May 10 sắp phát hành cổ phiếu ESOP với giá 13.600 đồng

Dệt May Việt nAM
11:45 - 04/08/2023
May 10 sắp phát hành cổ phiếu ESOP với giá 13.600 đồng
0:00 / 0:00
0:00
Với 1,5 triệu cổ phiếu ESOP chuẩn bị phát hành cho người lao động, May 10 dự kiến thu được hơn 20,5 tỷ đồng, nâng vốn từ hơn 302 tỷ đồng lên gần 323 tỷ đồng.

HĐQT Tổng Công ty May 10 - CTCP (mã: M10) ngày 3/8 đã thông báo về việc thông qua triển khai phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) năm 2023 với tỷ lệ 5%.

May 10 dự kiến sẽ phát hành hơn 1,5 triệu cổ phiếu ESOP với giá 13.600 đồng/ cổ phiếu. Đối tượng tham gia chương trình là nhân viên nghiệp vụ tiêu biểu, có năng lực chuyên môn, có nhiều sáng kiến cải tiến, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; cán bộ chủ chốt đang nắm giữ các vị trí là chức danh lãnh đạo, điều hành, quản lý trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại tổng công ty.

Toàn bộ cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023 - 2024, sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép chào bán cổ phiếu.

Tổng số tiền dự kiến thu được hơn 20,5 tỷ đồng sẽ được bổ sung vào vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Dự kiến sau khi hoàn tất đợt phát hành, M10 sẽ tăng vốn từ hơn 302 tỷ đồng lên gần 323 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 3/8, cổ phiếu M10 đứng giá 17.400 cổ phiếu, cao hơn 22% thị giá cổ phiếu ESOP mà ngân hàng chuẩn bị phát hành.

Tại diễn biến liên quan, ngày 9/6 vừa qua, M10 đã chi hơn 54 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2022 cho cổ đông với tỷ lệ 18% (tương đương 1.800 đồng/cổ phiếu).

Về tình hình kinh doanh tại M10, sau nửa đầu năm 2023, công ty này đạt doanh thu thuần xấp xỉ 1.900 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ 2022 và lãi trước thuế 54,6 tỷ đồng, giảm 11%. Kết quả, công ty này đã thực hiện được một nửa kế hoạch lợi nhuận năm (110 tỷ đồng).

Theo giải trình của May 10, doanh thu giảm do tình hình thị trường khó khăn, đơn hàng thiếu hụt, nhỏ lẻ, thời gian giao hàng ngắn, các đơn hàng truyền thống giảm về cả số lượng và giá trị. Công ty phải tìm kiếm các chủng loại sản phẩm không phải sở trường để thay thế, trong khi yêu cầu về chất lượng sản phẩm và thời hạn giao hàng khắt khe làm giảm hiệu quả.

Bên cạnh đó, giá gia công giảm từ 20-50%. Ngoài ra, tình trạng đơn hàng bị hủy, tạm dừng sản xuất làm kế hoạch sản xuất bị động, tăng áp lực và chi phí khâu chuẩn bị sản xuất.

Mặc dù vậy, May 10 vẫn lo công việc và trả lương đầy đủ cho hơn 12.000 công nhân đang lao động tại công ty.

Chia sẻ tại Hội thảo "Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp" ngày 25/7, ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc May 10 cho biết, ngành dệt may đã trải qua nửa đầu năm 2023 vô cùng trầm lắng với hoạt động sản xuất và xuất khẩu suy giảm rất sâu, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thậm chí bán đi một phần tài sản.

"Tổng công ty May 10 cũng không tránh khỏi những khó khăn chung của toàn ngành. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, bằng một loạt biện pháp, đến nay, hơn 12.000 người lao động trực thuộc May 10 và công ty liên doanh liên kết chưa phải nghỉ việc một ngày nào, đây được coi là thành công của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn chung", ông Việt cho biết.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.