Liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn yếu

FDI Việt nAM
16:59 - 05/12/2023
Tọa đàm "Liên kết doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu". Ảnh: Kiều Chinh - Mekong ASEAN
Tọa đàm "Liên kết doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu". Ảnh: Kiều Chinh - Mekong ASEAN
0:00 / 0:00
0:00
Đây là nhận định được chuyên gia nêu tại Tọa đàm "Liên kết doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu", ngày 5/12.

Trình bày báo cáo nghiên cứu tại tọa đàm do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) cùng Viện Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) tổ chức, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR cho rằng, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với sự góp mặt của nhiều tập đoàn đa quốc gia đã góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, nâng cao năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp trong nước.

Sự xuất hiện của các doanh nghiệp FDI không những là mắt xích quan trọng, mà còn tạo đòn bẩy để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này đã được thể hiện khi khu vực FDI luôn là đầu tàu dẫn dắt xuất khẩu của Việt Nam.

Tỷ trọng của khu vực FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng nhanh chóng, từ mức 30% vào năm 1997 khi Việt Nam gia nhập ASEAN lên 65% giai đoạn 2011 - 2015, khoảng 71% giai đoạn 2016 - 2020.

Theo Tổng cục Hải quan, tổng giá trị xuất nhập khẩu của khu vực FDI trong năm 2022 đạt 506,83 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 273,63 tỷ USD, chiếm 73,7% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước. Giá trị nhập khẩu của khối FDI năm 2022 đạt 233,2 tỷ USD, chiếm 65% tổng giá trị nhập khẩu cả nước.

Cán cân thương mại hàng hóa của khối FDI năm 2022 lên mức thặng dư 40,42 tỷ USD. Như vậy có thể thấy khu vực FDI chiếm ưu thế trong giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam. Điều này cho thấy sự phát triển mạnh của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam và đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp này vào nền kinh tế Việt Nam.

"Tuy nhiên, nguồn vốn FDI dồi dào đã cho Việt Nam một hình ảnh mới trên bản đồ thương mại nhưng chưa thể kéo nền kinh tế lên nấc thang giá trị cao hơn. Nhập khẩu đầu vào để gia công, lắp ráp của Việt Nam có giá trị gia tăng thấp, lan tỏa công nghệ yếu", TS. Nguyễn Quốc Việt nhận định.

Nhóm ngành cơ bản (ngành cấp 1) có tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu giá trị gia tăng của Việt Nam không chỉ phản ánh thực tế Việt Nam là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới của các sản phẩm như gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu và các sản phẩm thủy sản mà còn cho thấy vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế quốc dân.

Nhóm ngành dịch vụ (ngành cấp 3) chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 trong tổng xuất khẩu giá trị gia tăng của Việt Nam, chiếm 34% trong năm 2017.

Trong khi đó, tỷ trọng đóng góp vào xuất khẩu của nhóm ngành chế biến, chế tạo (ngành cấp 2) khá khiêm tốn, chỉ chiếm 25% năm 2017 mặc dù nhóm ngành này đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giỏ xuất khẩu của Việt Nam.

Sự bất đối xứng giữa tỷ trọng đóng góp vào tổng xuất khẩu và tổng xuất khẩu giá trị gia tăng của nhóm ngành chế biến chế tạo phản ánh thực tế xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu tập trung vào các hoạt động sử dụng nhiều lao động với giá trị gia tăng thấp, và các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa đủ khả năng cung cấp cho các nhà sản xuất FDI định hướng xuất khẩu.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR

Liên kết FDI "ngược" - "xuôi" đều yếu

Phân tích rõ hơn về mối liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI, theo TS. Nguyễn Quốc Việt, chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc trình độ công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn xếp ở vị trí thấp (90/100).

Trong đó, theo số liệu World Economic Forum 2019, công nghệ nền tảng đứng thứ 92/100; năng lực đổi mới sáng tạo thứ 77/100; FDI và chuyển giao công nghệ xếp thứ 73/100.

Tỷ lệ sản phẩm công nghệ trung bình và cao cấp của Việt Nam chỉ chiếm 30% tổng giá trị xuất khẩu. Trong khi các nước trong khu vực đạt tới 80%.

Ở chiều ngược lại, liên kết giữa các doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI mạnh mẽ nhưng chỉ nổi bật nhất ở nhóm ngành có công nghệ thấp, trung bình và nhóm ngành dịch vụ.

Theo đó, nhóm phân tích VEPR đúc kết, mặc dù đã thu hút nhiều FDI, song mối liên kết cả "ngược" lẫn "xuôi" giữa khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn yếu.

Đồng thuận quan điểm trên, ông Simon Kreye, Phó Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức chia sẻ tại tọa đàm, hiện có hơn 500 doanh nghiệp Đức đang đầu tư, phát triển tại Việt Nam. Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng vào Việt Nam đã diễn ra kể từ khi Việt Nam ký các Hiệp định thương mại tự do, song phương với các quốc gia EU và càng tăng cường kể từ khi các quốc gia này áp dụng chiến lược Trung Quốc + 1.

Đề cập đến quan hệ thương mại hai bên, ông Simon Kreye nhấn mạnh, Đức là một trong đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong số các quốc gia EU, với tổng giá trị đầu tư là khoảng 2,4 tỷ Euro với khoảng 450 dự án đang triển khai, tạo khoảng trên dưới 50.000 việc làm.

Các doanh nghiệp Đức đã và đang hưởng lợi nhiều từ chính sách thu hút FDI của Việt Nam nhưng tính liên kết của doanh nghiệp hai bên chưa được thể hiện nhiều. Đây là bài toán với các nhà hoạch định chính sách.

Ông Simon Kreye, Phó Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức

Theo ông Simon Kreye, công ty của Việt Nam mới chỉ tham gia vào những thang bậc thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu và vẫn chưa được kết nối đầy đủ với doanh nghiệp FDI. Thời gian tới, đây sẽ mục tiêu rất quan trọng để các doanh nghiệp của Việt Nam tăng cường năng lực sản xuất cũng như hội nhập sâu chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp Việt

Khuyến nghị giải pháp, TS. Nguyễn Quốc Việt chia sẻ, để tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI cần đánh giá lại toàn thể các chính sách hỗ trợ cũng như hoàn thiện môi trường kinh doanh.

Theo vị chuyên gia này, công nghiệp hỗ trợ là thị trường đang và sẽ có nhu cầu lớn, tạo thời cơ thuận lợi thu hút đầu tư cho Việt Nam. Do đó, việc đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu, linh phụ kiện cho hoạt động này hết sức quan trọng khi khả năng đáp ứng của doanh nghiệp Việt hiện chỉ đạt khoảng 36% - thấp hơn nhiều so với Trung Quốc và Ấn Độ.

Đồng thời, cần đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cho toàn bộ nền kinh tế nói chung và khu vực doanh nghiệp nội địa nói riêng.

"Nếu không sớm quan tâm và thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp Việt thì hiệu quả thu hút FDI sẽ không cải thiện nhiều trong thời gian tới. Vì thế, phải làm tốt điều này, bởi đó là điều kiện cần để bức tranh kinh tế Việt Nam thực sự tươi sáng hơn với những dấu ấn đậm nét hơn ở chuỗi cung ứng toàn cầu, trong nỗ lực thu hút FDI", Phó Viện trưởng VEPR quan điểm.

Duy trì mối liên kết giữa các Hiệp hội tổ chức quốc tế với các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam để có chính sách phù hợp.

Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Quốc Việt, hệ sinh thái các doanh nghiệp của chúng ta phải liên kết với doanh nghiệp hoặc trường đại học cung ứng các dịch vụ chuyển giao công nghệ hay đổi mới sáng tạo, kể cả là sự thay đổi mô hình quản lý mô hình kinh doanh cho đến cung cấp và cung ứng đào tạo nhân lực.

Đọc tiếp