10/2022 nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2022; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.

Cuộc họp cũng đánh giá về triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đồng thời bàn các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại thời điểm cách đây đúng một năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022 - Ảnh: VGP.

Thủ tướng phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022 - Ảnh: VGP.

Đến nay, nhìn lại tháng 10 và 10 tháng vừa qua, tình hình rất khác 10 tháng của năm 2021. Tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường với các yếu tố rủi ro về cả kinh tế, chính trị, xã hội ngày càng gia tăng, tác động lớn trên quy mô toàn cầu.

Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ dự phiên họp tập trung đánh giá tình hình tháng 10 và 10 tháng vừa qua, nhìn lại kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân để đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp điều hành từ nay đến cuối năm.

Báo cáo phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, lạm phát được kiểm soát. Qua đó, tạo dư địa để giải quyết những khó khăn nội tại, thích nghi, ứng phó với các thách thức từ bên ngoài.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô cơ bản được giữ vững, điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, điều chỉnh hài hòa tỷ giá, lãi suất ở mức hợp lý, tiếp tục phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Cụ thể, CPI bình quân 10 tháng tăng 2,89%, tương đương cùng kỳ các năm 2018-2021. Đến ngày 25/10, tín dụng tăng 11,48% so với cuối năm trước, việc điều hành tỉ giá phù hợp diễn biến thị trường, bảo đảm nhu cầu ngoại tệ trong nước, duy trì dư địa điều hành, tiếp tục củng cố niềm tin thị trường, tránh áp lực dịch chuyển dòng vốn ra khỏi thị trường Việt Nam.

Thu ngân sách Nhà nước 10 tháng ước đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó thu nội địa đạt 98,4% dự toán, tăng 12,1%, tạo dư địa trong điều hành tài khóa.

Đáng chú ý, vốn FDI thực hiện tiếp tục tích cực, tính chung 10 tháng đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, góp phần giảm áp lực lên cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam trong ngắn hạn, đồng thời giúp gia tăng năng lực sản xuất mới của nền kinh tế trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi khá tích cực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 10 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng phục hồi, nhất là sức cầu trong nước,...

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, 10 tháng qua, Việt Nam cũng đã gặp phải không ít khó khăn, thách thức như tăng trưởng của các yếu tố cả về cung và cầu của nền kinh tế tuy đã đạt ở mức cao nhưng cơ bản chưa bù đắp được mức giảm sút của năm trước do tác động của dịch COVID-19. Thị trường tài chính, tiền tệ và chính sách điều hành đối mặt với áp lực ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn rủi ro. Dịch Covid-19 còn tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp, nguy cơ "dịch chồng dịch" tiềm tàng... Trong khi đó, tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, lạm phát được kiểm soát - Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, lạm phát được kiểm soát - Ảnh: VGP

Dự báo những tháng còn lại của năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, khó khăn, thách thức phải đối mặt là rất lớn, áp lực ngày càng gia tăng cả từ bên ngoài và bên trong nền kinh tế.

Bên cạnh lạm phát thì mối quan tâm đang có xu hướng chuyển dịch sang cả các lĩnh vực khác như bảo đảm an toàn tài sản, vốn đầu tư...

"Vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần có các giải pháp điều hành linh hoạt, chủ động hơn theo hướng thích ứng với tình hình, bối cảnh mới, không nằm ngoài xu hướng chính sách chung của các nước, nhưng cần có sự điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình trong nước", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Đọc tiếp