Liên kết vùng là động lực giúp Khánh Hòa thực hiện thành công cơ chế đặc thù

Liên kết vùng Khánh Hòa
20:18 - 25/06/2022
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh cho rằng, nếu không có sự hợp tác liên kết giữa các địa phương trong tiểu vùng Nam Trung Bộ thì một mình tỉnh Khánh Hòa khó có thể thực hiện được các cơ chế đặc thù.

Ngày 24/6, tại tọa đàm "Liên kết phát triển tiểu vùng Nam Trung Bộ trong bối cảnh mới", ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa đã chia sẻ với báo chí: "Việc triển khai thực hiện tốt cơ chế đặc thù trong Nghị quyết 55 mà Quốc hội vừa mới thông qua cho tỉnh Khánh Hòa không chỉ tạo đà cho sự phát triển riêng của tỉnh, mà còn tạo điều kiện, tạo ra sự lan tỏa cho sự phát triển chung của tiểu vùng".

"Bên cạnh đó, có rất nhiều nội dung nếu không có sự hỗ trợ, hợp tác liên kết giữa các địa phương trong tiểu vùng thì một mình tỉnh Khánh Hòa khó có thể thực hiện thành công các cơ chế thí điểm vừa rồi"

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh

Trong thời gian vừa qua, Khánh Hòa cùng với các địa phương trong tiểu vùng Nam Trung Bộ nói riêng và trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung nói chung đã có nhiều hoạt động để hợp tác liên kết và tạo ra những hiệu quả nhất định trong thực hiện và triển khai những quy hoạch cũng như xác định những cơ chế phối hợp trong việc tổ chức thực hiện những công việc cụ thể.

Nghị quyết 55 của Quốc hội đã mở ra cơ hội bổ sung thêm nguồn lực từ ngân sách nhà nước, thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm tại Khu Kinh tế Vân Phong, phát triển nuôi trồng thủy hải sản trên biển nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Khánh Hòa trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời giải quyết những yếu kém nội tại về kinh tế-xã hội của tỉnh thời gian qua

"Chúng ta sẽ có nhiều việc cần làm để việc hợp tác đúng hướng, thực chất và có hiệu quả”, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa chia sẻ với các vị lãnh đạo Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Thiếu "nhạc trưởng" điều phối liên kết vùng

Ngoài ra, ông Ninh cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc phát triển liên kết vùng Nam Trung Bộ trong thời gian vừa qua. Chính vì vậy, ông đưa ra 2 đề xuất nhằm cải thiện khả năng liên kết vùng, tận dụng sức mạnh nội lực.

"Một trong những việc chúng tôi thấy mà rất cần đề xuất, đó là Trung ương, các cơ quan có thẩm quyền nên tính toán một cơ chế liên kết vùng thực chất và hiệu quả. Tôi nghĩ rằng cần phải có một cơ chế quản lý có đủ thẩm quyền", Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh nói thêm.

Khi đã có một "nhạc trưởng" đứng ra định hướng, dẫn dắt thì cũng cần có thêm cơ chế kiểm tra, đánh giá định kỳ về những nội dung hợp tác liên kết, việc làm phải có kiểm tra có đánh giá, có xem xét kịp thời để khắc phục những điểm bất cập, hạn chế.

Vị lãnh đạo này cũng nhấn mạnh: "Tránh cái việc là chúng ta đề ra nội dung, công việc nhưng lại bỏ đó và chỉ đến khi tổng kết, chúng ta mới nhận thấy tồn tại. Vì thế chúng tôi đề nghị cần có cơ chế kiểm tra, đánh giá định kỳ thường xuyên hơn, hợp tác thực chất hơn."

Tiểu vùng Nam Trung Bộ nói riêng, vùng Bắc Trung Bộ cũng như duyên hải miền Trung có rất nhiều tiềm năng thế mạnh để phát triển. Thứ duy nhất còn thiếu là một cơ quan quản lý nắm vai trò điều phối cùng cơ chế chính sách phù hợp để tạo cơ hội bứt phá cho vùng.

Ngày 16/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 55/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, với mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa “là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao”.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.