Lợi nhuận Tập đoàn Nam Cường 'lao dốc'

Nam Cường bđs
09:42 - 21/09/2023
Khu đô thị mới Dương Nội do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư.
Khu đô thị mới Dương Nội do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
Nếu như năm 2022, Nam Cường vẫn lãi hàng nghìn tỷ đồng bất chấp thị trường bất động sản trầm lắng thì sang 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp dường như đã bắt đầu "ngấm" sự khó khăn.

Trong bản công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính của CTCP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội (Tập đoàn Nam Cường) trên HNX, doanh nghiệp báo lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 đạt gần 195 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến ngày 30/6, vốn chủ sở hữu của công ty gần 7.888 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Nợ phải trả ở mức 3.246 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm; trong đó dư nợ trái phiếu còn hơn 338 tỷ đồng. Tổng tài sản của doanh nghiệp đạt hơn 11.100 tỷ đồng.

Công bố thông tin về tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu bán niên 2023 cho thấy, Nam Cường đang lưu hành một lô trái phiếu kỳ hạn 5 năm, phát hành vào ngày 28/12/2018. Ngày đáo hạn là 28/12/2023. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 718 tỷ đồng và hiện còn hơn 338 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm nay, công ty phải thanh toán gần 20 tỷ đồng tiền lãi trái phiếu.

CTCP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội tiền thân là Tổ hợp dịch vụ Vận tải vật tư nông nghiệp & xây dựng Xuân Thủy, thành lập từ năm 1984. Năm 2010, sau khi chủ tịch thời bấy giờ là ông Trần Văn Cường qua đời, vợ của ông Cường là bà Lê Thị Thúy Ngà tiếp quản tập đoàn từ đó đến bây giờ.

Sau khi cha qua đời, con gái ông Cường là Trần Thị Quỳnh Ngọc dần tham gia vào công việc của tập đoàn. Cô trở nên nổi tiếng trong giới kinh doanh từ sự kiện trở thành Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Cường khi mới chỉ 20 tuổi. Ngoài ra, một vị trí quan trọng khác là tổng giám đốc cũng do chú ruột của Quỳnh Ngọc là ông Trần Văn Nghĩa đảm nhiệm nhiều năm. Mới đây, ngày 19/6/2023, Nam Cường thay đổi tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật từ ông Nghĩa sang ông Lê Văn Cương (SN 1963).

Tập đoàn Nam Cường hiện có vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng, địa chỉ tại Khu đô thị mới Hòa Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Doanh nghiệp này là chủ đầu tư của nhiều dự án khu đô thị quy mô lớn tại khu vực phía Bắc, như: Khu đô thị mới Dương Nội, Khu đô thị mới Cổ Nhuế (tại Hà Nội); Khu đô thị mới Hòa Vượng và Thống Nhất (tại Nam Định); Khu văn hóa thể thao và đô thị mới phía Đông, Khu đô thị mới phía Tây (tại Hải Dương); Khu đô thị Mỹ Trung (Nam Định)...

Trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, Nam Cường có dự án Khu tổ hợp dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Nam Cường Phú Quốc tại tỉnh Kiên Giang, cùng hệ thống khách sạn Nam Cường ở các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội…

Năm 2022, Nam Cường báo lãi sau thuế 1.168 tỷ đồng. Mặc dù giảm 29% so với năm 2021 nhưng đây vẫn là con số mơ ước của các doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh thị trường khó khăn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.