Mang nghề thêu đáp vải của người Mông đen đến với thủ đô

Nghệ thuật dân tộc
07:28 - 26/08/2023
Nghệ nhân Thào Thị Sung trực tiếp hướng dẫn khách tham quan trải nghiệm nghệ thuật thêu truyền thống. Ảnh: Anh Thư
Nghệ nhân Thào Thị Sung trực tiếp hướng dẫn khách tham quan trải nghiệm nghệ thuật thêu truyền thống. Ảnh: Anh Thư
0:00 / 0:00
0:00
Thêu đáp vải là kỹ thuật truyền thống của người dân tộc Mông đen, được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Mỗi họa tiết được thêu tỉ mỉ đều có chức năng, biểu tượng riêng, mang trong mình văn hóa và tín ngưỡng của dân tộc.

Để giới thiệu, đưa nghệ thuật thêu đặc sắc này của người Mông đen tới gần hơn với người dân, bạn trẻ yêu thích tại Hà Nội, ngày 25/8, Craft Link đã tổ chức trình diễn nghệ thuật thêu truyền thống của người Mông ở xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Chia sẻ với Mekong ASEAN, nghệ nhân Thào Thị Sung, người trực tiếp hướng dẫn khách tham quan trải nghiệm nghệ thuật thêu truyền thống của dân tộc mình cho biết, thêu đáp vải là nghệ thuật độc đáo của riêng người Mông đen, với những lớp hoa văn và phối màu mang tính đặc trưng của dân tộc. Dù thời gian gần đây, các nghệ nhân liên tục đổi mới mẫu hoa văn để nâng cao tính thẩm mỹ của bộ trang phục, thì cách thêu truyền thống này vẫn được gìn giữ và trở thành nét đặc sắc riêng có của người Mông đen.

Trang phục của người Mông đen ở Sa Pa được làm từ vải lanh tự trồng, tự nhuộm chàm theo lối truyền thống và được mài với sáp ong cho mềm và bóng. Người phụ nữ Mông đen không mặc váy mà mặc quần lửng ngang đầu gối để tiện cho sinh hoạt hàng ngày, đồng thời quấn xà cạp quanh 2 ống chân nhằm bảo vệ đôi chân của mình trong quá trình săn bắn, hái lượm.

Bộ trang phục truyền thống của người Mông đen ở Sa Pa. Ảnh: Anh Thư

Bộ trang phục truyền thống của người Mông đen ở Sa Pa. Ảnh: Anh Thư

Theo nghệ nhân Thào Thị Sung, trang phục của phụ nữ Mông đen không rực rỡ như trang phục của nhiều nhóm Mông khác ở vùng Tây Bắc, mà giản dị hơn với các màu chàm, đen, xanh làm chủ đạo. Tuy nhiên bộ trang phục lại được trang trí cầu kỳ tại phần cổ áo, tay áo và thắt lưng với nhiều kỹ thuật kết hợp.

Đặc biệt, phần cổ áo được đánh giá là bộ phận rất quan trọng nên được đầu tư kỹ lưỡng nhất. Trong trang phục truyền thống, cổ áo được may bản to, thêu rất cầu kỳ, khi mặc người Mông đen sẽ dựng thẳng cổ áo để khoe phần thêu đáp vải trang trí cầu kỳ ở mặt sau, cũng như bảo vệ phần cổ khỏi côn trùng và các loại bệnh trong rừng.

Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới trang phục, để tiện làm việc, thích ứng với thời tiết, phần cổ áo đã được đơn giản hóa như cổ áo sơ mi bình thường, còn phần thêu hoa văn cầu kỳ được chuyển xuống phần lưng nhằm tăng tính thẩm mỹ.

Mỗi năm, một nghệ nhân chỉ có thể làm ra được một bộ đồ truyền thống

Nghệ nhân Thào Thị Sung chia sẻ, quy trình thêu một miếng hoa văn làm cổ áo gồm khá nhiều bước đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ chọn vải chất lượng tốt đã nhuộm, chọn các miếng vải bông dùng khâu ghép, khâu viền (thường là vải đỏ, trắng, đen), đến chọn chỉ tơ tằm các màu và chỉ cotton màu đen, trắng.

Khi có đủ nguyên vật liệu, người phụ nữ Mông sẽ dùng chỉ tơ tằm màu xanh lá cây hoặc vàng thêu các đường thẳng bằng kỹ thuật thêu riêng biệt của người Mông để chia ô trên mặt vải làm khung cho bước đáp vải rồi dùng vải bông mỏng khâu ghép vào. Người Mông có thể ghép 1 đến 2 lớp vải chồng lên nhau, phổ biến nhất là lớp vải màu trắng rồi đến lớp vải đỏ, thường lớp vải đỏ sẽ nhỏ hơn một chút để lộ ra viền trắng.

Sau khi ghép vải sẽ thêu phần hoa văn chính với các mũi móc xích bằng chỉ cotton màu đen cỡ to. Hoa văn chủ yếu có dạng xoắn ốc và được uốn vào các khuôn có dạng góc vuông. Sau đó, thêu mũi móc xích chạy viền xung quanh đường lõi màu đen.

Cuối cùng, người phụ nữ Mông đen sẽ phủ kín nốt các mảnh ghép vải nhỏ ở đường khung viền, góc nhỏ bằng nhiều dạng mũi thêu kết hợp và làm thêm lớp lót bằng vải bông nhuộm chàm, may các đường nẹp viền màu trắng, đỏ, đen và một viền lớn màu đỏ trên ba cạnh của cổ áo.

Chiếc cổ áo hoàn thiện sẽ được khâu ghép vào chiếc áo dài tay hay áo khoác ngoài. Công thức này được làm tương tự với các mảnh tay áo, lưng áo hoặc thắt lưng được trang trí cầu kỳ của người Mông đen.

Các sản phẩm thủ công được làm theo cách thêu riêng của người dân tộc Mông đen được trưng bày tại buổi trải nghiệm. Ảnh: Anh Thư

Các sản phẩm thủ công được làm theo cách thêu riêng của người dân tộc Mông đen được trưng bày tại buổi trải nghiệm. Ảnh: Anh Thư

Cách thêu đặc biệt này của người Mông ở Sa Pa tạo nên một tổng thể rất hài hòa, có nền, có điểm nhấn trong bố cục, có sự đối lập về màu sắc, có sự thay đổi nhịp điệu trên bề mặt tạo sự thú vị khi nhìn và chạm vào. Những tấm cổ áo thêu này rất bền, nên dù chiếc áo đã sờn rách mà chiếc cổ áo vẫn rất đẹp.

Tuy nhiên, theo nghệ nhân Thào Thị Sung, do cách thêu cầu kỳ, thông thường một nghệ nhân mỗi năm chỉ làm được một bộ quần áo truyền thống với hoa văn phức tạp, còn nếu sử dụng hoa văn đơn giản thì một năm cũng chỉ có thể làm ra hai bộ.

Làm giàu thêm vốn văn hóa về các dân tộc anh em

Bên cạnh việc được chứng kiến, hướng dẫn tỉ mỉ các công đoạn thêu ghép vải truyền thống, người tham quan còn được nghe nghệ nhân Thào Thị Sung chia sẻ về ý nghĩa của họa tiết, hoa văn và bộ trang phục truyền thống đã trở thành đặc trưng của người Mông đen.

Có mặt tham gia buổi trải nghiệm, chị Trần Thị Mỹ Dung chia sẻ rằng bản thân rất thích đưa các con gái của mình tham gia các sự kiện như thế này để sau này các bạn trẻ đem niềm tự hào là người Việt Nam giới thiệu những nét văn hóa, truyền thống của 54 dân tộc anh em với bạn bè thế giới.

“Những buổi trải nghiệm này không chỉ giúp các con học được thêm nhiều kiến thức mới, mà còn để làm dày thêm vốn văn hóa, để các con hiểu được thêm về các dân tộc anh em và truyền thống của họ”, chị Dung chia sẻ.

Sau khi ghép vải sẽ thêu phần hoa văn chính với các mũi móc xích bằng chỉ cotton màu đen cỡ to. Ảnh: Anh Thư
Sau khi ghép vải sẽ thêu phần hoa văn chính với các mũi móc xích bằng chỉ cotton màu đen cỡ to. Ảnh: Anh Thư

Là một người trẻ tham gia các chương trình giới thiệu văn hoá như thế này, chị Nguyễn Phương Linh cho biết, chị có thể học hỏi nghệ thuật, văn hóa truyền thống của người xưa, tìm hiểu về sự đổi mới, cải tiến của nghệ nhân dân tộc đối với các sản phẩm thủ công truyền thống.

Chị Linh cho rằng, những kỹ thuật thêu - dệt, may vá trang phục này không chỉ là một nét văn hóa đặc sắc mà còn đại diện cho cả lịch sử của một dân tộc, giúp người tham quan hiểu được về lối sống, đặc tính của dân tộc đó nữa.

Tin liên quan

Đọc tiếp