Lần đầu tiên xuất khẩu sang Australia lập kỷ lục vượt mốc 2 tỷ USD

Giao thương Australia
06:17 - 29/06/2022
0:00 / 0:00
0:00
Trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Australia đạt 2,3 tỷ USD. Đây được ghi nhận là mức cao nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện từ năm 2009.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Australia tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ 2021 đạt 1,7 tỷ USD). Xuất khẩu các mặt hàng sang thị trường này nhìn chung đều ghi nhận tăng trưởng lạc quan.

Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp luôn chiếm kim ngạch lớn nhất. Cụ thể, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 367 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021 đạt 308 triệu USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 267 triệu USD, tăng 26% (năm 2021 đạt 211 triệu USD)…

Xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác có mức tăng trưởng lớn nhất trong các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu sang thị trường này, đạt 95% so với cùng kỳ năm 221, đạt 248 triệu USD (năm 2021 đạt 127 triệu USD).

Đối với các sản phẩm nguyên liệu, dầu thô xuất khẩu sang Australia đạt 104 triệu USD, tăng tới 153% so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021 đạt 41 triệu USD). Thời gian qua, trước biến động của thị trường thế giới, đặc biệt là căng thẳng nguồn cung dầu mỏ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine diễn ra đã đẩy giá dầu lên cao. Trong tháng 3/2022, giá dầu của thế giới đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2007 và đã tăng hơn 55% từ đầu năm đến hết tháng 5/2022. Điều này đã tác động đến giá dầu thô xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Australia.

Xuất khẩu sắt thép và sản phẩm từ sắt thép cũng đạt tín hiệu tích cực khi tăng lần lượt là 84% và 21%. Hàng dệt may cũng tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, đạt 160 triệu USD. Riêng với mặt hàng giày dép ghi nhận giảm nhẹ (-2%), đạt mức 152 triệu USD.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu chất dẻo nguyên liệu và sản phẩm từ chất dẻo tăng lần lượt 22% và 25%, đạt 4,4 triệu USD và 37,5 triệu USD. Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, nhựa Việt Nam vẫn còn chiếm tỷ trọng thấp tại thị trường này dù hiện là nước cung cấp nhựa và sản phẩm nhựa cho Australia.

Bên cạnh đó, so với tăng trưởng bình quân thế giới thì xuất khẩu nhựa Việt Nam có sự tăng trưởng tốt hơn. Bình quân xuất khẩu nhựa giai đoạn 2017 – 2021 của Việt Nam sang Australia tăng hơn 11%, trong khi tăng trưởng nhập khẩu nhựa của Australia từ thế giới chỉ đạt 6,2%.

Các sản phẩm nhựa chính xuất khẩu sang Australia là các sản phẩm bao gói, đồ gia dụng, một số sản phẩm bằng nhựa.

Mỗi năm, thị trường Australia tiêu thụ trên 3,5 triệu tấn nhựa, trong đó khoảng 60% là nguồn nhập khẩu. Thương vụ Việt Nam dẫn số liệu từ Trung tâm thương nghiệp quốc tế, năm 2021, Australia nhập khẩu nhựa (mã HS39) đạt 7,29 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2020. Trong đó, nhập khẩu nhựa thành phẩm đạt 2,58 tỷ USD.

Các sản phẩm nhựa thành phẩm và bán thành phẩm được Australia nhập khẩu nhiều nhất bao gồm: các sản phẩm bao gói, vận chuyển hàng hóa, đồ gia dụng, tấm nhựa, màng nhựa, ống nhựa (mã HS 3923, 3920,3924,3917)… và các sản phẩm bằng nhựa khác (Mã HS 3929).

Thương vụ cho biết, Australia hiện nay khá ưa chuộng với các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường. Phía Chính phủ Australia cũng cam kết giảm thải chất nhựa khó xử lý trong Mục tiêu quốc gia về bao bì đến năm 2025. Trong thời gian tới, xu hướng tiêu dùng nhựa và nhu cầu tiêu dùng gia tăng sẽ là cơ hội thuận lợi cho ngành nhựa Việt Nam tại thị trường Australia.

Đối với mặt hàng nông sản, nhìn chung, trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sang Australia đều ghi nhận đà tăng, ngoại trừ hạt tiêu. Cụ thể, xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường này giảm 38% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 2,6 triệu USD (năm 2021 đạt 4,2 triệu USD).

Thời gian qua, giá cà phê thế giới biến động trái chiều, sau thời kỳ tăng trưởng trong tháng 3, giá cà phê bắt đầu chững lại và ghi nhận đi lùi từ đầu tháng 4 đến hết tháng 5/2022. Dù vậy, tính chung 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Australia vẫn tăng trưởng tốt, tăng trưởng tới 130% so với cùng kỳ năm trước, đạt 23 triệu USD.

Đối với mặt hàng thủy sản, xuất khẩu sang thị trường này đạt 157 triệu USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021 đạt 106 triệu USD). Tôm và cá các loại là các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường này.

Trong đó, đối với mặt hàng cá tra, trong 5 tháng đầu năm, Australia nhập khẩu 16,5 triệu USD cá tra từ Việt Nam, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021 đạt khoảng 12,7 triệu USD).

Với mặt hàng tôm, Việt hiện đang có ưu thế lớn tại thị trường này. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 95 triệu USD, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2021. Đây được ghi nhận là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ các năm trước đó.

Trong năm 2021, Australia là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 7 của Việt Nam, chiếm 5% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt. Trong quý đầu năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường này. Cũng trong quý I, giá tôm Việt được ghi nhận có mức giá cao hơn so với các thị trường đối thủ, đạt 11 USD/kg (Trung Quốc đạt 9,83 USD/kg, Thái Lan đạt 9,25 USD/kg).

Đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, 5 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này đạt 80,6 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021 đạt 69 triệu USD). Trong đó, nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nhờ nhu cầu thị trường lớn và lợi thế từ các hiệp định đã ký kết với Australia.

Tuy nhiên, hiện giá trị xuất khẩu gỗ của Việt Nam mới chỉ chiếm 11,4% tổng trị giá nhập khẩu của thị trường này. Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Australia là thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 7 trên thế giới, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ trung bình đạt 1,5 tỷ USD/năm trong giai đoạn năm 2017 – 2021, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 4,8%.

Do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vẫn còn nhiều dư địa tại thị trường này, đặc biệt là nhóm đồ nội thất bằng gỗ (vốn là nhóm hàng mang lại giá trị gia tăng cao cho ngành gỗ Việt Nam).

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.