Lạm phát toàn cầu tiếp tục tăng và áp lực kiểm soát tại Việt Nam

VĨ MÔ THẾ GIỚI
17:01 - 08/02/2022
Lạm phát toàn cầu tiếp tục tăng và áp lực kiểm soát tại Việt Nam
0:00 / 0:00
0:00
Chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ được dự báo sẽ đạt đỉnh 7,3% trong tháng 1/2022. Không riêng FED, hàng loạt ngân hàng Trung ương khác trên toàn cầu cũng đang chạy đua trong cuộc chiến với lạm phát.

Áp lực lạm phát tại Mỹ được dự báo tiếp tục tăng

Một cuộc khảo sát do Bloomberg thực hiện với các nhà kinh tế học vào tuần trước cho thấy CPI tháng 1/2022 của Mỹ có thể tăng tới 7,3%, vượt mức 7% hồi tháng 12/2021 và là mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ đầu năm 1982. Lạm phát cơ bản được dự báo tăng 5,9%.

Thị trường cũng đang định giá cho những quan ngại lạm phát tiếp tục lên đỉnh. Bằng chứng là trong phiên giao dịch 7/2, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.813,93 USD/oz còn giá vàng kỳ hạn tăng 0,4% lên 1.814,70 USD/oz.

Ông Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures chỉ ra rằng hành vi đổ tiền vào vàng của nhà đầu tư thể hiện xu hướng tiền đang chảy vào tài sản trú ẩn an toàn trước lạm phát trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang (FED) dự kiến sẽ hành động quyết liệt hơn với chính sách tiền tệ thắt chặt.

Sau nhiều tháng lạm phát đạt mức cao kỷ lục, FED dự định bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3 tới. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng hành động như vậy có thể là quá muộn.

Quay trở lại thời điểm khoảng 1 năm trước, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cử cựu Chủ tịch FED Janet Yellen lên ghế Bộ trưởng Tài chính Mỹ, lý do ông đưa ra rất đơn giản: “Không có nhân sự nào có nền tảng tốt hơn để đối phó với cuộc khủng hoảng này”.

Vậy cuộc khủng hoảng mà Tổng thống Biden quan ngại là gì? Đó là sự phục hồi kinh tế theo mô hình chữ “K”, tức trạng thái phục hồi trái ngược nhau tùy ngành và lĩnh vực. Theo ông Biden, sự phục hồi theo mô hình chữ K sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng sau đại dịch.

Đứng trước quan ngại này, ông Biden cùng với cánh tay phải đắc lực của ông, Bộ trưởng Janet Yellen đã cùng bắt tay thúc đẩy gói chi tiêu chính phủ hàng nghìn tỷ USD với kỳ vọng rằng khi hàng trăm triệu người Mỹ được tiêm vaccine COVID-19 và số tiền kích thích này chảy vào nền kinh tế, kinh tế Mỹ sẽ phục hồi siêu tốc. Kế hoạch được thực thi trong khi chính quyền Biden bỏ ngoài tai hầu hết các cảnh báo về rủi ro lạm phát.

Cần nhấn mạnh rằng vào tháng 3/2021, khi ký ban hành dự luật kích thích chi tiêu hàng nghìn tỷ USD, Tổng thống Biden tuyên bố: “Chúng tôi đã rút ra bài học lớn từ những cuộc khủng hoảng trong quá khứ. Không có quá nhiều rủi ro đáng lo ngại”. Đến tháng 7/2021, ông Biden vẫn tiếp tục lặp lại thông điệp này: “Các chuyên gia của chúng tôi dự báo và dữ liệu mà chúng tôi thu thập được cũng cho thấy hầu hết các đợt tăng giá hiện tại chỉ là vấn đề tạm thời”.

Những thông điệp này phớt lờ hàng loạt cảnh báo nóng về lạm phát đã được các nhà kinh tế học đưa ra ngay từ đầu. Trong đó, đáng chú ý có thông điệp từ bộ ba cựu kinh tế gia của Nhà Trắng, ông Kevin Hassett (cựu cố vấn cấp cao của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump), ông Larry Summers (Bộ trưởng Tài chính Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton) và ông Jason Furman (chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama).

Phân tích những dữ liệu khác nhau, bộ ba này cùng đi đến một kết luận chung: hàng nghìn tỷ kích thích chi tiêu của chính phủ Mỹ đổ vào nền kinh tế trong bối cảnh các công ty không thể sản xuất đủ hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sẽ gây ra sự mất cân bằng cung cầu nghiêm trọng, khiến giá cả tăng vọt và lạm phát bùng phát.

Tháng 4/2021, KevinHassett tuyên bố lạm phát tại Mỹ đang bùng phát rất nhanh và đến tháng 6/2021, vị này nhận định lạm phát sẽ đạt 7% vào cuối năm.

Tất nhiên, FED và cả Bộ Tài chính Mỹ không mấy để tâm đến những cảnh báo như vậy. Để so sánh, vào đầu năm 2021, dự báo từ FED và Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ đều cho rằng lạm phát sẽ thấp hơn 1,5% vào cuối năm 2021.

Thực tế cho thấy Chính phủ Mỹ và cả ngân hàng Trung ương đã phán đoán sai lầm. Lạm phát rõ ràng không phải vấn đề nhất thời của kinh tế Mỹ, mà liên tục tăng nóng và không có dấu hiệu giảm nhiệt.

Đến tận ngày 24/10, tức khi lạm phát đã vọt lên mức cao nhất trong khoảng gần 3 thập kỷ, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen mới đưa ra một thông điệp thận trọng hơn trong cuộc trò chuyện trên CNN: “Tỷ lệ lạm phát vẫn sẽ ở mức cao trong năm tới vì cuộc khủng hoảng đã xảy ra. Nhưng tôi kỳ vọng tình hình sẽ cải thiện vào khoảng cuối đến giữa năm sau”.

Đầu tháng 12/2021, Chủ tịch FED Jerome Powell đưa ra quan điểm mạnh mẽ hơn với tuyên bố đã đến lúc ngưng sử dụng từ “tạm thời” khi nói về vấn đề lạm phát. Tuyên bố này đảo ngược lập trường lâu nay của FED và bản thân ông Powell rằng giá cả sẽ hạ nhiệt ngay khi nền kinh tế phục hồi, chuỗi cung ứng toàn cầu bớt gián đoạn.

Và đương nhiên, những thông điệp thừa nhận sự dai dẳng của lạm phát không thể giải quyết câu chuyện. Đúng như Kevin Hassett dự báo, đến tháng 12/2021, chỉ số giá tiêu dùng CPI tại Mỹ cho thấy mức tăng hàng năm 7%, cao nhất kể từ năm 1982. Lạm phát cơ bản (CPI lõi) tăng 4,9%.

Lạm phát tại Mỹ được dự báo vẫn tiếp tục tăng trong đầu năm 2022 và chưa đạt đỉnh.

Các ngân hàng Trung ương toàn cầu trong cuộc chiến chống lạm phát

Trong khi FED dự kiến bắt đầu tăng lãi suất từ tháng 3/2022, hàng loạt ngân hàng Trung ương toàn cầu đã đưa ra những biện pháp siết chính sách tiền tệ mạnh mẽ từ trước đó. Chỉ riêng từ đầu tháng 2 đến nay, nhiều ngân hàng Trung ương đã đưa ra các bước thắt chặt tiền tệ đáng chú ý.

Gần đây nhất, hôm 3/2, ngân hàng Trung ương Anh (BOE) tuyên bố bắt đầu chu trình thắt chặt định lượng (QT) và tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%. Đáng chú ý, kết quả bỏ phiếu của Ủy ban chính sách tiền tệ cho thấy 5 thành viên đồng thuận mức tăng lãi suất 0,25% và 4 thành viên đồng thuận mức tăng lãi suất lên tới 0,5%.

Những động thái “diều hâu” của BOE đến khi Vương quốc Anh đối diện với lạm phát lên tới 5,4% trong tháng 12/2021, mức lạm phát tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ. Có dự báo thậm chí cho rằng lạm phát có thể lên tới 7% tại Anh vào đầu năm 2022.

Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB dù chưa vội tăng lãi suất nhưng cũng mở đường cho khả năng tiến hành đợt tăng lãi suất đầu tiên trong năm nay khi lạm phát toàn khu vực tháng 12/2021 đạt mức kỷ lục 5,1%. Thống đốc ECB Christine Lagarde thừa nhận: “Tình hình thực sự đã thay đổi”.

Lạm phát tại nhiều nền kinh tế EU tăng vọt trong tháng 12/2021 (Ảnh: Eurostat)

Lạm phát tại nhiều nền kinh tế EU tăng vọt trong tháng 12/2021 (Ảnh: Eurostat)

Cùng ngày, ngân hàng Quốc gia Séc tăng lãi suất chính sách 0,75% lên 4,5%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2002 và là lần tăng lãi suất thứ 6 liên tiếp kể từ tháng 6/2021. Đáng chú ý, hồi tháng 11 và tháng 12/2021, ngân hàng này thực hiện 2 đợt tăng lãi suất liên tiếp với mức tăng lần lượt 1,25% và 1,0%, mức tăng gây sốc nhất trong vòng 24 năm.

Quốc gia này hiện đang chống chọi với lạm phát lên tới 6,6%.

Trước đó, ngày 2/2, ngân hàng Trung ương Brazil nâng lãi suất chính sách thêm 1,5% lên 10,75%. lần tăng lãi suất thứ 8 liên tiếp kể từ tháng 3/2021 và chưa có dấu hiệu dừng lại. Lạm phát tại Brazil đã lên tới 10,7% vào tháng 11/2021 và 10,1% vào tháng 12/2021.

Tại châu Á, ngân hàng Trung ương Hàn Quốc là một trong những ngân hàng tăng lãi suất từ rất sớm (tháng 8/2021). Hôm 14/1 vừa qua, ngân hàng này tiếp tục nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25% lên 1,25%, mức tăng lãi suất lần thứ 3 cho đến nay sau khi lạm phát tháng 12/2021 đạt 3,7%.

Trái ngược với xu hướng thắt chính sách tiền tệ, một số ngân hàng Trung ương khác trên toàn cầu vẫn đang tiếp tục theo đuổi lập trường nới lỏng. Chẳng hạn ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) gần đây tiếp tục nhấn mạnh không hướng tới “bình thường hóa” chính sách tiền tệ khi duy trì mức lãi suất chính sách ở -0,1%.

Tuy nhiên, BOJ đến nay đã liên tục giảm dần quy mô chương trình nới lỏng định lượng (QE). Dù lạm phát tại quốc gia này đã lên tới 0,8% tháng 12/2021, mức cao nhất kể từ đầu đại dịch, tuy nhiên tỷ lệ này vẫn rất nhỏ nếu so sánh với Mỹ và các nền kinh tế lớn khác.

Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) hôm 1/2 cũng tuyên bố sẽ kết thúc nới lỏng định lượng trong tháng này nhưng duy trì lãi suất cơ bản ở mức 0,1% mà không vội tăng lên bất chấp lạm phát đạt tới 3,5% vào quý IV/2021.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) thậm chí còn nới lỏng thêm chính sách tiền tệ thông qua hàng loạt đợt giảm lãi suất chính sách trong thời gian qua. Tại Trung Quốc, lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức thấp, chỉ khoảng 1,5%. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu giảm tốc do một số vấn đề nội tại bao gồm rủi ro trong lĩnh vực phát triển bất động sản…

Áp lực kiểm soát lạm phát tại Việt Nam

Theo Bộ Tài chính, mặt bằng giá tiêu dùng sau Tết Nguyên đán 2022 tiếp tục chịu nhiều áp lực đến từ các yếu tố khác nhau, đặc biệt là lạm phát nhập khẩu. Trong đó, đáng chú ý, giá xăng dầu tiếp tục cao do ảnh hưởng từ thị trường thế giới, dự kiến gây sức ép tới giá các mặt hàng sử dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuất và giá xăng dầu nói chung. Giá mặt hàng nguyên vật liệu cũng tiếp tục chịu áp lực từ xu hướng tăng giá của thị trường thế giới.

Cũng theo Bộ Tài chính, các chính sách hỗ trợ được thực hiện trong 2 năm gần đây cũng như các gói kích thích chuẩn bị tung ra cũng sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá cả trong nước.

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, có nhiều yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá cả, mà đáng chú ý nhất là nguồn cung hàng hóa tiêu dùng, lương thực thực phẩm dồi dào, đáp ứng cầu tiêu dùng. Các dịch vụ viễn thông, bưu chính cũng duy trì mức giá ổn định hoặc chủ động triển khai chương trình giảm giá cho một số đối tượng khách hàng…

Bên cạnh đó, việc giảm thuế VAT một số hàng hóa dịch vụ từ 10% xuống 8% kể từ ngày 1/2/2022 theo Nghị định về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ cũng được dự báo góp phần giảm áp lực lên mặt bằng giá.

Nhìn chung, giới chuyên gia nhận định áp lực lạm phát năm 2022 có tăng lên đáng kể so với năm 2021, tuy nhiên mức tăng khó vượt mức mục tiêu 4% mà Quốc hội đề ra do nền tảng vĩ mô vững chắc hiện tại và kinh nghiệm kiểm soát lạm phát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính.

Trao đổi với Mekong Asean trong các cuộc trò chuyện gần đây, TS. Cấn Văn Lực (chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV) nhận định lạm phát năm 2022 ở mức khoảng 3,5-3,8%. Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia) cho rằng lạm phát kỳ vọng dưới 3,3%.

Mặt bằng lãi suất tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp kỷ lục trong năm qua (Ảnh: BVSC)

Mặt bằng lãi suất tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp kỷ lục trong năm qua (Ảnh: BVSC)

Cho đến nay, NHNN vẫn duy trì mặt bằng lãi suất thấp kỷ lục để hỗ trợ nền kinh tế. Nhóm phân tích của VNDirect nhận định nhiều khả năng NHNN không nâng lãi suất trong ít nhất nửa đầu năm 2022 để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế. Tương tự, báo cáo mới nhất của KBSV cho rằng định hướng hỗ trợ chính sách tiền tệ của NHNN sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2022. Các chuyên gia từ VCBS cũng chỉ ra rằng áp lực tăng lãi suất trong năm 2022 không lớn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.