Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2022 của Quốc hội là 'trong tầm tay'

VĨ MÔ Việt nAM
16:41 - 07/12/2021
Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2022 của Quốc hội là 'trong tầm tay'
0:00 / 0:00
0:00
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright nhận định mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% mà Chính phủ đưa ra cho năm 2022 là “trong tầm tay” nhưng ông nhấn mạnh, "đà phục hồi không đơn giản là con số thống kê"

Bối cảnh diễn biến kinh tế thế giới

Trong một báo cáo gần đây, Ngân hàng Bank of America (BoA) cảnh báo 2 rủi ro lớn cho triển vọng kinh tế toàn cầu nói chung và các thị trường tài chính nói riêng là lạm phát tăng cao và khả năng lây lan của các biến chủng COVID mới. Các nhà phân tích BoA do đó đã nâng dự báo lạm phát toàn cầu năm 2021 từ mức 2,4% lên 3,9%, đồng thời nâng dự báo lạm phát trong năm sau từ 2,8% lên 3,8%.

“Các làn sóng COVID trong tương lai là rủi ro lớn nhất (với kinh tế thế giới). Về mặt lạm phát, lực cung cần “hồi sinh” để đáp ứng nhu cầu tăng cao”, trích báo cáo BoA.

Báo cáo thống kê 10 loại tiền tệ phổ biến nhất toàn cầu cho thấy điểm lạm phát của đồng USD ở mức cao nhất (46 điểm), tiếp theo là đồng NZD (38 điểm) và GBP (37 điểm). Mặc dù tỷ lệ lạm phát tại các nền kinh tế lớn được dự báo sẽ giảm nhẹ trong năm 2022 nhưng nó vẫn đặt ra thách thức lớn cho thị trường trong ngắn hạn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gần đây phát đi nhiều tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến.

Dự báo tình hình lạm phát tại một số nền kinh tế phát triển (biểu đồ bên trái) và một số nền kinh tế mới nổi (biểu đồ bên phải) đến tháng 10/2023 cho thấy lạm phát nhìn chung vẫn ở mức cao và có khả năng thiết lập một mặt bằng mới (Nguồn: OECD)

Dự báo tình hình lạm phát tại một số nền kinh tế phát triển (biểu đồ bên trái) và một số nền kinh tế mới nổi (biểu đồ bên phải) đến tháng 10/2023 cho thấy lạm phát nhìn chung vẫn ở mức cao và có khả năng thiết lập một mặt bằng mới (Nguồn: OECD)

“Lạm phát sẽ hạ nhiệt từ mức cao hiện tại nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu của Ngân hàng Trung ương, buộc Fed bắt đầu hành động. Trải qua năm 2021 với chủ đề nổi bật là cung không đủ cầu, chúng tôi cho rằng năm 2022 sẽ là năm tái cân bằng dần dần cung - cầu. Điều này góp phần hạ nhiệt bớt rủi ro lạm phát, nhưng mức hạ nhiệt không đủ nhanh. Chúng tôi dự báo Fed tăng lãi suất khoảng 3 lần trong năm bắt đầu từ tháng 6”, báo cáo cho biết.

Tỷ lệ dự báo Fed tăng lãi suất cơ bản lên 0,5% từ tháng 6/2022 là khá cao, theo công cụ đo lường FedWatch của CME tính đến ngày 30/11/2021 (Nguồn: AJ Bell)

Tỷ lệ dự báo Fed tăng lãi suất cơ bản lên 0,5% từ tháng 6/2022 là khá cao, theo công cụ đo lường FedWatch của CME tính đến ngày 30/11/2021 (Nguồn: AJ Bell)

Là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam được nhận định sẽ chịu tác động từ tình hình lạm phát cũng như diễn biến dịch COVID-19 trên toàn cầu.

Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ: không đơn giản là con số thống kê

Nhận định về tình hình kinh tế trong nước 11 tháng đầu năm, TS. Nguyễn Xuân Thành nói tại diễn đàn “Bàn tròn chuyên gia: Tìm kiếm động lực tăng trưởng cho 2022” cuối tuần trước: "Ta đều biết tình hình kinh tế quý III rất tệ do nhiều địa phương chịu ảnh hưởng của các biện pháp giãn cách xã hội. Tuy nhiên, có tín hiệu rất tốt là tình hình sản xuất tháng 11 đã phục hồi trở lại khá tích cực, đặc biệt tại các tỉnh thành phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, khu vực Đông Nam Bộ, theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố."

"Đà phục hồi không đơn giản là con số thống kê. Tôi thảo luận với các hiệp hội ngành nghề tại Tp. Hồ Chí Minh, họ cho biết có nhiều thuận lợi để doanh nghiệp mở cửa trở lại như nền tảng vĩ mô vẫn ổn định, thanh khoản dồi dào, doanh nghiệp vẫn tiếp cận được với tín dụng. Tất nhiên vẫn có cảnh báo về tình trạng dòng tiền doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng nếu ta kiên trì thích ứng an toàn, mở cửa kinh tế thì sẽ tăng trưởng dương thôi”, TS. Nguyễn Xuân Thành.

Theo TS. Thành, nền kinh tế đã vượt qua thách thức lớn nhất là giai đoạn giãn cách diện rộng, mặc dù còn tồn tại một số nguy cơ như hoạt động dịch vụ vẫn nằm trong vòng đỏ suy giảm do sức mua yếu, doanh nghiệp muốn mở cửa trở lại cần đáp ứng nhiều chi phí tuân thủ, nhưng nếu tháo bỏ được các chi phí và lực cản cơ chế thì đà phục hồi là rất tốt.

Đà phục hồi tích cực của sản xuất công nghiệp (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Đà phục hồi tích cực của sản xuất công nghiệp (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Bước sang năm 2022, ông Thành cho rằng kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn còn đối diện một số thách thức lớn như diễn biến phức tạp của đại dịch, sự phục hồi chậm chạp của chuỗi cung ứng toàn cầu (nhanh nhất là giữa năm 2022 trong trường hợp toàn cầu kiểm soát được dịch bệnh) và câu chuyện lạm phát.

Ảnh tác giả

“Chính sách có sự khác biệt giữa các quốc gia, thời gian qua có tình trạng nước này mở cửa thì nước kia đóng cửa, nơi này phục hồi sức cầu thì nơi kia sức cung giảm do đứt gãy. Tiến trình phục hồi cũng không đồng đều giữa các nền kinh tế. Điều này dẫn đến mối lo ngại lạm phát và hành động thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương".

TS. Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 có thể đạt 7,5%

Dựa trên các kịch bản kinh tế khác nhau, TS. Nguyễn Xuân Thành dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 nằm trong khoảng 5-7,5%.

Cụ thể, trong kịch bản sáng, mức tăng trưởng GDP 7,5% cho năm 2022 là hoàn toàn khả thi nếu gói hỗ trợ lớn được tung ra, chuỗi cung ứng phục hồi khiến giá toàn cầu giảm xuống, Ngân hàng Nhà nước không phải thắt chặt tiền tệ do áp lực lạm phát không quá lớn. “Mức tăng trưởng này chưa thể bù đắp mức tăng trưởng sụt giảm năm nay nhưng đó cũng là một tín hiệu khá tích cực về sự phục hồi”, theo TS. Thành.

Trong kịch bản cơ sở, nếu các gói hỗ trợ có quy mô không quá lớn hoặc tốc độ triển khai không sớm thì mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% mà Quốc hội đưa ra cho năm 2022 vẫn hoàn toàn "trong tầm tay" do tăng trưởng GDP năm 2021 dự báo chỉ ở mức 2-2,5%.

Trong kịch bản tốt hơn hơn, nếu tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hơn dẫn đến tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài, lạm phát tiếp tục tăng buộc các quốc gia thắt chặt tiền tệ và NHNN Việt Nam cũng xem xét có động thái tương tự thì tăng trưởng GDP năm 2022 dự báo chỉ khoảng 5%, theo TS. Nguyễn Xuân Thành.

Báo cáo cập nhật vĩ mô tháng trước của VNDirect cũng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 đạt 7,5% trong kịch bản kinh tế toàn cầu duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ, 70-75% dân số Việt Nam được tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa Covid-19 trong nửa đầu năm 2022, du lịch và dịch vụ phục hồi khi các chuyến bay quốc tế dần nối lại, Chính phủ duy trì các chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng cho đến ít nhất là cuối quý II/2022 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, trong dự báo cập nhật mới nhất, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 từ 7% xuống 6,5%.

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Trần Quốc Phương gần đây nhận định tại cuộc gặp gỡ báo chí rằng Việt Nam có khả năng lấy lại tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5% trong năm 2022, thậm chí cao hơn trong năm 2023 nếu Đề án chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 được thực thi nhanh chóng, có hiệu quả.

NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV diễn ra tại Hà Nội sáng 20/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày Báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 khoảng 6-6,5%.

Chiều 12/11, trong phiên họp dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Với 472/472 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó bao gồm chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.