Nâng cao tỉ lệ tiêm vaccine để tránh nguy cơ 'dịch chồng dịch'

Tiêm vaccine Việt nAM
21:54 - 02/08/2022
Nâng cao tỉ lệ tiêm vaccine để tránh nguy cơ 'dịch chồng dịch'
0:00 / 0:00
0:00
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dù tỉ lệ tiêm vaccine của Việt Nam đang ở mức cao nhưng không thể chủ quan, đồng thời cần kiểm soát tốt các dịch bệnh truyền nhiễm khác, không để "dịch chồng dịch".

Nguy cơ dịch chồng dịch vẫn hiện hữu

Phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến tiến độ tiêm vaccine COVID-19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh diễn ra sáng 2/8 tại điểm cầu Bộ Y tế, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm vẫn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch Covid-19 với sự xuất hiện của các biến thể phụ BA.4, BA.5 tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Virus SARS-CoV-2 đang liên tục biến đổi, khó dự báo, nhất là về mức độ nguy hiểm, khả năng làm giảm hiệu quả vaccine và nguy cơ tăng bệnh nặng, tử vong. Tuy nhiên, đến hiện tại, cách tốt nhất để phòng tránh dịch bệnh và gia tăng sức đề kháng vẫn là nâng cao độ bao phủ của các mũi tiêm vaccine phòng Covid-19.

Quyền bộ trưởng cũng nhấn mạnh dù thời gian qua, các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong nước như sốt xuất huyết, cúm mùa, tay chân miệng đã cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên, nguy cơ dịch chồng dịch vẫn hiện hữu với nhiều thách thức.

Ảnh tác giả

“Dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu. Trong khi đó, vẫn có tình trạng chủ quan, lơ là trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; một số nơi chưa quyết liệt, chưa có sự vào cuộc hoặc phối hợp chưa đồng bộ của các cấp, các ngành cùng với ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch”.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Đặc biệt, Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng chỉ ra rằng tốc độ tiêm vaccine Covid-19 ở một số địa phương hiện nay vẫn chưa đạt tiến độ theo yêu cầu, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. Ngoài ra, hiện nay xuất hiện tình trạng chủ quan, lơ là, thậm chí tránh né tiêm vaccine ở một bộ phận người dân, trong đó có những vị phụ huynh không muốn cho trẻ em tiêm vaccine dẫn tới tình trạng tiêm vaccine của nhóm trẻ từ 5 – 12 tuổi còn thấp, tốc độ tiêm chậm.

Bên cạnh đó, nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch chưa được đảm bảo; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ở nhiều nơi gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.

Báo cáo về công tác phòng chống dịch 7 tháng đầu năm tại hội nghị, TS Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, nhiều quốc gia tiếp tục ghi nhận số mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi.

Riêng dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của Omicron và các biến thể BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1. Trong 3 tuần gần đây, số ca nhập viện và số ca tử vong đã gia tăng trở lại.

Tại Việt Nam, 7 tháng đầu năm cả nước ghi nhận hơn 9 triệu ca mắc Covid-19 (chiếm 83,9% tổng số ca mắc), gần 11.000 ca tử vong (tỉ lệ tử vong/ca mắc là 0,1%). Từ cuối tháng 3, dịch có xu hướng giảm mạnh và hiện vẫn đang được cơ bản kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước. Biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron đã được ghi nhận trong nước.

Số ca mắc mới trong tuần vừa qua tăng 48% so với tuần trước đó và dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng nhận định, với khả năng lây lan mạnh và liên tục xuất hiện, tiến hóa các biến thể, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian. Dịch Covid-19 có thể sẽ bùng phát trở lại trong thời gian tới.

Không vì tiết kiệm vaccine mà làm người dân bỏ lỡ tiêm chủng

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến tiến độ tiêm vaccine COVID-19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh về tình hình tồn vaccine COVID-19 tại các tuyến, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, tại tuyến tỉnh tồn 3,9 triệu liều vaccine; tuyến khu vực, còn 10,3 triệu liều vaccine bao gồm 6,3 triệu liều mới cấp ngày 29.7.2022. Tuyến quốc gia, có 3,7 triệu liều gồm 1,94 triệu liều vaccine Pfizer cho người từ 12 tuổi trở lên và 1,76 triệu liều Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi.

Tổng cộng số vaccine COVID-19 còn tồn đến nay là 17,9 triệu liều, trong đó chủ yếu là vaccine Pfizer hạn tháng 9.2022 và 2,9 triệu liều Vero Cell hạn dùng tháng 10.2023.

Đại diện WHO tại Việt Nam: Có thể chấp nhận tỉ lệ hao phí vaccine cao hơn để tăng tốc độ tiêm chủng. Ảnh: Reuters

Đại diện WHO tại Việt Nam: Có thể chấp nhận tỉ lệ hao phí vaccine cao hơn để tăng tốc độ tiêm chủng. Ảnh: Reuters

Theo đại diện WHO, Việt Nam đang duy trì tỉ lệ hao phí vaccine với những lọ vaccine nhiều liều rất thấp, là 0%, dù được khuyến cáo cho phép tỉ lệ hao phí là 10 – 15%. Nghĩa là nếu 1 lọ vaccine 5 liều mà chỉ có 2 người đến tiêm thì cán bộ y tế sẽ không mở.

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, điều quan trọng là tiêm được số liều vaccine cao nhất chứ không phải tiết kiệm vaccine. Vì vậy, đại diện của WHO cho rằng Bộ Y tế cần cho phép tỉ lệ hao phí nhất định để tăng tốc tiêm chủng, không lỡ cơ hội tiêm chủng cho người dân.

Đồng quan điểm với WHO, đại diện CDC Mỹ tại Việt Nam cho rằng, tiêm vaccine phòng COVID-19, sẽ giúp tăng khả năng miễn dịch cá nhân, giảm gánh nặng lên hệ thống y tế quốc gia và y tế toàn cầu. Đại diện CDC Mỹ cũng lưu ý việt nam cần khôi phục hệ thống giám sát, chuẩn bị sinh phẩm, thuốc chữa bệnh, cơ chế tài chính để kiểm soát dịch cúm A đang bất ngờ bùng phát trái mùa.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.